Ông Võ Văn Thưởng: Sự chậm trễ của báo chí đã trao lợi thế cho mạng xã hội

Cập nhật ngày: 28/12/2018 19:37:27

Theo ông Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, sự chậm trễ của báo chí đã trao lợi thế cho mạng xã hội trong việc thông tin. Do vậy, thách thức từ mạng xã hội đối với báo chí là rất lớn, nhưng thách thức lớn hơn chính là tư tưởng, tâm thế thất bại, thua cuộc của người làm báo...


Ông Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

Chiều 28/12, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông và Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2018, triển khai nhiệm vụ năm 2019. Tham dự hội nghị có ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cùng gần 600 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí toàn quốc và các bộ ngành.

Báo cáo của hội nghị nêu rõ, trong năm 2018, tổng doanh thu phát sinh trong lĩnh vực báo chí đạt hơn 15.840 tỷ đồng. Trong đó, tổng doanh thu của các cơ quan báo in và báo điện tử ước tính đạt khoảng 4.900 tỷ đồng; doanh thu của các đài phát thanh truyền hình đạt khoảng 10.940 tỷ đồng, trong đó doanh thu quảng cáo khoảng 9.631 tỷ đồng.

ABên cạnh những thành tích đã đạt được trong năm 2018, hoạt động báo chí vẫn tồn tại những khuyết điểm, hạn chế. Thông tin thiếu nhạy cảm về chính trị, chưa phù hợp với lợi ích của đất nước, của nhân dân, chưa đúng định hướng thông tin vẫn còn xảy ra trên một số báo, tạp chí, gây những tác động xấu đến dư luận xã hội, ảnh hưởng đến lợi ích chính đáng của tổ chức, người dân.

Bên cạnh đó, thách thức lớn nhất đối với hoạt động báo chí hiện nay là có nguy cơ bị truyền thông xã hội “vượt mặt”, mất vị trí độc quyền cũng như qua mặt về tốc độ trong việc cung cấp thông tin đến độc giả.

Phát biểu kết luận hội nghị, ông Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng, mạng xã hội đang ảnh hưởng sâu rộng đến xã hội. Vấn đề được ông Thưởng nghiêm túc đặt ra đối với báo chí là thông tin đi sau mạng xã hội, dù nhiều trường hợp báo chí biết trước thông tin. Thực tế, kênh thông tin của báo chí rất đa dạng, đội ngũ thông tin báo chí rất đông, hoàn toàn có thể chủ động thông tin, nhưng sự chậm trễ của báo chí đã trao lợi thế cho mạng xã hội trong việc thông tin.

“Đúng là thách thức từ mạng xã hội đối với báo chí là rất lớn, nhưng thách thức lớn hơn chính là tư tưởng, tâm thế thất bại, thua cuộc của người làm báo. Ngoài ra, còn có việc hành động chưa chặt chẽ, chưa đồng bộ, thiếu hiệu quả của các cơ chế phối hợp, cũng như cơ chế quản lý nhà nước”, ông Thưởng đánh giá.

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng, nếu đội ngũ người làm báo chủ động, nhạy bén, các cơ quan báo chí tỉnh táo, thực hiện chặt chẽ quy trình phê phán xác xu hướng tiêu cực, cực đoan, độ chính xác thấp của mạng xã hội; các cơ quan nắm thông tin kịp thời cung cấp thông tin cho báo chí… thì “chúng ta sẽ nắm chắc được quyền chủ động thông tin”. Qua đó, sẽ lấy lại niềm tin của công chúng với báo chí, làm được điều đó báo chí cách mạng mới thực sự là lực lượng dẫn dắt định hướng dư luận.

Trong lĩnh vực quản lý, ông Võ Văn Thưởng cho hay, trong năm 2018, cơ quan quản lý đã nỗ lực triển khai nhiệm vụ, đạt được các kết quả quan trọng. Cụ thể, Ban Tuyên giáo Trung ương thực hiện chặt chẽ việc cấp phép hoạt động báo chí và công tác bổ nhiệm; tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý nhà nước về báo chí cho cán bộ lãnh đạo. Bộ Thông tin và Truyền thông cũng tiếp tục tăng cường rà soát, phát hiện, xử lý sai phạm trong hoạt động báo chí...


Hội nghị báo chí toàn quốc diễn ra trong chiều ngày 28/12

Tại hội nghị, ông Võ Văn Thưởng cho biết, từ khi đưa giải pháp kỹ thuật vào kiểm soát việc gỡ tin, bài đã đưa lại kết quả rõ nét. Cụ thể, trong việc gỡ tin bài, khi trước đây chưa công bố thông số phần mềm theo dõi thì tình trạng “sáng đưa, trưa gặp, chiều gỡ” diễn ra tràn lan.

“Khi công bố thông số rồi thì hiện tượng “sáng đưa, trưa gặp, chiều gỡ” giảm được từ 80-90%. Tuy nhiên, hiện nay lại xuất hiện tính chất mới theo kiểu: Trên có chính sách, thì dưới có đối sách - bài không gỡ, tít còn nguyên nhưng nội dung thì thay đổi. Cho nên cái này phải quản lý ở cấp độ cao hơn”, ông Võ Văn Thưởng nhấn mạnh.

Đề cập đến công tác báo chí trong năm 2019, ông Võ Văn Thưởng đưa ra một số nhiệm vụ trọng tâm như đẩy nhanh quy hoạch báo chí. Trong đó, sẽ đánh giá những trở ngại, nguyên nhân khiến việc triển khai quy hoạch chậm trễ, trên cơ sở đó, gấp rút hoàn thiện quy hoạch để trình Chính phủ phê duyệt; đồng thời, chủ động chuẩn bị hướng dẫn các cơ quan báo chí thực hiện.

Tiếp tục rà soát, chấn chỉnh tình trạng xa rời tôn chỉ, mục đích; phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm khắc các sai phạm trong hoạt động báo chí; chấn chỉnh những sơ hở trong tổ chức, quản lý văn phòng đại diện, phóng viên thường trú, sử dụng cộng tác viên. Đối với công việc này, phải có những biện pháp quyết liệt, hiệu lực hơn nữa, tránh chung chung, trong đó, cần nêu cao trách nhiệm của chủ quản và người đứng đầu cơ quan báo chí…

Theo ông Võ Văn Thưởng, Luật Báo chí 2016 đã triển khai được 2 năm. Trong thời gian đó, với sự thay đổi nhanh chóng của đời sống báo chí truyền thông, nhiều vấn đề mới đang đặt ra. Do vậy, việc đánh giá hai năm triển khai thực hiện Luật Báo chí 2016 là cần thiết.

Ông Thưởng cho rằng, Bộ Thông tin và Truyền thông cần xúc tiến, chuẩn bị công việc này chu đáo, trên cơ sở sơ kết của các bộ, ngành, địa phương. Tinh thần chung là bảo đảm tính thực tiễn, khả thi, phù hợp với xu hướng phát triển của báo chí thế giới, đáp ứng yêu cầu hoạt động của nền báo chí cách mạng Việt Nam trong thời gian dài...

Quang Phong (Dân trí)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn