Kỷ niệm 30 năm Ngày Quốc tế Người cao tuổi (1/10/1991 - 1/10/2021)
Người cao tuổi trong đại dịch Covid-19
Cập nhật ngày: 01/10/2021 09:29:13
ĐTO - Trong phòng, chống đại dịch Covid-19, người cao tuổi (những người từ 60 tuổi trở lên - theo Luật Người cao tuổi, năm 2009) là một đối tượng (hay lực lượng) rất đặc biệt. Trong bối cảnh bình thường, người cao tuổi (NCT) vốn đã là một đối tượng đặc biệt, được hưởng một số chế độ, chính sách đặc biệt, bởi họ là những người già, sức khỏe đều đã giảm sút, thường mắc nhiều bệnh nền, bệnh mãn tính, thậm chí là những bệnh cấp tính, nan y. Trong quan niệm “sinh - lão - bệnh - tử” của nhà Phật, NCT đang nằm ở giai đoạn thứ 2 và thứ 3 (lão - bệnh) và đang tiếp cận dần với giai đoạn cuối cùng. Nay, trong dịch bệnh hoành hành, tinh thần “đặc biệt” ấy, cần được Nhà nước, cộng đồng, xã hội quan tâm một cách sâu sắc, thiết thực, kịp thời hơn. Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận từ hai phía, đó là bản thân lực lượng NCT cũng cần chủ động, tự giác tham gia phòng, chống dịch bệnh, thậm chí phải thực sự trở thành những đối tượng gương mẫu, tiêu biểu, nêu gương sáng cho cộng đồng, cho con, cháu. Tinh thần nói trên thể hiện trong một số đề xuất sau đây:
Thứ nhất, dù Nhà nước (cụ thể là Bộ Y tế) đã đưa những NCT vào đối tượng ưu tiên được tiêm vắc-xin (xếp thứ 9/16 nhóm ưu tiên) kể từ ngày 1/7/2021 (theo Quyết định 3355/QĐ-BYT) và cũng mới chỉ tính những người từ 65 tuổi trở lên, tuy nhiên việc thực tiễn hóa và thực thi nghị quyết đó, nhìn chung còn chưa đảm bảo tính kịp thời, chưa đều ở các địa phương, vùng miền. Hiện nay, còn không ít, số người từ 65 tuổi trở lên chưa được tiêm vắc-xin mũi 1. Và vì thế, những người từ 60 - 64 tuổi, có lẽ cũng còn chờ khá lâu để được chích ngừa, trong tình hình khan hiếm vắc-xin hiện nay của nước ta. Đối tượng NCT như đã nói ở trên, là những người thuộc diện “lão” và “bệnh”, cho nên khả năng chống chịu trước ma lực công phá của virus là rất thấp, thậm chí là bị vô hiệu hóa trong nhiều trường hợp. Bằng chứng là trong số 18.936 người tử vong vì Covid-19 ở Việt Nam (theo Bản tin Bộ Y tế về tình hình chống dịch Covid-19 tại Việt Nam ngày 28/9/2021), NCT, có bệnh nền chiếm tỷ lệ khá cao. Kiến nghị thiết thực và nhân văn của tác giả bài báo này là: cần thiết chuyển đối tượng NCT (kể cả những người từ 60 - 64 tuổi) lên diện ưu tiên thuộc nhóm hàng đầu, hoặc gần phía trên, trong bảng xếp hạng ưu tiên tiêm vắc-xin mới nhất của Bộ Y tế.
Lãnh đạo tỉnh thăm hỏi sức khỏe, chúc thọ người cao tuổi ở huyện Cao Lãnh. Ảnh tư liệu
Thứ hai, ngoài việc quan tâm đến tiến trình, quy trình, tốc độ... tiêm vắc-xin đối với đối tượng NCT, Nhà nước, hay chí ít là các tổ chức khác trong hệ thống chính trị, cần có những chính sách hỗ trợ NCT nói chung, những NCT trong vùng cách ly, “vùng đỏ”, nhất là ở các địa phương có dịch bùng phát mạnh, khốc liệt nói riêng. Sự hỗ trợ, không nhất thiết phải bằng một số lượng vật chất nào đó, mà hơn hết và chủ yếu là bằng tinh thần, là sự động viên, thăm hỏi, khuyến cáo phòng, chống dịch sao cho hiệu quả nhất (đương nhiên là thông qua điện thoại hay mạng xã hội). Tác giả bài báo này cũng là một NCT thuộc diện được ưu tiên, không những “hụt” chích ngừa vì hết vắc-xin, phải chờ gần cả tháng nay vẫn chưa có, mà còn chưa nhận được một lời hỏi han, khuyến cáo nào từ phía các cơ quan chức năng, nhất là từ Hội NCT, Hội Hưu trí, Hội Cựu giáo chức... mà mình là một hội viên. Vẫn biết, trong tình hình dịch bệnh như thế này, những NCT - nhạy cảm cao độ với sức khỏe và cái chết - một mặt, không nên “làm mình làm mẩy”, đòi hỏi quá đáng đối với xã hội, gia đình, song mặt khác, họ vẫn luôn cần một sự đồng cảm, tin yêu từ mọi phía, như là một “chỗ dựa nồng ấm” trong buổi xế chiều của cuộc đời, giữa đại dịch hoành hành.
Thứ ba, về phía những NCT, mặc dù rất ưu ái và tin tưởng họ, song tác giả bài viết cũng mạo muội nêu lên một số ý kiến, hầu mong chúng ta, hãy cùng nhau gương mẫu mọi lúc mọi nơi, tích cực thực hiện các quy định về phòng, chống dịch bệnh một cách nghiêm túc, hữu hiệu nhất. Điều thấy rõ và dễ thực hiện nhất, đó là mỗi NCT hãy là một “chiến sĩ tiên phong” trong việc tuân thủ và thực hiện những nghị quyết, quy định về phòng, chống đại dịch như: thực hiện quy tắc 5K, 5T...; thực hiện khẩu hiệu: “Ai ở đâu, ở yên đó”... NCT thường có nhu cầu hoạt động thể dục - thể thao ngoài trời như là một nhu cầu tối cần thiết đối với sức khỏe và giải trí. Nhu cầu đó, giờ đây, nhất thiết phải tạm gác sang một bên. Mỗi NCT cần phải thực hiện điều đó một cách kiên quyết, dẫu không phải không nhọc nhằn. Ở trong gia đình, NCT hãy luôn thể hiện rõ tư cách một vị chỉ huy, tư lệnh, thống soái, qua đó căn dặn, khuyên bảo mọi thành viên, nhất là lớp trẻ, hãy nghiêm túc, tự giác thực hiện những nghị định, quy định, quy tắc phòng, chống dịch. Bằng thao tác thông tin qua điện thoại di động hay mạng xã hội, những bạn bè, đồng chí cùng là NCT, cần động viên, nhắc nhở nhau thực hiện tốt những điều nói trên. Trong thực tế, nơi này nơi kia, không phải không có những NCT, tự cho mình cái quyền coi khinh dịch bệnh, đứng trên mọi quy định, thiết chế... để đi lại, giao tiếp một cách tự do, nhất là đi bộ thể dục, thậm chí không đeo khẩu trang - một “vũ khí” tối quan trọng trong phòng dịch. Chỉ khi được nhắc nhở, thậm chí bị phạt, những người này mới chịu “quay về” thực hiện “ai ở đâu, ở yên đó”. Đã có những NCT chủ quan, vô tổ chức bị nhiễm bệnh và có người đã tử vong.
NCT là những người đã gần một đời hoạt động, cống hiến, nay tạm lui về nghỉ ngơi, an dưỡng. Ở bất cứ một quốc gia và thể chế nào, họ bao giờ cũng được coi là một đối tượng vô cùng đặc biệt. Trong phòng, chống đại dịch Covid-19, vai trò và vị trí của họ vẫn vậy. Vì thế, vả chăng, cũng nên có một chế độ, chính sách “đặc biệt” tương xứng hơn?
TAO ĐÀN