Phát triển giai cấp công nhân cả về số lượng và chất lượng

Cập nhật ngày: 23/09/2013 07:19:16

Đồng Tháp có hơn 2.054 doanh nghiệp (DN) hoạt động trên nhiều lĩnh vực, ngành nghề, trong đó có 28 DN Nhà nước, 1.831 DN ngoài Nhà nước, 12 DN có vốn đầu tư nước ngoài, 183 hợp tác xã, với 74.312 công nhân lao động (CNLĐ), tăng 1,2 lần so với năm 2008. Hàng năm, các DN đã đóng góp cho ngân sách Nhà nước khoảng 2.000 tỷ đồng, chiếm gần 60% tổng nguồn thu ngân sách trên địa bàn tỉnh.


Đội ngũ CNLĐ của tỉnh ngày càng lớn mạnh

5 năm qua, các cấp ủy quan tâm chỉ đạo khảo sát đánh giá thực trạng, tổng kết thực tiễn về sự phát triển của giai cấp công nhân (GCCN), qua đó đã cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn để đề ra chủ trương, giải pháp xây dựng GCCN phát triển toàn diện trong thời kỳ mới. Lực lượng công nhân của tỉnh tăng nhanh về số lượng và có những chuyển biến quan trọng về chất lượng khi lĩnh vực công nghiệp của tỉnh phát triển trong những năm qua, từ đó đã có nhiều vấn đề thực tiễn cần đặt ra cho các cấp ủy.

Các cấp ủy, tổ chức đảng thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao bản lĩnh chính trị, ý thức giai cấp,... Tinh thần trách nhiệm và tác phong làm việc của đội ngũ CNLĐ có những bước chuyển biến tích cực; việc rèn luyện nâng cao phẩm chất đạo đức, lối sống đã góp phần xây dựng đội ngũ công nhân ngày càng vững mạnh; nhiều điển hình tiên tiến, gương người tốt việc tốt trong phong trào thi đua yêu nước của GCCN được nhân rộng. Đây cũng là kết quả của việc thực hiện tốt cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, phong trào xây dựng “Đơn vị văn hóa”... trong CNLĐ những năm qua.

Công tác nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề, lao động kỹ thuật cao được chú trọng, đáp ứng cơ bản nhu cầu thị trường; từng bước trí thức hóa GCCN, tạo nguồn lực quan trọng góp phần phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà. Năm 2012, lao động qua đào tạo tăng 20% so với 2008, có 8.988 lượt CNLĐ tham gia học tập nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị. Hệ thống chính sách, pháp luật được thực hiện nghiêm nhằm bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân; đời sống vật chất và tinh thần của công nhân được quan tâm. Những vấn đề bức xúc về tiền lương, tiền công, chế độ bảo hiểm cho người lao động; giám sát thực hiện Luật Lao động tại các DN, việc thực hiện trách nhiệm, nghĩa vụ của người lao động và người sử dụng lao động được phối hợp giải quyết tốt; việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở được các cấp ủy, chính quyền quan tâm thực hiện.

Tổ chức công đoàn các cấp đã giới thiệu 18.982 công đoàn viên cho Đảng xem xét, qua đó đã kết nạp 12.936 công đoàn viên vào Đảng, đạt 68,15%. Hoạt động công đoàn các cấp từng bước chuyển biến theo hướng linh hoạt, nội dung và phương thức hoạt động có nhiều đổi mới, phong trào thi đua lao động, sáng tạo ngày càng đi vào chiều sâu; CNLĐ ngày càng khẳng định được vai trò nòng cốt, là lực lượng đi đầu trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội.

Nhìn chung, 5 năm qua, đội ngũ CNLĐ của tỉnh ngày càng lớn mạnh về số lượng và chất lượng, giữ vai trò quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, trình độ học vấn, tay nghề được nâng lên; đời sống vật chất, tinh thần từng bước được cải thiện; tinh thần làm chủ, ý thức công dân, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động dần được hình thành, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên, còn những hạn chế cần tập trung khắc phục như ý thức tổ chức kỷ luật, tác phong công nghiệp của công nhân còn hạn chế, công nhân lành nghề còn thiếu và thừa CNLĐ giản đơn. Công tác xây dựng tổ chức đảng, đoàn thể trong DN chưa đạt yêu cầu; hiệu quả của một số tổ chức đảng, công đoàn, đoàn thanh niên trong các DN ngoài Nhà nước còn yếu; công tác phát triển Đảng trong CNLĐ còn nhiều khó khăn. Vấn đề việc làm, tiền lương, thu nhập, đời sống của CNLĐ còn nhiều bất cập...

Trong thời gian tới, muốn đạt được những mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, các cấp ủy đảng cần tiếp tục tăng cường lãnh đạo có hiệu quả việc thực hiện Chương trình hành động của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TW của BCHTW Đảng khóa X về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Hiện nay, chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) của Đồng Tháp dẫn đầu cả nước, là cơ hội, điều kiện để thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ CNLĐ tiếp cận khoa học, công nghệ, thiết bị tiên tiến, nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất kinh doanh... GCCN ở Đồng Tháp sẽ có sự thay đổi lớn và phát triển cả về số lượng và chất lượng.

Hoan Huyền

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn