Nhận rõ tính toàn dân của cuộc kháng chiến chống Mỹ
Cập nhật ngày: 06/04/2025 05:23:03

ĐTO - Sắp đến ngày 30 tháng 4! Một trong những ngày kỷ niệm có dấu ấn lớn trong lịch sử đương đại của Việt Nam. Ngày 30 tháng 4 năm nay có ý nghĩa hơn bởi tròn 50 năm (1975 - 2025). Biết bao nhiêu bút mực từ nhiều phía bàn về sự kiện này liên tục từ khi bắt đầu và có lẽ còn lâu dài về sau nữa. Từ những lăng kính khác nhau, một số người phân chia phe này, nhóm kia, bên thắng, kẻ thua trong cuộc kháng chiến này. Với cách nhìn chiều sâu và thực tế, cuộc kháng chiến chống Mỹ là sự nghiệp của toàn dân.
Dân tộc Việt Nam đã trải qua nhiều cuộc kháng chiến chống quân xâm lược để bảo vệ bờ cõi. Do những điều kiện khách quan và chủ quan, hầu hết triều đại thời phong kiến và các lực lượng lãnh đạo đều dựa vào, phát huy sức mạnh của Nhân dân trong mỗi cuộc kháng chiến. Người dân tự nguyện tham gia các cuộc kháng chiến cứu nước bắt nguồn từ tình yêu đất nước. “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước” như Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận thấy.
Phần lớn cuộc kháng chiến được phân chia chiến tuyến rõ ràng giữa dân Việt Nam và quân xâm lược. Nhưng, cuộc kháng chiến chống Mỹ lại có tính chất khác hẳn. Trong giai đoạn này, chính quyền Mỹ xâm lược Việt Nam với hình thức mới - “Thực dân kiểu mới”. Họ sử dụng thủ đoạn “Việt Nam hóa chiến tranh” dùng người Việt chống người Việt gây cảnh “Nồi da xáo thịt”, “Huynh đệ tương tàn”. Và vì vậy, cuộc chiến đã tạo ra sự chia rẽ Bắc - Nam và phe này với phía kia. Do đó, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước giành được thắng lợi vĩ đại thì cũng ghi nhận hình ảnh tương phản của “Triệu người vui, triệu người buồn” như Cố thủ tướng Võ Văn Kiệt nhận xét. Người ta bắt đầu đề cập khái niệm “Bên thắng cuộc” đối lập “Bên thua cuộc” và kỷ niệm ngày Chiến thắng đối trọng ngày “Quốc hận”. Một phần của sự thật về tính chất toàn dân của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước bị che lấp. Nhưng, bằng cái nhìn khách quan và thực tế của cuộc chiến này, chúng ta mới thấu hiểu được sự “thầm kín” của nó.
Mặc dù tạm thời bị phân chia hai miền, toàn dân Việt Nam đều khát khao đất nước thống nhất, độc lập, hòa bình, tự do và hạnh phúc nên chẳng quản gian khổ, hy sinh. Trong khi thế lực hiếu chiến Mỹ thực hiện âm mưu biến miền Bắc trở thành thời “Đồ đá” để làm tê liệt sự chỉ đạo của Trung ương đối với chiến trường miền Nam, thì lớp lớp thanh niên vẫn “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Tại miền Nam, từ đô thành, bưng biền, rừng sâu đến núi cao, các tầng lớp nhân dân tham gia vào các lực lượng vũ trang, bán vũ trang, hoạt động bí mật, bán công khai, công khai... đâu đâu cũng có “Bộ đội cụ Hồ”, “Chiến sĩ giải phóng quân”, “Việt cộng” vừa ẩn vừa hiện.
Từ em bé bán cà - rem, anh chạy xích lô, chú bán báo, chị bán cá đến cô hàng xáo đều là chiến sĩ, giao liên hay “tai mắt” cho cách mạng. Hình ảnh mảnh mai của phụ nữ thời bình cũng buộc trở thành “Cô gái vót chông”, “Cô gái tải đạn”, “Người mẹ đào hầm”, “Người mẹ cầm súng”... Trong một hộ gia đình, dù có người cộng tác bên Cộng hòa, người thân khác có thể nuôi chứa hay tiếp tế cho Việt cộng. Ngay trong hàng ngũ lính Cộng hòa, không ít người ủng hộ, che chở lực lượng “đối phương”. Câu kêu than của nhà lãnh đạo chính quyền Sài Gòn về tình trạng: “Ăn cơm quốc gia, thờ ma cộng sản” cho thấy một mặt khác của nó là sự hướng về kháng chiến của các lực lượng, thành phần trong cộng đồng dân tộc và tính chất toàn dân của cuộc chiến chống Mỹ, cứu nước.
Dĩ nhiên, trong cuộc chiến, một ít người đứng hẳn về phía bên kia chiến tuyến, thiếu phân biệt trắng đen, thù địch và gây hại. Khi thất bại, họ ra đi trong tủi hổ và xác tín niềm uất hận đối với ngày 30 tháng 4. Đây là tình cảm không đại diện toàn dân. Ở đây, cần phân biệt nhóm ít người “tháo chạy” từ cuộc chiến với những người rời đất nước vì nhiều lý do khác nhau, kể cả từ sai lầm trong một số chính sách kinh tế - xã hội của Đảng. Từ khi thực hiện công cuộc “Đổi mới”, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách hòa hợp dân tộc, luôn luôn xem cộng đồng người Việt ở hải ngoại là một bộ phận không thể tách rời của dân tộc Việt Nam. Và, thành tựu vĩ đại của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nói chung, công cuộc “Đổi mới” nói riêng là kết quả đóng góp của toàn dân tộc.
Trong lịch sử cận và hiện đại, dân tộc Việt Nam đã phải chiến đấu lâu dài với những thế lực “Thực dân”, “Sen đầm” và “Cường quyền” và cuối cùng, cuộc chiến giành thắng lợi vẻ vang thuộc về Nhân dân Việt Nam. Dù bị che đậy bởi sự phức tạp của kiểu “Việt Nam hóa chiến tranh”, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước càng chứng minh tính chất toàn dân và toàn diện của nó. Xuyên qua thực tế của cuộc chiến, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là chiến thắng của cả dân tộc Việt Nam anh Hùng.
DÂN BIỆN