Nhà báo trẻ đam mê, dấn thân với nghề

Cập nhật ngày: 21/06/2019 07:41:10

ĐTO - Hiện nay, phóng viên Báo Đồng Tháp có hơn 70% là những cây bút trẻ. Các bạn ấy đến với nghề báo theo nhiều cách khác nhau nhưng tất cả đều gắn với niềm đam mê và sự dấn thân. Có lẽ vì vậy, chỉ sau vài năm gắn bó với nghề, họ đã khẳng định được sự trưởng thành của mình bằng những bài báo có chất lượng và đạt nhiều giải thưởng lớn trong tỉnh, khu vực và Trung ương.


Nhà báo Dương Út nhận giải Nhất Cuộc thi “Những tấm gương bình dị mà cao quý”

Cây bút phóng sự chân dung

Anh Dương Út (32 tuổi, quê ở phường An Lộc, TX.Hồng Ngự) tốt nghiệp ngành sư phạm Ngữ văn nhưng lại gắn bó với nghề báo bởi niềm đam mê và là một trong những phóng viên trẻ chịu khó lăn lộn với nghiệp viết. Phóng viên Dương Út chia sẻ: “Gắn bó với nghề khác chuyên ngành được học nên từ đầu tôi đã xác định phải không ngừng học hỏi ở các nhà báo lớp trước, ở đồng nghiệp và rèn luyện ngay trong thực tiễn làm báo”. Không chỉ vậy, để trau dồi nghề, phát triển ngòi bút của mình, anh đã sắp xếp thời gian và công việc để vừa làm vừa học lên Thạc sĩ chuyên ngành Ngôn ngữ học.

Đam mê, chịu khó lăn lộn và không ngừng học tập nâng cao chuyên môn nghiệp vụ nên với 6 năm tuổi nghề, nhà báo Dương Út đã gặt hái những “quả ngọt” trong nghề nghiệp. Năm 2018, nhà báo Dương Út nhận Giải Khuyến khích tại cuộc thi báo chí về Đồng bằng sông Cửu Long do Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức. Mới đây, bằng sự quan sát tinh tế, sử dụng chi tiết “đắt”, lối kể chuyện cuốn hút, phóng sự “Ông vua” lúa giống miền Tây của nhà báo Dương Út đã được vinh danh ở giải cao nhất trong cuộc thi “Những tấm gương bình dị mà cao quý” năm 2019. Đây là một trong những giải thưởng cao nhất mà phóng viên Báo Đồng Tháp đạt được từ trước đến nay. Và, góp nhặt trong chặng đường 6 năm làm nghề, nhà báo Dương Út đã cho ra mắt cuốn sách “Nhặt từng con chữ” thể loại Bút ký - Phóng sự do Nhà xuất bản Hội Nhà văn Việt Nam xuất bản năm 2019.

Nói về kinh nghiệm nghề của bản thân, phóng viên Dương Út chia sẻ: “Làm báo điều quan trọng là phải chạm được vào trái tim độc giả và để có thể đạt được điều đó thì một trong những yếu tố quan trọng là người cầm bút phải luôn bám sát thực tế cuộc sống, bám sát cơ sở, chịu khó tìm tòi, phát hiện những tấm gương điển hình, người tốt, việc tốt rất bình dị trong cuộc sống hằng ngày ở quanh ta, để có chất liệu tốt cho tác phẩm báo chí có chất lượng. Và tôi luôn nhớ và thực hiện lời của cố nhà báo Hữu Thọ là: “Người làm báo phải luôn rèn luyện “bút sắc - lòng trong - tâm sáng”.

Tuổi trẻ Báo Đồng Tháp

Khi chọn nghề báo, những phóng viên trẻ Báo Đồng Tháp bằng nhiều cách đều nỗ lực học hỏi, nâng cao trình độ tác nghiệp. Bằng nhiệt tình công tác, những phóng viên trẻ đã dần trưởng thành và khẳng định mình.

Sau khi tốt nghiệp đại học, anh Huỳnh Nhựt An (29 tuổi) rời quê Vĩnh Long đến công tác tại tòa soạn Báo Đồng Tháp. Những ngày đầu, “chân ướt chân ráo” bước chân vào làm báo, anh Nhựt An được phân công lĩnh vực chính trị được cho là “khó nuốt” đối với phóng viên trẻ. Qua thời gian dấn thân vào nghề, anh đã học tập, tích lũy kinh nghiệm và trưởng thành hơn. “Yếu tố cốt lõi khi viết bài mảng chính trị là đảm bảo đúng về đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Sau đó, mới tính tiếp cách thể hiện bài viết hay, cuốn hút bạn đọc. Những bài viết cần hạn chế việc “xào nấu” từ báo cáo, mà phải đi thực tế tìm hiểu thêm và có dẫn chứng cụ thể. Có như vậy, tác phẩm báo chí mới sinh động” - nhà báo Nhựt An chia sẻ.

Trong quá trình viết về học tập và làm theo Bác, phóng viên Nhựt An có dịp gặp gỡ, trao đổi với cá nhân tiêu biểu trong công tác từ thiện xã hội, xây dựng nông thôn mới, người có tinh thần trách nhiệm trong công việc... Theo anh Nhựt An: “Đó là những tấm gương để tôi học tập theo về lòng nhân ái, tinh thần thiện nguyện và có trách nhiệm hơn trong công việc” Qua thời gian công tác và trưởng thành, phóng viên Nhựt An đã đạt một số giải báo chí cấp tỉnh, trong đó có giải Nhì về chuyên đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Những năm gần đây, khi tỉnh Đồng Tháp bắt đầu thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp (TCCNN) là cũng từng ấy thời gian trên Báo Đồng Tháp xuất hiện những trang viết mang “mùi hương ruộng đồng” nhiều hơn. Khi nói về lĩnh vực nông nghiệp, có lẽ Mỹ Lý là một trong những bút danh khá quen thuộc với độc giả của Báo Đồng Tháp.

Mỹ Lý (tên thật Huỳnh Thị Mỹ Lý, sinh năm 1990), hiện đang là phóng viên Phòng Kinh tế, Báo Đồng Tháp. Sau khi tốt nghiệp đại học, Mỹ Lý đã từng thử sức mình ở nhiều công việc, song Báo Đồng Tháp thật sự trở thành “mái nhà thứ hai” khiến bạn quyết tâm gắn bó từ năm 2013 đến nay. Dù xuất thân con nhà nông nhưng khi được phân công phụ trách viết bài mảng kinh tế, đặc biệt là mảng nông nghiệp thật sự không phải là điều dễ dàng với một phóng viên trẻ như Mỹ Lý.

Mỹ Lý tâm sự: “Khi được lãnh đạo phân công phối hợp cùng các thành viên Phòng Kinh tế thực hiện chuyên trang Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thật sự Lý cảm thấy hơi lo lắng. Nhưng rồi, sau những lần được định hướng từ lãnh đạo, bản thân cũng tự nghiên cứu các tài liệu, văn bản liên quan đến đề án này nên bắt đầu tự tin hơn”.

Bằng sự đam mê và dấn thân với nghề, Mỹ Lý đã có những góc nhìn mới từ công tác tuyên truyền về một nền nông nghiệp đang ngày một hiện đại của tỉnh nhà phản ánh trên Báo Đồng Tháp. Các tác phẩm phong phú với nhiều loại hình, từ phản ánh, đến phóng sự về những cách làm hay của tỉnh Đồng Tháp trong thực hiện Đề án TCCNN được truyền tải một cách sống động. Mỹ Lý từng 2 lần đạt giải Báo chí tỉnh Đồng Tháp với các tác phẩm viết về TCCNN.


Tập thể phóng viên trẻ Báo Đồng Tháp

Chia sẻ về quan điểm nghề nghiệp, Mỹ Lý bộc bạch: “Để có được sự đồng cảm từ độc giả, người viết phải viết bằng chính cảm xúc trái tim mình. Lý chọn viết mảng nông nghiệp cũng vì nguyên nhân này, Lý hiểu nỗi nhọc nhằn của người nông dân và Lý mong muốn trong chừng mực hiểu biết nhỏ bé của bản thân có thể phần nào giới thiệu, tuyên truyền để người nông dân hiểu và kịp thời thay đổi, nắm bắt tư duy sản xuất nông nghiệp mới, từ đó góp phần phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững”.

Chia sẻ về duyên vào nghề báo, phóng viên Nguyễn Thị Kim Ngân (28 tuổi, quê huyện Châu Thành) kể lại: “Ngày mới tốt nghiệp đại học, tôi chưa từng nghĩ mình sẽ làm báo nhưng rồi dường như nghề chọn người, cơ duyên đưa đẩy để có cơ hội làm việc và trải nghiệm một công việc vô cùng thú vị nhưng không hề dễ dàng”.

Ngày mới vào nghề, với một kẻ “ngoại đạo” đối với phóng viên Kim Ngân, mọi thứ bắt đầu từ con số 0 tròn trĩnh nên vừa làm, vừa học hỏi mọi thứ. Những thử thách nối tiếp nhau xuất hiện, từ khâu viết tin, bài, tác nghiệp ở cơ sở, phỏng vấn nhân vật... đều gặp khó khăn, bỡ ngỡ. Qua quá trình công tác, phóng viên trẻ Kim Ngân dần trưởng thành, tay nghề được nâng lên. Kết quả cho quá trình phấn đấu, Kim Ngân đã đạt được một số thành tích như Giải khuyến khích viết về Hải Quân vùng 5, Giải 3 về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh” của Giải báo chí tỉnh Đồng Tháp lần II.

Nhà báo Kim Ngân chia sẻ: “Làm báo và nỗ lực vì nghề cho thấy bản thân sống có ích hơn và đó cũng là điều khiến tôi muốn sống trọn vẹn với nghề, vững tâm với nghề, cố gắng để bản thân luôn “mắt sáng, lòng trong, bút sắc” để xứng đáng với nghề và sự tin tưởng của bạn đọc. Đến nay, đã hơn 4 năm vào nghề và vinh dự được chính thức sở hữu thẻ nhà báo nhưng mỗi ngày làm báo với tôi vẫn luôn là một điều mới mẻ, thú vị, những trải nghiệm đáng quý”.

Nghề báo là nghề đòi hỏi sự năng động, sáng tạo, bản lĩnh và nhất là phải có một cái đầu nhanh nhạy để phát hiện vấn đề, xử lý thông tin và kịp thời cung cấp đến bạn đọc những tin tức mới nhất, chính xác nhất. Vì vậy, những phóng viên trẻ của Báo Đồng Tháp luôn nhắc nhở bản thân phải không ngừng nỗ lực, học hỏi mọi lúc, mọi nơi để tích lũy kiến thức, kỹ năng làm báo, nhất là phóng viên trẻ trong thời đại công nghiệp 4.0. Bên cạnh đó, trước yêu cầu của kỷ nguyên số, phóng viên trẻ ngoài vững chuyên môn, còn cần sử dụng thành thạo các thiết bị hiện đại phục vụ cho nghề làm báo để bắt nhịp xu thế báo chí hiện đại.

Nhóm PV

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn