Niềm tin tạo lập hành vi, hành vi gieo nên kết quả
Cập nhật ngày: 05/12/2018 14:16:19
Phát biểu của đồng chí Lê Minh Hoan, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ tại Kỳ họp thứ Tám, Hội đồng nhân dân Tỉnh Đồng Tháp khoá IX, ngày 5/12/2018.
Bí thư Tỉnh ủy Lê Minh Hoan phát biểu tại kỳ họp (ảnh: Thanh Trúc)
Hôm nay, trong những ngày cuối năm 2018, tôi lại có dịp chia sẻ những suy nghĩ của mình khi chuẩn bị kết thúc một năm đã cùng nhau lao động vất vả. Chúng ta vui mừng về những kết quả tích cực mang lại, nhưng chắc chắn cũng còn mang nhiều nỗi ưu tư về những mặt hạn chế, yếu kém - những điều mà lẽ ra có thể còn đạt kết quả tốt hơn nếu nắm bắt và tận dụng được từng cơ hội. Nhưng giờ không phải là lúc tiếc nuối, mà phải có niềm tin ở tương lai. Có một câu triết lý rất hay mà tôi mong các vị đại biểu cùng nhau chia sẻ: "Niềm tin tạo lập hành vi, hành vi gieo nên kết quả!".
Ẩn đằng sau mỗi mục tiêu phát triển là cả một kỳ vọng của người dân Đất Sen hồng. Ẩn đằng sau các quyết sách lớn từ đầu Nhiệm kỳ là những giá trị cốt lõi mà chúng ta cần thẩm thấu. Ẩn đằng sau mỗi con số tăng trưởng là niềm tự hào chung về cộng đồng doanh nghiệp, về những người nông dân, về các giai tầng xã hội, về hệ thống chính trị. Và, ẩn đằng sau những điểm nghẽn là nguy cơ tụt hậu - tụt hậu vì bỏ lỡ thời cơ, vì tự bằng lòng, vì sự xoay trở chậm chạp đây đó. Nhưng chúng ta cần có niềm tin mạnh mẽ rằng, dù còn nhiều việc chưa bằng lòng, song, chúng ta đã đi đúng hướng, đã kích hoạt được sự năng động từ trong bộ máy cho đến ngoài xã hội. Có thể đi chưa nhanh nhưng chúng ta hiểu ra và làm được rất nhiều việc nhằm gia cố nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững cho tương lai trong từng lĩnh vực.
Đúng là có nhiều địa phương đây đó đã thu hút được những "dự án ngàn tỷ", tạo nguồn thu lớn và động lực phát triển. Tuy nhiên, cũng không ít địa phương đó đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường, dẫn đến những vấn đề xã hội và rủi ro thị trường. Trong bối cảnh như vậy, chúng ta cần nhìn rõ, nhìn thẳng vào lợi thế so sánh của mình và tự tin những việc mình đã làm, đã gặt hái những thành công bước đầu. Nói như vậy, không phải để chúng ta tự an ủi mình, mà càng phải đồng lòng chắt chiu từng cơ hội nhỏ nhất, đồng thời hết sức phải tỉnh táo để sau này chúng ta không phải nuối tiếc.
Trên bình diện quốc gia, tái cơ cấu nông nghiệp Đồng Tháp đã được đánh giá có rất nhiều ý tưởng hay và mô hình sáng tạo. Chúng ta đã tiên phong chuyển từ "tư duy sản xuất nông nghiệp" sang "tư duy kinh tế nông nghiệp". Chúng ta khẳng định chỉ có "hợp tác" mới thoát khỏi "lời nguyền" sản xuất nhỏ, manh mún và đây chính là nút thắt đầu tiên cần phải được tháo gỡ.
Theo đó, các hợp tác xã kiểu mới lần lượt ra đời từ "nền" của các "hội quán" ở Châu Thành, Tháp Mười, huyện Cao Lãnh, TP.Cao Lãnh, Lai Vung,... là hướng đi tích cực. Những hợp tác xã kiểu mới này đi đúng bản chất; vốn điều lệ, vốn góp thực tế, số lượng thành viên đều thực chất, đa dạng dịch vụ, hiện thực hoá tinh thần hợp tác trong người sản xuất. Các mối liên kết giữa các hợp tác xã, hội quán với doanh nghiệp đã dần định hình theo từng ngành hàng và cần được nâng lên tầm dài hạn, chứ không chỉ dừng lại trong mỗi mùa vụ, thương vụ ngắn hạn. Nông sản được chế biến với nhiều sản phẩm phong phú, tuy số lượng chưa nhiều và ổn định. Những mô hình "giảm giá thành, nâng cao chất lượng, sản xuất sạch" đã lan toả ra nhiều địa phương. Vấn đề đặt ra là, cần tổ chức tốt hệ thống thống kê theo những tiêu chí mới để có thể lượng hoá được những kết quả cụ thể, làm mục tiêu phấn đấu trong thời gian tới.
Một trong những điểm yếu trong nông nghiệp là "thông tin bất cân xứng" - một trong các bên tham gia vào chuỗi ngành hàng không biết rõ thông tin về một hay các bên còn lại. Với góc độ chuyên ngành, ngành Nông nghiệp cần thiết lập công cụ quản lý để minh bạch thông tin, cung cấp thông tin nhiều nhất, nhanh nhất, thuận tiện nhất cho nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp. Công nghệ số sẽ làm được tất cả nhưng cơ quan nào làm và bao giờ thì làm? Đây là điều kiện nhằm tạo dựng lòng tin và nâng dần niềm tin cho tất cả các bên tham gia vào những ngành hàng. Có như vậy, mối liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ mới thật sự bền vững.
Đang có nhiều cách tiếp cận khác nhau với nền Nông nghiệp 4.0, từ nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, ứng dụng công nghệ số, công nghệ điện toán đám mây, công nghệ truyền tải dữ liệu an toàn (blockchain),... Tuy nhiên, cần lưu ý đến ý kiến của một nhà khoa học, đó là "Cuộc Cách mạng nông nghiệp lần thứ 4 chính là, và phải bắt đầu từ việc hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân hoá học mà gia tăng sử dụng các chế phẩm sinh học, các phương thức sản xuất thân thiện với môi trường và người sử dụng để tạo ra những sản phẩm có giá trị dinh dưỡng cao". Đây là một hành trình đầy khó khăn nhưng không thể không làm và thực tế đã có những mô hình tốt. Tôi đã nhìn thấy những mô hình đó ở Mỹ Hoà, Bình Hàng Tây, Mỹ Long, Tân Thuận Đông, Vĩnh Thới, Tân Bình, Phú Cường và chắc chắn còn nhiều địa phương khác. Ngành chuyên môn phải trả lời được câu hỏi của nông dân: "Chúng tôi đã nhận thức phải sản xuất sạch được rồi, nhưng ai và cơ quan nào hướng dẫn giúp quy trình sản xuất cho chúng tôi?". Nếu không trả lời được câu hỏi này thì khó mà nhân rộng mô hình sản xuất sạch ra trên diện rộng.
Những con số tăng trưởng về du lịch và so sánh ở mức tương đồng với các địa phương có nhiều lợi thế so sánh hơn cho thấy kết quả thu được trong thời gian qua là đáng tự hào. Nhiều mô hình du lịch cộng đồng, các điểm tham quan trải nghiệm nông nghiệp, du lịch cộng đồng, du lịch nông trại... đi vào hoạt động hiệu quả đã gây ra được hiệu ứng nhất định. Nhiều khu điểm du lịch đã nâng cao chất lượng phục vụ và mở thêm được nhiều loại hình dịch vụ mới. Đã bắt đầu hình thành các khu, điểm theo hướng du lịch nông nghiệp. Những người làm du lịch cũng đã cùng ngồi lại, bắt tay nhau cùng phát triển theo xu hướng chung. Thông qua kết hợp giữa du lịch và nông nghiệp, tư duy của người nông dân thay đổi theo hướng sản xuất có trách nhiệm, tạo ra giá trị gia tăng không chỉ cho ngành Du lịch, mà còn là sự thay đổi cho ngành Nông nghiệp. Vậy, ngành Nông nghiệp đã thật sự nhập cuộc chưa?
Chúng ta không được hài lòng, mà cần nhìn sâu hơn về chất lượng khách, thời gian lưu trú, việc tiêu dùng các sản phẩm địa phương - đó mới chính là mục tiêu mà cần hướng tới. Con số mỗi du khách đến Đồng Tháp chỉ tiêu có 197.000 đồng cần được phân tích kỹ và đưa ra giải pháp cụ thể. Đã có nhiều nơi vươn lên mạnh mẽ, ngược lại, cũng không ít nơi sau thành công bước đầu đã có nguy cơ thất bại.
Muốn không thất bại, không được tự bằng lòng với các con số. Du lịch hiện nay đã dựa vào nối kết bằng công nghệ số. Muốn thành công, những người làm du lịch phải liên tục được cập nhật kiến thức, kỹ năng và phải có quyết tâm cao. Muốn thành công phải có cả cộng đồng ủng hộ, sự hỗ trợ của cấp uỷ, chính quyền, sự sát sao của các cơ quan chuyên môn. Phải lan toả phương châm: "Phát triển du lịch không chỉ vì lợi ích kinh tế, mà còn vì trách nhiệm và lòng tự hào với quê hương xứ sở". Hai chữ "trách nhiệm" và "tự hào" phải thẩm thấu thật sâu đến với từng cấp, từng ngành.
Gần đây, tôi có chuyến đi Nhật Bản nhằm khảo sát sâu hơn về Chương trình đưa lao động đi làm việc tại thị trường này. Qua tiếp xúc với các thực tập sinh, các nghiệp đoàn cung ứng lao động, các giới chủ sử dụng lao động, điều đáng mừng là có thể khẳng định ngay rằng: Chúng ta đã đi đúng hướng! Phương châm "Ra đi làm thuê - Về làm chủ" không phải là "hão huyền", mà đã lan toả đến các thực tập sinh và gia đình. Thanh niên Đồng Tháp đã rất tự tin, rất mạnh mẽ và hiểu rằng, không chỉ là "đi lao động" để tìm kiếm thu nhập, mà còn là việc để "đi học" để tích luỹ kiến thức, kỹ năng, thái độ làm việc ở một đất nước tiên tiến, để trở về hiện thực hoá ước mơ làm giàu cho mình, cho gia đình, cho quê hương, xứ sở. Mục tiêu là "đi học tập" thì ứng xử khác với mục tiêu "đi lao động", từ đó, phải có một chương trình đồng bộ hơn, chắc bước hơn, có sự "ra quân" của nhiều ngành, nhiều cấp. Ngành Giáo dục và Đào tạo cần xác định đây là một trong những giải pháp phân luồng và hướng nghiệp để có kế hoạch đào tạo ngoại ngữ ngay từ trong môi trường phổ thông.
Chương trình đưa thực tập sinh đi làm việc ở nước ngoài không chỉ là nhiệm vụ riêng của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, mà còn của cả hệ thống chính trị, nhất là ở cấp cơ sở. Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải vào cuộc, xem đây là giải pháp nâng cao thu nhập, tạo dựng nguồn nhân lực cho nông nghiệp và nông thôn trong tương lai. Tại Kỳ họp thứ Sáu của Quốc hội vừa qua, tôi đã nhận được sự đánh giá cao về cách làm của Đồng Tháp thì không lý gì chúng ta không tự tin đặt những mục tiêu xa hơn, cao hơn. Chúng ta cần có giải pháp đồng bộ để phát huy nguồn lực này sau khi trở về.
Một trong những "xương sống" của nền kinh tế là lực lượng doanh nghiệp. Điều đáng trân trọng là có cả một cộng đồng doanh nghiệp luôn đồng hành với chúng ta, không chỉ tìm kiếm lợi nhuận, mà còn mong muốn tham gia vào sự phát triển của địa phương. Doanh nghiệp đã đóng góp chủ yếu cho tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, tham gia nhiều chương trình xã hội và an sinh xã hội. Điều trân quý hơn, cộng đồng doanh nghiệp còn thường xuyên tư vấn cho lãnh đạo nhiều ý tưởng hay, đưa thị trường về gần hơn với chúng ta. Các doanh nghiệp dẫn đầu còn tích cực tham gia hướng dẫn, hỗ trợ, tư vấn, cố vấn cho nhiều ý tưởng và dự án khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.
Những con số như: số lượng, vốn đăng ký, số lượng người lao động, khiến cho chúng ta chưa hài lòng với chất lượng của lực lượng doanh nghiệp tỉnh nhà. Tuy nhiên, còn một vấn đề đáng quan tâm hơn là khoảng cách giữa cộng đồng doanh nghiệp và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 còn rất xa. Đây là vấn đề có tính "sống còn" nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn còn thờ ơ. Không có quyền áp đặt cách làm, nhưng chúng ta có thể tạo ra những không gian, những diễn đàn để cộng đồng doanh nghiệp tiếp cận, tỉnh thức và hành động nếu không muốn bị bỏ lại phía sau. Ngoài ra, thông qua công tác quản lý nhà nước phải nâng cao trách nhiệm xã hội đối với doanh nghiệp, nhất là không làm tổn hại môi trường và ảnh hưởng đến cộng đồng. Suy cho cùng, cạnh tranh địa phương cũng bắt đầu từ cạnh tranh doanh nghiệp, thất bại của doanh nghiệp cũng chính là thất bại địa phương.
Chủ trương khởi nghiệp đã lan toả sâu rộng trong xã hội. Nhiều ý tưởng, dự án khởi nghiệp phát huy tài nguyên bản địa kết hợp sức mạnh công nghệ đã được thương mại hoá và vươn xa với sự chăm chút bao bì, nhãn mác, xuất xứ hàng hoá, sở hữu trí tuệ, xây dựng thương hiệu. Bên cạnh đó cũng không ít dự án khởi nghiệp gặp khó khăn do chưa chuẩn bị tốt về tâm thế, chưa có phương án sản xuất, kinh doanh phù hợp cũng như chưa nhận được sự "hậu thuẫn" cần thiết của các cấp uỷ, chính quyền. Dẫu biết rằng, khởi nghiệp sẽ có thành công, có thất bại, nhưng chúng ta cũng cần đánh giá lại công tác tư vấn và tính hiện thực của các chính sách để hạn chế rủi ro không đáng có.
Gần đây, có nhiều vấn đề làm cho xã hội bất an. Một trong những vấn đề đó là ma tuý và những hệ luỵ tiêu cực từ ma tuý. Đây là vấn đề có tính đa quốc gia, liên quốc gia, đe doạ an ninh trật tự xã hội và sự phát triển của địa phương. Nhìn nhận vấn đề này có nhiều góc độ, tuy nhiên, cần nghiên cứu sâu hơn về căn nguyên và giải pháp. Ngoài biện pháp điều trị mà chưa có các phát đồ hữu hiệu, cần áp dụng những liệu pháp tâm lý để giúp người nghiện còn có niềm tin trong quãng đường còn lại. Muốn vậy, cần phải có các giải pháp đồng bộ, xác định trách nhiệm của gia đình và xã hội, các hội quần chúng, những nhóm thiện nguyện, chứ không phải là chuyện riêng của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội hay lực lượng Công an.
Ngoài ma tuý, các tệ nạn xã hội khác, tai nạn giao thông, an ninh trật tự, thanh thiếu niên vi phạm pháp luật,... cũng cần phải có sự vào cuộc mạnh mẽ của các thành phần xã hội. Cần tư duy theo hướng "Những vấn đề xã hội cần phải giải quyết được bằng sức mạnh xã hội", chứ không chỉ là giải pháp hành chính hay hình sự. Cần tổ chức tốt công tác truyền thông để người dân hiểu được rằng, bức xúc nhưng không ai "vô can", mà mỗi người bằng hành động của mình cần góp phần hạn chế những bức xúc đó.
Những vấn đề kinh tế phải có sự tham gia của lực lượng kinh tế, những vấn đề xã hội phải có sự tham gia của lực lượng xã hội. Có như vậy, sức mạnh sẽ được tăng lên không phải theo cấp số cộng, mà theo cấp số nhân. Qua những gì đã làm, những giai tầng được tiếp xúc, tôi luôn có niềm tin mãnh liệt về sức mạnh của hệ thống chúng ta và còn hơn thế nữa là sức mạnh to lớn của xã hội. Tuy nhiên, sức mạnh đó chỉ có được nếu chúng ta có lòng tin và đặt trọn niềm tin, biết khơi gợi, biết truyền cảm hứng thì xã hội sẽ cùng hợp lực với hệ thống chúng ta để tháo gỡ từng nút thắt, vượt qua các thách thức, tiến về phía trước.
Kỳ họp này sẽ thảo luận và ban hành nghị quyết về điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Chắn chắn còn nhiều ý kiến khác nhau về mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp để tăng trưởng nhưng cần phải có tầm nhìn xa, chứ không dừng lại ở "tư duy nhiệm kỳ". Phải có khát vọng vươn lên một cách mạnh mẽ hơn dựa trên những tiền đề đã dày công vun đắp trong nhiều năm qua. Muốn vậy, cần thay đổi cách đong đo sự tăng trưởng dựa vào lượng để chuyển thành tăng trưởng dựa vào chất, dựa trên sự năng động, sáng tạo của xã hội. Nếu còn rụt rè, dựa vào cách tư duy cũ sẽ không thể vươn lên, thậm chí là có thể tụt lại phía sau. Cần lưu ý rằng, chúng ta đang sống trong bối cảnh thời đại liên tục biến đổi, khi chưa kịp định hình cái đã có thì nó đã có cái mới hơn.
"Người chiến thắng biết tìm thấy cơ hội trong khó khăn, người thất bại thấy khó khăn trong cơ hội". Chúng ta cần nhìn thấy thách thức để mỗi người, mỗi cơ quan, đơn vị và cả xã hội bớt đi "sự thờ ơ và vô cảm, đố kỵ và hẹp hòi, dòm ngó và chỉ trích". Cần phải có sự "đồng lòng trong hệ thống, sự đồng thuận trong xã hội"! Một khi niềm tin được tăng lên, khát vọng được khơi dậy, hành động được quyết liệt, Đất Sen hồng sẽ gặt hái nhiều thành quả mới, làm nền tảng được bồi đắp chắc chắn cho các nhiệm kỳ sau.