Thực hiện Pháp lệnh 34 ở xã, phường, thị trấn:

Nhiều vấn đề công khai theo quy định chưa được người dân quan tâm

Cập nhật ngày: 25/05/2016 13:23:39

Thực hiện Pháp lệnh dân chủ ở xã, phường, thị trấn (gọi tắt là Pháp lệnh 34) đã thể chế hóa những chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát huy dân chủ trực tiếp và tạo điều kiện cho nhân dân thực hiện tốt hơn quyền làm chủ của mình tại cơ sở.


Công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được quy định tại Điều 5 của Pháp lệnh 34

UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh quan tâm đến việc công khai cho nhân dân biết những chủ trương, chính sách, pháp luật có liên quan trực tiếp đến nhân dân và địa phương như: kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; tiến độ thực hiện phương án đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, tái định cư; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; kết quả thanh tra, kiểm tra giải quyết các vụ tiêu cực, tham nhũng... theo đúng quy định. Tuy nhiên, việc công khai những vấn đề trên chưa thật sự được người dân quan tâm.

Tuy nhiên, theo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, qua khảo sát ngẫu nhiên đối với người dân tại phường 2 (TP.Cao Lãnh) về công khai kết quả thanh tra, kiểm tra, giải quyết các vụ việc tiêu cực, tham nhũng của cán bộ, công chức cấp xã, cán bộ ấp (khóm) thì số người trả lời không biết là 29/40 trường hợp (tỷ lệ 72,5%); công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chi tiết và phương án điều chỉnh, quy hoạch khu dân cư địa bàn cấp xã có 22/40 người trả lời không (tỷ lệ 55%); công khai kết quả lấy phiếu tín nhiệm Chủ tịch và Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch và Phó Chủ tịch UBND cấp xã có số người trả lời không là 19/40 (tỷ lệ 47,5%).

Tại thị trấn Lấp Vò (huyện Lấp Vò), công khai việc quản lý và sử dụng các loại quỹ, khoản đầu tư, tài trợ theo chương trình, dự án đối với cấp xã qua khảo sát của Mặt trận Tổ quốc có 14/30 người được hỏi trả lời không biết (tỷ lệ 47%); công khai kết quả thanh tra, kiểm tra, giải quyết các vụ việc tiêu cực, tham nhũng của cán bộ, công chức cấp xã, cán bộ ấp (khóm) thì số người trả lời không biết là 22/30 trường hợp (tỷ lệ 73,3%);...

Nhìn chung, công tác tổ chức công khai cho nhân dân biết 11 nội dung phải công khai theo quy định tại Điều 5 của Pháp lệnh. Tuy nhiên, việc thông báo công khai cho dân biết có lúc có nơi, thực hiện chưa tốt. Phần lớn trụ sở UBND cấp xã có bố trí nơi niêm yết công khai văn bản nhưng chế độ bảo quản chưa bảo đảm, nhất là trụ sở ấp vẫn còn một số nội dung cấp xã chưa thông báo kịp thời, đầy đủ để dân biết như: các chương trình, dự án do Trung ương hoặc tỉnh đầu tư trên địa bàn xã; các tổ chức từ thiện và cá nhân trực tiếp đầu tư; dự toán, quyết toán thu - chi các loại quỹ. Ngoài ra, vấn đề công khai những việc dân được biết chưa thực hiện đúng quy định, công tác chỉ đạo của chính quyền cơ sở còn thiếu kiểm tra, đôn đốc.

DŨNG CHINH

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn