Nhiều gương sáng trong phong trào thi đua “Lao động giỏi, Lao động sáng tạo”

Cập nhật ngày: 06/07/2016 10:38:14

ĐTO - Những năm qua, phong trào thi đua (TĐ) yêu nước trong công nhân, viên chức lao động (CNVCLĐ) trên địa bàn tỉnh được các cấp công đoàn phối hợp với các ban, ngành, địa phương đẩy mạnh thực hiện. Trong đó, phong trào TĐ “Lao động giỏi, Lao động sáng tạo” thu hút đông đảo CNVCLĐ tham gia và mang lại nhiều hiệu quả thiết thực, đóng góp vào thành tích chung cho các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.


Khen thưởng các cá nhân xuất sắc trong hội nghị biểu dương công nhân lao động tiêu biểu năm 2016

Để các phong trào TĐ đi vào chiều sâu, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh ban hành Chương trình nâng cao chất lượng phong trào TĐ yêu nước và chỉ đạo các cấp công đoàn thực hiện nhiều đổi mới về phương thức, hình thức tổ chức các phong trào TĐ. Đồng thời, gắn việc thực hiện phong trào TĐ với thực hiện các phong trào riêng của từng ngành, từng đơn vị nhằm động viên, khuyến khích CNVCLĐ tích cực TĐ lao động, phát huy sáng kiến, nâng cao chất lượng công việc. Theo LĐLĐ tỉnh, qua hơn 3 năm triển khai thực hiện Chương trình nâng cao chất lượng phong trào TĐ yêu nước trong CNVCLĐ, các cấp Công đoàn đã vận động đoàn viên và người lao động đăng ký thực hiện 1.412 công trình TĐ và hơn 25.963 đề tài, sản phẩm, sáng kiến. Các đề tài, sáng kiến đều được áp dụng hiệu quả trong thực tiễn, góp phần tiết kiệm chi phí và làm lợi cho các cơ quan, doanh nghiệp hàng trăm tỷ đồng.

Chỉ tính riêng 87 CNLĐ tiêu biểu được LĐLĐ tỉnh khen thưởng năm 2016 thì đã có 96 sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, sản phẩm mới được áp dụng có giá trị kinh tế cao, làm lợi cho cơ quan, doanh nghiệp với tổng số tiền trên 38,7 tỷ đồng. Trong đó, nhiều công nhân có tay nghề cao, năng động, tích cực tham gia các phong trào TĐ trong CNLĐ. Điển hình như chị Lương Thị Chúc Xuyên - Tổ trưởng Phân xưởng 2, Công ty Cổ phần đầu tư thương mại du lịch Đồng Tháp Mười. Chị Xuyên cho biết: “Thời gian trước, dù sữa sen là sản phẩm đã có thương hiệu của công ty, tuy nhiên qua quá trình tìm hiểu nhu cầu thị trường và khảo sát ý kiến khách hàng, tôi nhận thấy có thể cải tiến quy trình tạo ra sản phẩm nhằm nâng cao chất lượng và phù hợp với nhu cầu người tiêu dùng hơn. Do đó, tôi chủ động nghiên cứu, đề xuất lên Ban Giám đốc sáng kiến “Cải tiến quy trình xay, lọc, ray, lược, làm trong sữa sen” theo đúng tiêu chuẩn của Sở Khoa học và Công nghệ Đồng Tháp quy định. Qua cải tiến sản phẩm, giúp công ty tiết kiệm thời gian và chi phí, được người tiêu dùng tích cực đón nhận, làm lợi cho công ty trên 60 triệu đồng/năm”.

Anh Lê Hoàng Vũ - công nhân kỹ thuật điện, Xí nghiệp chế biến lương thực 1, Công ty Lương thực Đồng Tháp cũng hào hứng kể về những sáng kiến của bản thân. Cụ thể, trong suốt 6 năm làm việc ở Công ty Lương thực Đồng Tháp, anh Vũ luôn cố gắng học hỏi để nâng cao trình độ chuyên môn và đề xuất nhiều sáng kiến, giải pháp có ích cho công việc như: nâng cấp, gắn thêm đường ống dẫn gạo để xuất hàng, góp phần giảm chi phí sản xuất và nhân công, giúp công ty tiết kiệm trên 100 triệu đồng/năm; cải tạo, sửa chữa súng phun sương, máy đánh bóng để giảm chi phí vật tư, phụ tùng thay thế... Anh Vũ cho biết, căn cứ vào thực tiễn công việc sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất nhiều sáng kiến nhằm nâng cao hiệu quả làm việc, mang lại lợi ích thiết thực cho công ty.

Không chỉ trên lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhiều lĩnh vực khác như y tế, hành chính sự nghiệp, giáo dục đào tạo... cũng xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến trong phong trào TĐ “Lao động giỏi, Lao động sáng tạo”. Tiêu biểu như chị Dương Thị Phong Lan - nhân viên nghiên cứu Công ty Xuất nhập khẩu Y tế Domesco đã nghiên cứu nâng cao sinh khả dụng sản phẩm IRBESARTAN 150mg tạo điều kiện cho bệnh nhân có cơ hội sử dụng thuốc với giá cả hợp lý thay thế hàng ngoại nhập. Đặc biệt, phải kể đến giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý lịch công tác và ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính về đăng ký lưu trú qua mạng của anh Lê Nguyên Đức - nhân viên văn phòng và anh Đoàn Nhựt Trung - nhân viên bảo trì thuộc Trung tâm Tin học TP.Cao Lãnh. 2 giải pháp này đạt giải C hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh và đang đề nghị Tổng LĐLĐ Việt Nam tặng Bằng Lao động sáng tạo.

 Có thể thấy, thông qua việc phát động, tổ chức phong trào TĐ của công đoàn các cấp đã tạo điều kiện cho CNVCLĐ ở các đơn vị, doanh nghiệp có dịp phát huy khả năng sáng tạo, tinh thần dám nghĩ, dám làm, nâng cao tay nghề và trình độ chuyên môn, đáp ứng nhiệm vụ được giao. Thời gian tới, ngoài việc tổ chức, phát động các phong trào TĐ, LĐLĐ tỉnh chỉ đạo các cấp công đoàn tăng cường việc hướng dẫn thực hiện công tác TĐ trong cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhất là phong trào “Lao động giỏi, Lao động sáng tạo”. Bên cạnh đó, kịp thời sơ, tổng kết, phát hiện và nhân rộng các cá nhân, tập thể điển hình nhằm tạo sức lan tỏa mạnh mẽ cho các phong trào TĐ, khơi dậy ý thức trách nhiệm và tinh thần sáng tạo của đội ngũ CNVCLĐ, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động công đoàn trên địa bàn tỉnh.

NGÂN NGUYỄN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn