Nghĩ về Tết Kỷ Hợi: “Khải hoàn ta viết tiếp bài ca“

Cập nhật ngày: 11/02/2019 10:02:16

“Không phải ngẫu nhiên mà một không khí phấn khởi, tin tưởng ngày càng lan toả sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân".

1.Tết Kỷ Hợi đã trôi qua trong cái nắng rực rỡ khắp ba miền đất nước. Muôn hoa khoe sắc, lòng người chộn rộn, không khí ấm áp lan tỏa trong mỗi gia đình, dòng họ. Sự ấm áp, no đủ còn thể hiện trong không khí du xuân tấp nập khi người Việt không tiếc tiền đi du lịch trong và ngoài nước.

Thực tế đó phản ánh đời sống khấm khá của nhân dân, tầng lớp trung lưu xuất hiện ngày càng nhiều trong xã hội. Năm 2018, thu nhập bình quân của mỗi người Việt Nam đã tăng thêm khoảng 200 USD so với một năm trước đó nhưng điều đáng mừng nhất là nền kinh tế không có những cú sốc và mặt bằng giá cả ổn định để nhân dân yên tâm đầu tư sản xuất kinh doanh.


Tết Kỷ Hợi đã trôi qua trong không khí phấn khởi của người dân cả nước

“Không phải ngẫu nhiên mà một không khí phấn khởi, tin tưởng ngày càng lan toả sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, tác động tích cực mạnh mẽ trên khắp cả nước và được nhiều bạn bè quốc tế ghi nhận”. Trong khoảnh khắc thiêng liêng, chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, người lãnh đạo cao nhất đất nước, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã xúc động nói như vậy khi nhìn lại những thành quả mà hơn 90 triệu người dân Việt Nam đã nỗ lực đạt được trên khắp các lĩnh vực, từ kinh tế - xã hội đến an ninh quốc phòng, đối ngoại, đặc biệt là công cuộc xây dựng, chỉnh đốn đảng, tuyên chiến với tham nhũng, lãng phí. 

Nhân dân chia sẻ và đồng tình với ông khi đưa ra nhận định: “Có lẽ ít có khi nào đất nước ta bước vào một mùa xuân mới với tâm thế và quyết tâm lớn lao đầy trọng trách như mùa xuân này. Xuân Kỷ Hợi - 2019 là dấu mốc thời gian vô cùng quan trọng với những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử của Đất nước sau hơn 30 năm đổi mới và 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh”.

2. “Sau hơn 30 năm đổi mới”- cụm từ ấy cần phải nhắc lại nhiều lần mới cảm nhận hết ý nghĩa của những thành quả. Từ thiếu đói lương thực, từ bao vây cấm vận, từ đống đổ nát của chiến tranh, chúng ta đã tự tìm cho mình một hướng đi mới để đến hôm nay, cái tên Việt Nam không còn nhỏ bé, khiêm nhường như mấy chục năm về trước. 

Tết này, cái tên Việt Nam khiến cả thế giới chú ý khi được chọn là địa điểm cho cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ 2. Sự kiện này nói lên quá nhiều điều nhưng đánh giá chung nhất của truyền thông quốc tế về lý do chọn Việt Nam, đó là an ninh, an toàn và những kinh nghiệm có được sau khi chúng ta tổ chức thành công những sự kiện tầm cỡ quốc tế.

Không những thế, Việt Nam còn được đánh giá cao bởi những thành công sau hơn 30 năm thực hiện “chương trình cải cách kinh tế toàn diện với tên gọi “Đổi Mới”, từ một nước từng là cựu thù của Mỹ trở thành một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới” như một tờ báo của Nhật đánh giá. 

Không thực lực, không độc lập - tự chủ, không lập trường rõ ràng thì chắc rằng, chúng ta đã không nhận được sự tin tưởng của cộng đồng quốc tế.  

3.Tết là sum họp, Tết là đoàn viên nhưng những cuộc chia tay của các “chàng trai bóng đá” của chúng ta trong mùa xuân này lại mang đến cảm giác quá đỗi tự hào. Họ chia tay “cái nôi” đã đào tạo mình để bước ra thế giới rộng lớn, có cơ hội thử sức trong những câu lạc bộ danh tiếng sau khi đã làm nên những kỳ tích trên đấu trường khu vực trong suốt năm 2018 vừa qua. Những cái tên như Văn Lâm, Công Phượng, Xuân Trường… được nhắc đến trên khắp các trang báo, trở thành biểu tượng của một thế hệ cầu thủ vàng Việt Nam. Không ai khác, chinh họ cùng những người đồng đội của mình, dưới sự dẫn dắt của HLV Park Hang seo đã đưa Việt Nam thăng hạng trên Bảng xếp hạng của FIFA và giấc mơ tham gia World cup không còn quá xa vời.

4. Tết với người Việt dẫu có chút mai một, dẫu có những đổi thay cho phù hợp với thời cuộc nhưng “Tết muôn đời mãi còn”. Hình ảnh những dòng người trở về quê sau một năm bươn bả mưu sinh, rồi lại khăn gói trở lại nơi mình sống và làm việc… mới cảm động làm sao. Dù vất vả trăm bề nhưng “không về” sao được, bởi “đường về quê là con đường đẹp nhất”. Nơi ấy là nguồn cội, là cha mẹ tổ tiên, là những đôi mắt ngóng trông, đợi chờ. Văn hóa Việt, tâm hồn Việt trong thời đại 4.0 vẫn luôn tồn tại như thế, như mạch nguồn chưa bao giờ ngừng chảy.  

5. Tết- kỳ nghỉ lễ dài nhất trong năm sẽ không thể tránh được những hệ lụy như tệ rượu bia, cờ bạc, đánh nhau, tai nạn… Cứ năm sau, thiệt hại ít hơn năm trước đã là thành công. Quan trọng là ý thức của mỗi người khi họ biết trân quý những ngày nghỉ Tết – một khoảng thời gian đầy ý nghĩa bên người thân, gia đình. 

Tết Kỷ Hợi đã trôi qua với hình ảnh con giáp biểu trưng cho sự sung túc, đủ đầy, no ấm. Khởi đầu tốt đẹp đó mang lại niềm tin, sự lạc quan để chúng ta biến những ước mơ, khát vọng thành hiện thực như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã xúc cảm trong đêm giao thừa: 

Cả nước hân hoan mừng Xuân mới

Khải hoàn ta viết tiếp bài ca.

Quốc Phong/VOV

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn