Công tác tiếp Công dân của Hội đồng nhân dân các cấp

Những vấn đề cần quan tâm

Cập nhật ngày: 02/07/2014 06:19:45

Thực hiện chức trách theo Luật tổ chức Hội đồng nhân dân (HĐND) và UBND, Quy chế hoạt động của HĐND các cấp, thời gian qua, Thường trực HĐND và đại biểu HĐND các cấp trong tỉnh Đồng Tháp đã có nhiều nỗ lực trong việc tiếp công dân và xử lý đơn thư của công dân.


Đồng chí Lê Vĩnh Tân - nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch
Hội đồng nhân dân tỉnh phát biểu tại hội nghị giải quyết khiếu nại,
tố cáo của công dân năm 2012

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay (6/2011- 3/2014), HĐND 3 cấp trong tỉnh đã tiếp hơn 17 ngàn lượt công dân; tiếp nhận hơn 4 ngàn đơn thư của công dân qua đường bưu điện và gửi trực tiếp. Đa số đơn khiếu nại về tranh chấp đất đai, về giải tỏa, đền bù. HĐND 3 cấp đã chuyển 2.670 đơn, lưu theo dõi 1.390 đơn, bằng 34,2% số đơn đã nhận; tiếp nhận 2.300 văn bản trả lời, còn 370 đơn chưa được trả lời. Số đơn, thư chưa được trả lời, đa số là những vụ việc phức tạp và còn trong thời hạn giải quyết theo luật định. Những đơn, thư do HĐND 3 cấp đã chuyển đến các cơ quan, người có thẩm quyền xem xét giải quyết đều có gửi cho người khiếu nại, tố cáo biết thay cho công văn báo tin hướng dẫn.

Tuy nhiên, việc trả lời của một số cơ quan, người có thẩm quyền giải quyết có việc không đúng thủ tục mà trả lời bằng việc gửi văn bản đã giải quyết; việc thông báo thụ lý và kết quả giải quyết vẫn còn chậm và kéo dài.

Bên cạnh đó, Luật Tổ chức HĐND và UBND và Quy chế hoạt động của HĐND các cấp chưa quy định cụ thể về trách nhiệm, điều kiện đảm bảo cho công tác tiếp công dân của Thường trực HĐND và đại biểu HĐND các cấp; chưa quy định rõ trách nhiệm của đại biểu HĐND trong việc chuyển đơn thư của công dân đến cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết nên việc trả lời của các cơ quan rất ít, đôi khi không trả lời; về chế độ cho đại biểu HĐND kiêm nhiệm trong việc tiếp công dân, chuyển đơn thư và đôn đốc việc giải quyết đơn thư của công dân cũng chưa được quy định. Thiếu sự hướng dẫn thường xuyên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với HĐND các cấp về công tác tiếp công dân; nhất là việc tập huấn chuyên sâu cho bộ phận tiếp dân của HĐND cấp tỉnh về công tác tiếp công dân; việc giám sát của Quốc hội đối với HĐND các cấp về công tác tiếp công dân chưa thường xuyên. Tổ chức, bộ máy giúp HĐND các cấp về công tác tiếp công dân (dân nguyện) chưa được quy định chính thức trong Luật HĐND và UBND, Quy chế hoạt động của HĐND các cấp và Nghị quyết 545/2007/NQ-UBTVQH12 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thành lập và quy định vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu, tổ chức của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Do Luật Tổ chức HĐND và Quy chế không quy định bắt buộc HĐND các cấp phải ban hành Nghị quyết về Quy chế tiếp công dân, nên sự nhận thức về trách nhiệm của đại biểu HĐND về công tác tiếp công dân chưa cao.

HĐND các cấp có nơi chưa tập trung đẩy mạnh công tác giám sát, đôn đốc cơ quan có thẩm quyền giải quyết các đơn thư đã chuyển. Các văn bản luật quy định có những điều, khoản không đồng bộ, dẫn đến hiệu quả việc chuyển đơn, đôn đốc việc giải quyết có phần hạn chế; việc thực hiện quyền khởi kiện, khiếu nại của công dân tiếp theo cũng bị kéo dài vì còn nằm trong thời hạn giải quyết.

Do đó, Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần xem xét sửa đổi bổ sung Luật Tổ chức HĐND và UBND (Luật Chính quyền địa phương theo Hiến pháp 2013), Luật Khiếu nại, Quy chế hoạt động của HĐND các cấp cho đồng bộ;

Xem xét quy định trách nhiệm và thẩm quyền cụ thể của đại biểu HĐND trong việc tiếp công dân và xử lý chuyển đơn thư, đôn đốc việc giải quyết đơn thư của công dân; mức chi trả tiền chế độ cho đại biểu HĐND kiêm nhiệm các cấp khi tiếp công dân, chuyển và đôn đốc việc giải quyết đơn thư khiếu nại của công dân; đồng thời xem xét quy định mẫu phiếu tiếp công dân của đại biểu HĐND kiêm nhiệm các cấp và hướng dẫn thực hiện thống nhất trong toàn quốc.

Thường xuyên hướng dẫn HĐND các cấp về công tác tiếp công dân, nhất là việc tập huấn chuyên sâu cho bộ phận tiếp dân của HĐND cấp tỉnh về công tác tiếp công dân; đồng thời đẩy mạnh việc giám sát của Quốc hội đối với HĐND các cấp về công tác tiếp công dân.

Xem xét sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 545/2007/NQ-UBTVQH12, theo đó cần quy định chính thức về Phòng Dân nguyện thuộc Văn Phòng Đoàn ĐBQH và HĐND cấp tỉnh để chuyên sâu giúp Đoàn ĐBQH và HĐND cấp tỉnh trong công tác tiếp công dân và tiếp xúc cử tri.

Trần Quốc Thành

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn