Nghệ thuật quân sự độc đáo trong chiến thắng Giồng Thị Đam - Gò Quản Cung
Cập nhật ngày: 26/09/2017 06:50:06
ĐTO - Cách đây 58 năm, Tiểu đoàn 502 (nay là Tiểu đoàn bộ binh 502, thuộc Trung đoàn bộ binh 320) giành chiến thắng vang dội ở Giồng Thị Đam (xã An Phước, huyện Tân Hồng) và Gò Quản Cung (xã Phú Hiệp, huyện Tam Nông).
Để làm nên chiến công ấy, ngoài tinh thần chiến đấu ngoan cường của cán bộ, chiến sĩ thì phải kể đến nghệ thuật quân sự độc đáo mà Ban Chỉ huy Tiểu đoàn 502 đã khéo léo sử dụng.
Tượng đài chiến thắng Giồng Thị Đam - Gò Quản Cung xây dựng tại xã An Phước, huyện Tân Hồng
Chiến thắng vang dội
Theo kế hoạch, Đại đội Bảy Phú và một phần Đại đội Năm Bình của Tiểu đoàn 502 về làm công tác võ trang tuyên truyền chống phá kế hoạch gom dân của Mỹ và chế độ Sài Gòn ở xã Bình Thạnh (Hồng Ngự). Ngày 25/9/1959, đơn vị tập kết về Giồng Thị Đam thì phát hiện một toán quân địch hành quân bằng xuồng từ Hồng Ngự về Sa Rài. Ban Chỉ huy Tiểu đoàn 502 họp khẩn cấp, phân tích tình hình, nhất trí đánh địch.
Đúng như nhận định của tiểu đoàn, sáng ngày 26/9/1959, quân địch từ Sa Rài hành quân bằng xuồng về Giồng Thị Đam, lọt vào trận địa phục kích. Tiểu đoàn 502 đồng loạt nổ súng. Bị bất ngờ, đội hình địch rối loạn, binh sĩ mất tinh thần quăng súng nhảy xuống nước. Bộ đội ta xung phong tiêu diệt và bắt nhiều binh lính, thu vũ khí. Chiều cùng ngày 26/9/1959, tại Gò Quản Cung (cách Giồng Thị Đam khoảng 3km), một cánh quân khác của địch lọt vào trận phục kích của Tiểu đoàn 502. Đơn vị anh dũng chiến đấu, đa số quân địch bị diệt và bị bắt.
Trong 1 ngày, 42 tay súng của Tiểu đoàn 502 chiến đấu 2 trận, diệt gọn Đại đội 12, Đại đội 7 và Ban Chỉ huy Tiểu đoàn 3 thuộc Trung đoàn 43, Sư đoàn 23 chủ lực Sài Gòn; đánh bại cuộc hành quân cấp Trung đoàn do phân khu Bắc tổ chức. Đơn vị diệt nhiều tên, bắt 105 tù binh, thu 127 khẩu súng và nhiều quân cụ khác. Đặc biệt, Tiểu đoàn 502 thực hiện tốt công tác binh vận, giáo dục, cảm hóa, phóng thích các tù binh và có nhiều tên quyết định giải ngũ. Số thẻ quân nhân của binh sĩ chết trận, bị thương và bị bắt được gửi về gia đình họ kèm thư kêu gọi, hướng dẫn đấu tranh nên nhiều gia đình kéo đến quận, tỉnh đòi chồng con, tiền tử tuất làm cho địch bối rối.
Tin chiến thắng của Tiểu đoàn 502 loan đi nhanh chóng, rộng khắp khu vực đồng bằng sông Cửu Long, làm nức lòng đồng bào, chiến sĩ. Nhiều đơn vị tổ chức học tập kinh nghiệm, thanh niên hăng hái tham gia kháng chiến. Đồng bào tích cực đóng góp sức người, sức của cho cách mạng. Về phía địch, thời điểm đó, đây là trận thua rất đậm, rất đau, làm hoang mang trong nội bộ. Tổng thống Ngô Đình Diệm phải chỉ thị cho Đại tướng Tổng tham mưu trưởng Lê Văn Ty chủ trì cuộc họp Hội đồng quân kỷ để rút kinh nghiệm, tìm nguyên nhân thất bại, xem xét kỷ luật một số sĩ quan và người có liên quan đến cuộc hành quân.
Nghệ thuật quân sự độc đáo
Trong tình thế địch có lực lượng và vũ khí mạnh hơn ta, Ban Chỉ huy Tiểu đoàn 502 khéo léo sử dụng nghệ thuật quân sự “lấy nhỏ thắng lớn, lấy ít địch nhiều”. Đơn vị lợi dụng địa hình Giồng Thị Đam và Gò Quản Cung bị bao bọc bởi đồng nước mênh mông, tiện lợi cho việc triển khai đội hình trú quân, ém giấu lực lượng nên chọn cách đánh phục kích, ngụy trang kỹ. Trong khi bộ đội ta giỏi bơi xuồng thì quân địch lại có bất lợi lớn là không quen bơi xuồng chiến đấu trên đồng nước. Ta phục kích chờ địch đến thật gần mới nổ súng và mục tiêu tiêu diệt trước tiên là xuồng chỉ huy. Khi nổ súng, đã chớp thời cơ xung phong nhanh áp đảo địch. Binh lính địch bất ngờ, đội hình rối loạn, nhiều xuồng bị chìm.
Sơ đồ diễn biến chiến đấu trận Giồng Thị Đam - Gò Quản Cung
Làm nên chiến công Giồng Thị Đam - Gò Quản Cung, bên cạnh yếu tố chính trị tinh thần, chỉ huy Tiểu đoàn 502 và cán bộ, chiến sĩ tham gia trận đánh đã giải quyết rất thành công những nội dung cốt lõi về nghệ thuật chuyển hóa thế trận, tạo nên sức mạnh đánh thắng địch. Đây là trận đánh rất tiêu biểu về nghệ thuật “lấy nhỏ thắng lớn, lấy ít địch nhiều” của lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam lúc bấy giờ. Nghệ thuật đó tập trung vào các nội dung chính: tổ chức sử dụng lực lượng hợp lý để chuyển hóa từ lực nhỏ thành sức lớn; lập thế trận hiểm, dùng cách đánh hiểm để tạo thế vững, lực mạnh; chọn thời cơ có lợi; chọn và đánh đúng mục tiêu hiểm yếu.
Qua chiến thắng, Tiểu đoàn 502 rút ra bài học kinh nghiệm quý. Đó là ngoài kỹ năng chiến thuật tốt, tính tổ chức kỷ luật, tinh thần đồng đội cao, chiến đấu dũng cảm, hợp đồng chặt chẽ thì còn phải có tư tưởng chủ đạo xuyên suốt: luôn chủ động, nhạy bén tấn công địch liên tục, nhanh, mạnh ở mọi tình huống, địa hình, hoàn cảnh thì nhất định sẽ thắng. Chần chừ, mất thế chủ động trên trận địa thì hậu quả khó lường.
Để ghi dấu sự kiện lịch sử hào hùng, giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, năm 1999, hoa viên và tượng đài chiến thắng Giồng Thị Đam - Gò Quản Cung được xây dựng tại xã An Phước, huyện Tân Hồng. Năm 2004, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích chiến thắng Giồng Thị Đam - Gò Quản Cung là Di tích lịch sử cấp Quốc gia.
NHỰT AN (tổng hợp)