Nghĩ về giá trị của Báo chí cách mạng Việt Nam trong tình hình mới
Cập nhật ngày: 21/06/2024 05:14:55
ĐTO - Kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, cùng với niềm vui, phấn khởi, đan xen là những âu lo của người làm báo. Sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ về thông tin, đặc biệt là internet và mạng xã hội, đã đặt hầu hết cơ quan báo chí vào thế “chân tường”.
Có lẽ đã đến lúc, từng cơ quan báo chí, từng người làm báo phải đặt cho mình câu hỏi, nghề báo còn có thể giữ nguyên giá trị như thuở ban đầu?
Đã từng có một thời gian dài thế giới chưa có internet và mạng xã hội, thậm chí sách cũng còn rất khan hiếm.
Mới gần đây thôi, trước khi các nền tảng mạng xã hội trở nên phổ biến, là thời hoàng kim của báo chí. Các tờ báo in thì tăng trang, tăng tần suất phát hành. Các đài truyền hình địa phương đua nhau mở thêm kênh, tham gia truyền dẫn phát sóng qua mô thức cáp, tăng thời lượng phát sóng lên 24/24 và đầu tư mạnh vào mảng giải trí như phim truyện và gameshow...
Nhưng sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ về thông tin, đặc biệt là Internet và các nền tảng mạng xã hội đã làm thay đổi mọi thứ. Với chiếc điện thoại thông minh trong tay, bất kỳ cá nhân nào cũng có thể thu thập tin tức, biên tập và xuất bản trên phạm vi toàn cầu. Cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, doanh nghiệp... từ vai trò là nguồn tin của báo chí, đã chủ động lập trang website, tài khoản mạng xã hội để tự làm truyền thông.
Mô thức truyền dẫn phát sóng kỹ thuật số mặt đất đã phá bỏ giới hạn phủ sóng và phần nào đó “tính độc quyền” của Đài truyền hình địa phương tại tỉnh, thành. Các Đài truyền hình trong cùng một khu vực buộc phải cạnh tranh lẫn nhau. Nhưng tất cả đều lép vế trước các nền tảng: Youtube, Facebook... về các mảng tin nóng, phim truyện và gameshow.
Hệ quả là theo thống kê mới nhất, các cơ quan báo chí trong nước đang phải đối diện với nguy cơ sụt giảm doanh thu mạnh mẽ, do bị mạng xã hội lấy đi khoảng 70% doanh thu quảng cáo. Còn trên bình diện thế giới, doanh thu quảng cáo của báo in từ năm 2019 là từ 35,1 tỷ USD thì đến năm 2024 dự kiến sẽ chỉ còn 21,4 tỷ USD.
Thời gian gần đây ở rất nhiều hội nghị, hội thảo các cấp, vấn đề kinh tế báo chí - truyền thông luôn được báo động. Nhưng tình trạng cắt giảm, thậm chí là nợ nhuận bút phóng viên xuất hiện ngày càng nhiều. Hầu hết, các cơ quan báo chí đều trông ngóng vào nguồn đặt hàng từ ngân sách nhà nước để duy trì hoạt động bộ máy, nhưng có lẽ sẽ không đủ.
Chúng ta biết rằng, báo chí có các vai trò, chức năng: (1) thông tin, (2) định hướng, (3) giám sát, phản biện, (4) giáo dục, tuyên truyền, (5) văn hóa - giải trí, (6) kết nối - thúc đẩy phát triển.
Ngày nay, nhìn ở góc độ tích cực, internet và mạng xã hội đang vận hành các vai trò, chức năng kể trên. Thậm chí, nếu đi sâu phân tích, trong nhiều chức năng, báo chí chính thống đôi lúc yếu thế.
Do đó, cùng với các giải pháp kinh tế, nên chăng báo chí chính thống cần định vị lại các giá trị của mình cho phù hợp với điều kiện khách quan.
Trong bối cảnh sống chung với mạng xã hội hiện nay, báo chí cần có sự sắp đặt lại thứ tự ưu tiên các chức năng của mình. Có lẽ 3 chức năng: định hướng, giám sát - phản biện và giáo dục - tuyên truyền cần phải đặt lên hàng đầu. Từ đó, làm tốt vai trò mà Điều 4, Luật Báo chí năm 2016 đã nêu: Báo chí ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội; là cơ quan ngôn luận của cơ quan Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; là diễn đàn của Nhân dân.
Văn Lợi