Ngây thơ về chính trị
Cập nhật ngày: 21/11/2024 05:12:29
ĐTO - Gần đây, khá nhiều người trong nước và người nước ngoài quan tâm về chính trị đã thể hiện lạc quan đối với những nhà lãnh đạo chính trị tuyên bố chương trình hành động (phương châm, khẩu hiệu) của họ khi tranh cử hoặc giữ cương vị mới. Hy vọng ấy có những cơ sở nhất định bởi mỗi nhân vật lãnh đạo có khả năng tập hợp lực lượng làm thay đổi tình thế nhất định. Nhưng, ai đó lại hoàn toàn đặt niềm tin vào những lời tuyên bố mà thiếu phân tích những dữ liệu, nhất là các quan hệ chính trị thì thật là “ngây thơ về chính trị”. Bài viết sẽ bàn luận vấn đề này để sự ủng hộ của mỗi chúng ta có độ chín chắn.
Bên cạnh nét đẹp về sự trong sáng của từ ngây thơ là không (chưa) hiểu hoặc ít hiểu về đời do còn non trẻ, ít kinh nghiệm. Và theo Wikipedia, chính trị là hoạt động trong lĩnh vực giữa các giai cấp, các dân tộc và các quốc gia với vấn đề giành, giữ, tổ chức và sử dụng quyền lực chính trị; là sự tham gia của Nhân dân vào công việc Nhà nước và xã hội; là hoạt động chính trị thực tiễn của giai cấp, các đảng phái chính trị, các nhà nước... nhằm tìm kiếm những khả năng thực hiện đường lối và những mục tiêu đã đề ra nhằm thỏa mãn lợi ích. Nói nôm na, chính trị là các quan hệ các giai cấp, các tầng lớp... vì lợi ích. Ngây thơ chính trị chính là chưa hiểu đầy đủ về các quan hệ xã hội, các quan hệ chính trị. Người ngây thơ về chính trị có niềm tin tuyệt đối, thậm chí cuồng tín vào những tuyên bố của những nhà chính trị. Họ nghĩ rằng, nhân vật chính trị ấy có thể làm được tất cả những lời hứa như “trở bàn tay”, chỉ “trong một nốt nhạc” hoặc “trong 24 giờ”. Công tâm nhìn nhận, trong nhiều giai đoạn lịch sử, không ít nhà lãnh đạo đã làm xoay chuyển tình hình, “biến nguy thành cơ”, đưa một lĩnh vực nào đó từ rối loạn đến phát triển, thúc đẩy nền kinh tế - xã hội từ khủng hoảng lên thịnh vượng. Nhưng, chúng ta cần suy xét các phương diện dưới đây để không bị rơi vào trạng thái “ngây thơ về chính trị”.
Lời hứa, lời cam kết
Trong cuộc đua giành lấy phiếu cử tri hoặc của những thành viên một tập thể nào đó cho một chức vụ, ứng cử viên phải có chương trình hành động, phát họa tầm nhìn về tương lai cho sự phát triển lĩnh vực hay đất nước (ở đây bàn về chính trị quốc gia). Để chiếm lấy sự chú ý và tín nhiệm của đại đa số, người ứng cử sẽ sử dụng những triết lý, phương châm, khẩu hiệu, mục tiêu...nổi bật nhất. Họ luôn nói về một tương lai rực sáng, những hứa hẹn sự thay đổi căn bản mà chính nó đem những lợi ích thiết thân đến với mọi người. Dù chúng ta tin rằng, họ thật tâm và đeo đuổi những gì đã hứa thì đó cũng chỉ là lời nói, trên giấy. Giữa lời nói và việc làm, giữa kế hoạch và thực hiện còn có nhiều khoảng cách. Như vậy, ngay khi chúng ta không nghĩ họ là những kẻ “mị dân”, “nói một đằng, làm một nẻo” hoặc hứa cho có... thì việc thực hiện đúng lời hứa không dễ dàng gì.
Hiện thực chính trị
Đời sống xã hội và cuộc sống chính trị phát triển theo các quy luật nội tại của nó. Như trên có đề cập, chính trị là các quan hệ giai cấp, tầng lớp...vì lợi ích. Trong xã hội, nhiều giai cấp, tầng lớp với những lợi ích đa dạng, thậm chí mâu thuẫn lẫn nhau. Cứ cho rằng số người ủng hộ là phần đông, nhưng số người bàng quan, lượng người chần chừ và không ít phản đối cũng cản trở hoặc triệt tiêu những dự định.
Sự phức tạp của vấn đề được hứa hẹn
Chúng ta đều biết, một sự kiện hình thành, phát triển và tiêu vong đều bị chi phối bởi nhiều nguyên nhân tổng hợp và đan xen. Nó có cả nguyên nhân bên trong và bên ngoài, nguyên nhân sâu xa, nguyên nhân trực tiếp và nguyên nhân gián tiếp. Khi sự vật có đủ các yếu tố điều kiện thì nó mới là nó hoặc chuyển hóa thành sự vật khác. Không thể thay đổi vấn đề nào đó trong “ngày một ngày hai”. Đó là sự ảo tưởng. Ngay như việc mưa bão là hiện tượng “bất chợt” của tự nhiên, nhưng đều ẩn chứa nhân tố hình thành hoặc chấm dứt. Do đó, hứa hẹn lập lại hòa bình ở nơi nào đó chỉ trong “phút chốc” mà cuộc chiến ấy có mâu thuẫn sâu sắc và lâu dài thì người ta nghĩ ngay đó là những “lời nói đùa”. Tương tự như vậy, chúng ta chứng kiến biết bao chương trình, kế hoạch tinh giản bộ máy, loại bỏ tham nhũng, xử lý tiêu cực, hạn chế lãng phí...vẫn còn là vấn đề “quyết tâm chính trị”.
Độ trễ của quyết sách
Bên cạnh sự nan giải được nói trên, tính khách quan của một quyết sách (một quyết định cụ thể nào đó) đều phải có độ trễ nhất định của nó. Tuy một vài nội dung của quyết định có tác động tức thì như: giá cả, thuế, lương..., nhìn chung quyết sách phải qua quá trình triển khai, nhận thức, xây dựng kế hoạch chi tiết và chỉ đạo tổ chức thực hiện. Và để bảo đảm quyết sách ấy được thi hành đúng, phải kiểm tra, điều chỉnh cho phù hợp với thực tế. Một quyết sách chính trị có tác động mạnh mẽ đối với các tầng lớp xã hội không thể trông đợi như kiểu “mì ăn liền”. Ngay trong trường hợp “phản ứng nhanh”, nó phải đủ thời gian mới tạo nên kết quả hoặc gây hậu quả.
Ngây thơ thường được ám chỉ sự thiếu hiểu biết, chưa từng trải để hiểu rõ vấn đề. Người “Ngây thơ về chính trị” là chưa am tường về cuộc sống xã hội, đời sống chính trị nên dễ tin, cả tin vào những lời tuyên bố, sự hứa hẹn có thể thay đổi tình thế khó khăn trở nên thuận lợi chỉ trong “một sớm một chiều” của nhân vật chính trị. Một khi có sự suy nghĩ và phân tích thấu đáo các quan hệ chính trị đối với một chương trình hành động nào đó, chúng ta sẽ trở thành người ủng hộ nhiệt thành và tích cực hoặc là người phản biện đáng tin cậy.
DÂN BIỆN