Xã Tân Phước

Phát huy dân chủ cơ sở trong xây dựng đê bao liên kết

Cập nhật ngày: 04/08/2014 05:17:50

Nhiều nông dân trồng cây ăn trái (chủ yếu là quýt) ở xã Tân Phước, huyện Lai Vung rất phấn khởi khi có khu đê bao liên kết (ĐBLK) mang lại nhiều lợi ích cho nhà vườn. Mô hình cũng thể hiện hiệu quả rõ nét từ việc thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở.


Nhờ liên kết đê bao, ông Ngô Tùng Quân ở ấp Tân Mỹ an tâm chăm sóc vườn quýt
 dù mùa mưa, lũ đang về

Trước đây, đa số nhà vườn bơm nước, bảo vệ vườn quýt trong mùa lũ theo hình thức cá nhân nên hiệu quả chưa cao; bị thiệt hại vì không thoát nước kịp, trong khi chi phí nhiên liệu lại cao và tốn công sức. Xuất phát từ khó khăn đó, địa phương đã có chủ trương liên kết đê bao. Năm 2005, khu ĐBLK Cua Đinh (ấp Tân Mỹ) được thành lập, bảo vệ gần 42ha vườn cây ăn trái.

Trước khi thực hiện, ngành chức năng đi khảo sát, nắm những diện tích có thể thực hiện ĐBLK; tổ chức họp dân bàn bạc, thống nhất cách làm và mức đóng góp. Người dân sẽ bầu Ban điều hành khu đê bao (từ 5 đến 7 người) là những người có uy tín, có đất sản xuất trong đê bao. Ban điều hành sẽ xây dựng kế hoạch hoạt động; quản lý máy móc, tiền dân đóng góp... Trừ năm đầu tiên, các năm sau mức tiền đóng của người dân ít hơn nhiều so với chi phí bơm nước cá nhân. Chẳng hạn ở khu ĐBLK số 2 (ấp Tân Thạnh), năm đầu do phải mua máy bơm, gia cố đê bao... nên mỗi hộ đóng 550 - 650 ngàn đồng/ công/năm. Nhưng qua các năm sau thì bà con chỉ cần đóng 100 - 150 ngàn đồng/công (chủ yếu là tiền điện)

Theo Chủ tịch UBND xã Tân Phước Nguyễn Văn Em: Khi thực hiện liên kết đê bao, địa phương khảo sát rất kỹ; tổ chức họp dân nhiều lần, tạo sự thống nhất, đồng thuận cao. Kinh phí mua máy móc, gia cố đê bao, nhiên liệu... do người dân đóng góp. Vấn đề công khai tài chính được thực hiện tốt nên bà con rất tin tưởng và an tâm đóng góp. Đến nay, toàn xã đã thành lập được 7 khu ĐBLK bơm nước trong mùa mưa, lũ để bảo vệ 230ha vườn cây ăn trái. Năm 2014, dự kiến sẽ xây dựng thêm 2 hoặc 3 khu ĐBLK nữa.

Nhờ liên kết đê bao mà nhiều nhà vườn chủ động được nguồn nước, giảm chi phí sản xuất và thiệt hại cây trồng. Ông Ngô Tùng Quân (SN 1964) có 5.200m2 đất trồng cây có múi trong khu ĐBLK số 5 (ấp Tân Mỹ), cho biết: “Tôi được mời họp để bàn bạc về việc liên kết đê bao, chuyện tiền bạc cũng rõ ràng nên tôi nhiệt tình đóng góp. Từ khi ĐBLK, tôi không còn phải thức đêm để canh nước như trước; chi phí bơm nước cũng giảm hơn 1 triệu đồng/công/vụ bơm”. Còn ông Trịnh Côn Đảo (SN 1958) ở khu ĐBLK số 1 (ấp Tân Mỹ) thì chỉ dùng 2 từ “tuyệt vời” khi nói về hiệu quả mà việc liên kết đê bao mang lại. Năm 2013, ông chỉ cần đóng 100 ngàn đồng/công là cả vườn quýt (0,6ha) của ông đều khô ráo trong mùa lũ, thay vì phải tốn chi phí cả triệu đồng/công khi bơm tự phát.

Ngoài ra, xã Tân Phước còn đặc biệt chú trọng phát huy dân chủ cơ sở trong xây dựng nông thôn mới. Mấy năm qua, nhiều công trình giao thông nông thôn ở xã được thi công đều có sự đóng góp của nhân dân, thực hiện theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Trong năm 2013 và 6 tháng đầu năm 2014, nhân dân đã đóng góp hàng trăm triệu đồng cùng với vốn Nhà nước, rải đá chống lầy trên 11km đường giao thông; bắc mới và sửa chữa 2 cây cầu, kinh phí hơn 240 triệu đồng. Việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở ở Tân Phước còn thể hiện trong việc bình xét hộ nghèo, gia đình văn hóa, hỗ trợ nhà tình thương...

“Quy chế dân chủ ở cơ sở được phát huy, tạo sự tin tưởng cho người dân đối với Đảng, Nhà nước; hạn chế tình trạng thắc mắc, khiếu nại trong dân. Bà con tích cực tham gia các cuộc vận động, phong trào ở địa phương. Tuy là xã vùng sâu, nhưng giờ đây hệ thống giao thông của xã cơ bản thông suốt. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên” - Chủ tịch UBND xã Tân Phước Nguyễn Văn Em, cho biết thêm.

Nhựt An

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn