Người dân dần thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang “kinh tế nông nghiệp”

Cập nhật ngày: 27/10/2022 17:10:25

ĐTO - Sau khi có Thông báo kết luận số 1878 ngày 20/5/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) tỉnh xây dựng kế hoạch thực hiện thí điểm mô hình thi đua phấn đấu trở thành “Người nông dân chuyên nghiệp” (viết tắt là mô hình). Đồng thời thống nhất chọn 5 địa phương thực hiện thí điểm mô hình theo nhóm cây trồng như: huyện Lấp Vò sản xuất rau màu an toàn; huyện Cao Lãnh sản xuất cây xoài, cây mít; huyện Châu Thành sản xuất cây nhãn; huyện Lai Vung sản xuất cây ăn quả có múi; huyện Tháp Mười sản xuất cây lúa, cây mít.


Thực hiện mô hình thi đua phấn đấu trở thành “Người Nông dân chuyên nghiệp”, xã Bình Thạnh (huyện Cao Lãnh) có khoảng 150 hộ nuôi cá điêu hồng theo hướng an toàn

Sau đó, Ban Thường trực Ủy ban MTTQVN các cấp trên địa bàn được chọn triển khai thí điểm mô hình chủ động phối hợp với các ngành đẩy mạnh tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa và lợi ích đem lại của mô hình được người dân đồng thuận cao và tích cực đăng ký thực hiện. Đặc biệt, người dân tham gia mô hình từng bước hiểu được sản xuất nông nghiệp phải tích hợp đa giá trị chứ không phải đơn giá trị, chú trọng đến tính tiện ích của hàng hóa, sản phẩm. Nhất là nhận thức được thị trường đã chuyển từ nhu cầu “ăn cho no” sang “ăn cho ngon”, “ăn cho sạch, an toàn, nhiều dinh dưỡng”. Vì thế, việc sản xuất phải được phân ra nhiều luồng theo nhu cầu của xã hội, phải sản xuất sạch, tuân thủ các quy định về sản xuất an toàn. Từ đó, trong quá trình sản xuất, người dân tự giác tuân thủ theo hướng dẫn của tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ, sản xuất thân thiện với môi trường, phải sạch, an toàn, có trách nhiệm, có đạo đức với bản thân và cộng đồng.

Điển hình như mô hình trồng nhãn ở huyện Châu Thành được triển khai với nhiều giải pháp đồng bộ, đến nay tổng diện tích nhãn của địa phương được chứng nhận VietGAP là 113,39/120ha; 19,5ha được chứng nhận GlobalGAP và có 122,95ha được cấp mã số vùng trồng đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Hay Minh Tâm Hội quán ở xã Mỹ Xương (huyện Cao Lãnh) có 100% thành viên đều sản xuất xoài theo tiêu chuẩn VietGAP và thực hiện “Sổ nhật ký canh tác” tạo điều kiện thuận lợi cho việc truy xuất nguồn gốc để xoài được tiêu thụ dễ dàng và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Phát huy những kết quả đạt được, Minh Tâm Hội quán đang thực hiện mô hình “Sản xuất xoài theo hướng công nghệ cao” với diện tích 10ha, từ đó nâng cao chất lượng, năng suất, tăng khả năng cạnh tranh của quả xoài trên thị trường.

Khi tham gia thực hiện thí điểm mô hình, người dân không chỉ tập trung sản xuất sạch, an toàn mà còn tuyệt đối tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường trong sản xuất, kinh doanh. 100% hộ đăng ký thực hiện tốt các quy định, nội quy của các tổ liên kết, hợp tác, Luật Hợp tác xã khi tham gia vào các loại hình kinh tế tập thể; không thực hiện các hành vi gian dối và chịu trách nhiệm pháp lý về các hợp đồng, thỏa thuận theo quy tắc “Hợp tác - liên kết - thị trường”. Thông qua hoạt động của mô hình, các thành viên đều chia sẻ những kinh nghiệm, cách làm hay trong sản xuất, kinh doanh và liên kết sản xuất đã tạo sự lan tỏa trong cộng đồng về mô hình, đảm bảo nâng cao thu nhập của người nông dân, làm thay đổi tư duy sản xuất của nông dân trên mảnh đất của mình.

Ban Thường trực Ủy ban MTTQVN tỉnh đã ban hành hướng dẫn, bình xét, công nhận danh hiệu “Người nông dân chuyên nghiệp” theo các bước: hộ nông dân tham gia mô hình tự chấm điểm; Ban Công tác Mặt trận ấp phối hợp các thành viên, hợp tác xã, Ban quản lý Tổ nhân dân tự quản bình xét; Ban Thường trực Ủy ban MTTQVN xã phối hợp các tổ chức chính trị - xã hội, chính quyền cùng cấp và Ban chủ nhiệm Hội quán thẩm định; Ban Thường trực Ủy ban MTTQVN xã phối hợp các tổ chức chính trị - xã hội và ngành nông nghiệp cùng cấp tiến hành xét công nhận danh hiệu và ra quyết định công nhận. Hộ nông dân được công nhận danh hiệu “Người Nông dân chuyên nghiệp” phải đạt 8/8 tiêu chí, riêng huyện Tháp Mười là 9/9 tiêu chí (thêm tiêu chí tăng thu nhập). Kết quả, tại 5 huyện triển khai thực hiện thí điểm mô hình thi đua phấn đấu trở thành “Người nông dân chuyên nghiệp” công nhận 495/680 hộ, đạt 72,8%.

NGỌC TÂM

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn