Những điều lắng đọng cuối năm
Cập nhật ngày: 02/02/2019 06:10:12
Nhà doanh nghiệp những ngày cuối năm vừa bộn bề công việc sản xuất, kinh doanh vẫn phải dành thời gian kiểm đếm những khoản thu chi, lời lỗ, rồi hoạch định kế hoạch cho năm sau. Nhà nông sau một vụ mùa nặng nhọc vẫn phải “gác tay lên trán” nhẩm tính những con số chi phí bỏ ra và lợi nhuận thu về, rồi lại chuẩn bị cho mùa vụ sau. Là người lãnh đạo cũng giống như nhà doanh nhân, nhà nông, cuối năm cũng nhìn lại sự phát triển của địa phương mình so với năm trước và so với các địa phương chung quanh. Vậy là, làm gì thì cũng phải “ngó trước ngó sau, nhìn dọc nhìn ngang” xem cái gì đã làm được, điều gì còn trăn trở, và cũng để có thể làm tốt hơn cho năm sau.
1. Những con số tăng trưởng là định lượng, để so sánh, để tự hào, để “nạp thêm năng lượng” cho năm sau. Vậy thì, con số GRDP Đồng Tháp đạt 6,92%, đặc biệt trong khu vực nông nghiệp là 4,93%, thu nhập bình quân đầu người là 39,79 triệu đồng/người không đáng để tất cả chúng ta tự hào sao? Nhưng những con số đó vẫn là khô khan so với sự vận động đầy ắp năng lượng của xã hội, và nếu mỗi người cùng lắng đọng lại mới thấy niềm tin vững chắc vào tương lai một khi chúng ta cùng chung tay “đắp nền” cho ngày hôm nay.
2. Hãy nhìn người nông dân quây quần trong các buổi sinh hoạt Hội quán, rồi giao lưu giữa các Hội quán với nhau mới thấy một khi người nông dân tìm thấy lợi ích và niềm vui thì sẽ là nguồn năng lượng vô hạn. Bà con háo hức đến với các buổi hội thảo, tọa đàm, các lớp đào tạo, ngồi đồng đẳng với các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp mới thấy người nông dân ham học hỏi, tìm kiếm kiến thức như thế nào.
Từ những diễn đàn như vậy, kiến thức về một nền nông nghiệp mới, với những khái niệm mới, nào là “chuỗi ngành hàng”, “nông nghiệp xanh”, nào là chi phí, lợi nhuận... đã thấm dần. Từ những diễn đàn như vậy, lợi ích của bảo quản, chế biến được bà con hiện thực thành nhiều sản phẩm có giá trị gia tăng. Từ những diễn đàn như vậy, nhiều nông dân đã mạnh dạn khởi nghiệp, đã làm du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng. Cũng trên nền của các Hội quán, 6 Hợp tác xã kiểu mới lần lượt ra đời, không phải chỉ có vài thành viên nặng về lợi ích nhóm, mà có đến vài trăm thành viên tự nguyện tham gia, không chỉ hoạt động một dịch vụ duy nhất là bơm nước, mà đa dịch vụ, có cả dịch vụ phúc lợi phi nông nghiệp.
3. Kết quả xây dựng nông thôn mới đâu chỉ thể hiện qua con số 48/119 xã đạt tiêu chí, mà hãy nhìn vào vai trò chủ thể của người dân được đặt đúng chỗ, niềm tin được trao đúng người. Dù mô hình Hội quán, Tổ nhân dân tự quản chỉ ra đời hơn 2 năm, còn nhiều khó khăn buổi ban đầu nhưng triết lý tự quản, tự chủ, tự lực đã thấm dần trong từng thôn xóm. Một nông thôn ấm áp tình nghĩa xóm làng. Một nông thôn mà ở đó người dân đã tự nguyện “bước ra khỏi ngôi nhà của mình” để hòa nhập vào đời sống cộng đồng. Hãy đến thăm các mô hình sản xuất sạch, an toàn, nghe bà con kể về hành trình khó khăn nhưng luôn tự tin rằng, người khác làm được thì nông dân Đồng Tháp chắc chắn làm được. Một khi nhìn thấy được người nông dân tự giác thay đổi thì sẽ nhìn thấy được tương lai tươi sáng cho nông nghiệp, nông thôn xứ mình.
4. Những con số đong đếm sự phát triển du lịch tỉnh nhà không chỉ là thu hút hơn 3 lượt triệu khách, đóng góp gần 1.000 tỷ đồng, mà chính là sự tự tin làm du lịch của những người mới ngày hôm qua còn là nông dân nòi. Từ người nông dân trở thành người chủ là một hành trình thay đổi tư duy làm giàu không chỉ từ sản xuất mà còn từ dịch vụ. Du lịch đâu phải là “chuyện bán, chuyện mua” một sản phẩm hữu hình mà còn đem đến cho khách những trải nghiệm vô hình như: văn hóa, cảnh quan, môi trường sống, nếp sinh hoạt của làng quê. Nhiều người mới làm du lịch tâm sự thấy thương lắm: “Tôi làm không phải cho mình mà cho con cho cháu sau này, tôi làm để đóng góp cho cộng đồng, để tự hào giới thiệu cho khách cái hay cái đẹp của quê nhà!”. Vậy là, bà con đã thẩm thấu giá trị của cách làm du lịch “kiểu Đồng Tháp” rồi! Trong tương lai sẽ thu hút các nhà đầu tư chiến lược để có những tổ hợp du lịch làm hạt nhân, kích hoạt tiềm năng, dẫn dắt thị trường, nhưng du lịch cộng đồng có những giá trị riêng không thay thế được và cần phải chăm chút nhiều hơn nữa...
5. Mới ngày nào, phương châm “Ra đi làm thuê - Về làm chủ” còn làm nhiều người băn khoăn, nhưng chúng ta vẫn đeo đuổi, và đến nay đã chứng minh rằng đó là hướng đi đúng. Qua hơn 3 năm cật lực triển khai, những con số về số lao động đưa đi hàng năm, số thu nhập mang về là kết quả lao động miệt mài của cả hệ thống, trong đó đáng biểu dương là nỗ lực các cơ quan, đơn vị có chức năng tham mưu, dịch vụ việc làm. Hơn 5.000 thực tập sinh hàng năm đem về hơn 1.200 tỷ đồng là niềm vui lớn của các gia đình. Nhưng đó chỉ là con số có thể cộng được, còn kiến thức, kỹ năng, thái độ làm việc trong môi trường tiên tiến mà những người trẻ xứ mình tiếp thu được thì mới là cấp số nhân và không thể đo được.
Tiếp xúc với các em, các cháu thực tập sinh ở xứ người mới thấy hình ảnh nguồn nhân lực chất lượng cao trong tương lai thấp thoáng đâu đây. Hạnh phúc nào hơn chính các em, các cháu ánh mắt đầy tự tin thốt lên: “Tiền trong túi là tiền hữu hạn, tiền trong đầu mới là tiền vô hạn”. Và cũng đâu chỉ là thực tập sinh, còn gần 400 sinh viên đang học ở các trường đại học tiên tiến ngoài nước. Tất nhiên, để hiện thực hóa được nguồn nhân lực đối với các đối tượng này trong tương lai, cả hệ thống phải nhận thức rõ giá trị của một quyết sách lớn. Nhận thức để tiếp tục đồng hành bằng sức mạnh của cả hệ thống.
6. Những con số doanh nghiệp được thành lập, doanh nghiệp bị giải thể, số vốn đăng ký, số lượng lao động, đều có ý nghĩa đánh giá sức mạnh kinh tế của một địa phương. Những con số có thể cho thấy bức tranh doanh nghiệp còn khiêm tốn và thấy cần phải quan tâm nhiều hơn nữa. Tuy nhiên, nhìn ở một góc độ khác, chúng ta có thể tự hào về sự vươn lên của cộng đồng doanh nghiệp tỉnh nhà. Đã có những doanh nghiệp đầu tư công nghệ 4.0, có những doanh nghiệp đã giúp làm lan tỏa nông nghiệp thông minh đến người nông dân. Đã có những doanh nghiệp thành đạt dẫn dắt các doanh nghiệp khởi nghiệp.
Không khó để thấy rằng, trong các cuộc gặp mặt gần đây, thay vì nêu nhiều khó khăn, cộng đồng doanh nghiệp lại thể hiện khát vọng cống hiến cho địa phương, trách nhiệm xã hội luôn được quan tâm nhiều hơn. Doanh nghiệp đến không chỉ tìm kiếm thông tin để xây dựng chiến lược kinh doanh, mà còn cung cấp những thông tin thị trường cho lãnh đạo. Vai trò dẫn dắt tái cấu trúc các ngành kinh tế, đặc biệt là ngành nông nghiệp, ngày càng rõ hơn. Tuy nhiên, điều đáng lo là nhiều doanh nghiệp còn thờ ơ với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, vẫn loay hoay với cách vận hành truyền thống, không tận dụng được công nghệ số để thay đổi mô hình quản trị, hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh hàng hóa, dịch vụ.
Mùa sen mới. Ảnh: Thanh Phong
7. Phóng sự “Giấc mơ Sen” trên VTV1 kể về hành trình của một nhóm bạn trẻ tạo ra nhiều sản phẩm độc đáo đầy sáng tạo từ cây sen đã thu hút sự quan tâm của nhiều địa phương khác về một “Đồng Tháp khởi nghiệp”. Một không khí, thậm chí là hào khí, lan tỏa thành một phong trào khởi nghiệp từ đô thị đến nông thôn, từ người cao tuổi đến các bạn trẻ, từ ngoài xã hội vào trong các trường học. Hãy đến các buổi tư vấn khởi nghiệp để cảm nhận sự háo hức của người dân từ trước đến giờ chưa từng biết đến thế nào là khởi nghiệp. Hãy nhìn các bạn trẻ ngồi lại để chia sẻ với nhau kiến thức, kinh nghiệm, trao cho nhau sự tự tin, niềm khát vọng, mới thấy hết giá trị của câu chuyện khởi nghiệp. Có thể chưa có những dự án mang nhiều yếu tố công nghệ, chưa có những nhà đầu tư “thiên thần”, các “quỹ đầu tư mạo hiểm”, nhưng những gì đã diễn ra làm cho chúng ta tự hào và có niềm tin về một lớp doanh nhân thế hệ mới.
8. Vậy là, hò Đồng Tháp - một điệu hò mượt mà, dìu dặt, sâu lắng của những người nông dân đẩy đưa trên đồng ruộng, trên sông nước - đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia rồi. Sự kiện này xứng đáng ghi vào Biên niên sử tỉnh nhà! Vấn đề là giờ đây, chúng ta ứng xử như thế nào với một dòng văn hóa nghệ thuật dân gian được lưu truyền bởi bao thế hệ người Đồng Tháp và được khôi phục bởi những chuyên gia, nghệ nhân, nghệ sỹ tâm huyết. Người Đồng Tháp tự hào về di sản đó cũng như đón nhận ngày trở về của Nhạc sư Vĩnh Bảo sau mấy mươi năm bôn ba xứ người. Nhạc sư trở về với hành trang đầy ắp tinh hoa của âm nhạc truyền thống, với những bài học triết lý nhân sinh để tiếp tục lan tỏa cho nhiều thế hệ người Đất Sen hồng.
9. Hành trình đến với Huy chương đồng Olympic Toán quốc tế của học sinh Nguyễn Hoàng Việt, một lần nữa khẳng định “người khác làm được thì chắc chắn người Đồng Tháp cũng sẽ làm được”. Và thật sự, giáo dục Đồng Tháp đã vươn lên xếp thứ hai trong khu vực trong kỳ thi học sinh giỏi. Cùng với những vận động viên đạt thành tích cao trong các cuộc thi cấp khu vực, Quốc gia đều trở thành niềm tự hào cho tất cả chúng ta.
10. Hành trình thay đổi trong năm qua còn thể hiện ở hàng loạt chỉ số xếp hạng cấp Quốc gia như PCI, PAPI, PAR, ICT trong năm 2018, Đồng Tháp đều xếp ở nhóm đầu, trong đó ấn tượng nhất là đứng thứ 3/63 tỉnh, thành về PCI và 10 năm liên tục nắm trong nhóm 5 tỉnh dẫn đầu. Đó là cả một thành công bắt đầu từ sự quyết tâm cao và biết biến quyết tâm đó thành những kế hoạch hành động cụ thể của bộ máy hành chính và với sự hậu thuẫn của cả hệ thống.
Một vài nét chấm phá cho bức tranh Đồng Tháp mình trong năm qua. Đã là chấm phá thì chắc chắn chưa đủ, mỗi người, mỗi ngành, mỗi cấp đều có thể phát hiện ra và bổ sung cho bức tranh được hoàn thiện hơn. Nhưng ẩn phía đằng sau đó là biết bao công sức của người dân, cộng đồng doanh nghiệp, những người hoạt động xã hội và của cả hệ thống chính trị.
Xin dành những lời tri ân đến với tất cả những người đã và đang vun đắp cho Đồng Tháp có được thành quả hôm nay!
Lê Minh Hoan
Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp