Phát triển sản xuất nông nghiệp nâng cao thu nhập cho người dân
Cập nhật ngày: 27/01/2022 10:24:33
ĐTO - Đó là một trong những kết quả nổi bật thông qua việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Cao Lãnh thời gian qua. Cụ thể, các cấp, ngành, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể địa phương tăng cường tuyên, vận động đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để nâng cao giá trị sản xuất trên cùng một đơn vị diện tích. Theo đó, huyện Cao Lãnh triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, liên kết theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm tăng năng suất, sức cạnh tranh của sản phẩm và giá trị gia tăng.
Lãnh đạo Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, lãnh đạo tỉnh và huyện Cao Lãnh khảo sát thực tế các mô hình nuôi cá trong lồng, bè trên địa bàn xã Bình Thạnh, huyện Cao Lãnh (Ảnh: TL)
Huyện Cao Lãnh chọn nhiều ngành hàng chủ lực, tiềm năng để phát triển trên địa bàn. Chẳng hạn: ngành hàng lúa gạo được xem là chủ lực của địa phương. Hàng năm, toàn huyện có khoảng 86.800ha sản xuất lúa, sản lượng ước khoảng 560.000 tấn. Đến nay có 5 giống lúa chủ lực được nông dân ưa chuộng đưa vào sản xuất như Đài thơm 8, Nàng hoa 9, OM5451, OM4900, OM18; người dân đã từng bước ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất (bón phân thông minh, cấy bằng máy, sạ hàng, phòng trừ sâu bệnh tổng hợp, quản lý dinh dưỡng tổng hợp và áp dụng cơ giới hóa đã góp phần giảm giá thành, tăng lợi nhuận trong sản xuất). Cụ thể, hàng năm, Cao Lãnh có trên 74.050ha diện tích lúa chất lượng cao (chiếm 84,2% diện tích xuống giống); diện tích giảm giá thành được nông dân thực hiện với tổng diện tích khoảng 73.000ha, qua thực tế nông dân tiết kiệm chi phí trong sản xuất lúa từ 100 - 200 đồng/kg, tiết kiệm chi phí sản xuất khoảng 30 tỷ đồng/năm/tổng diện tích áp dụng mô hình giảm giá thành.
Hay ngành hàng xoài (xoài Cao Lãnh và xoài Cát Chu Cao Lãnh) từng bước đã hình thành vùng chuyên canh tập trung ở các xã vùng ven Quốc lộ 30 với tổng diện tích gần 4.107ha. Nhiều biện pháp kỹ thuật mới đã được ứng dụng (sản xuất theo quy trình VietGAP, GlobalGAP, sản xuất theo hướng hữu cơ, tưới bằng hệ thống tự động, lắp bẫy đèn thông minh để dự báo sâu rầy gây hại, xử lý ra hoa rải vụ) để giảm áp lực về giá khi thu hoạch tập trung; từng bước xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng xoài. Toàn huyện Cao Lãnh có tổng diện tích 445ha của 311 hộ trồng xoài đạt tiêu chuẩn VietGAP và khoảng 60% diện tích (2.200ha) xoài xử lý ra hoa rải vụ theo hướng an toàn; có 1.617,2ha của 1.089 hộ được cấp mã số vùng trồng; tiếp tục phát huy nhãn hiệu xoài Cao Lãnh và xoài Cát Chu Cao Lãnh, nhất là ngành hàng xoài của huyện Cao Lãnh được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý “Cao Lãnh” (sử dụng chung cho TP Cao Lãnh).
Những năm qua, cá điêu hồng phát triển cả về quy mô và sản lượng, tập trung ở các xã Bình Thạnh, Mỹ Hiệp, Mỹ Long, Mỹ Xương (huyện Cao Lãnh) với tổng số thả nuôi 1.820 lồng, bè, sản lượng ước đạt 26.000 tấn. Thực hiện các giải pháp kêu gọi doanh nghiệp liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, cung ứng thức ăn cho các hộ nuôi; đang triển khai thực hiện liên kết tiêu thụ (chế biến cá điêu hồng phi lê, chả cá điêu hồng để xuất khẩu) với Công ty Nhật An, sản lượng tiêu thụ bình quân ước khoảng 80 - 100 tấn/tháng. Thường xuyên tuyên truyền, vận động các hộ nuôi thực hiện theo hướng an toàn, đảm bảo môi trường vùng nuôi. Ngành hàng cá điêu hồng được cấp giấy chứng nhận sản phẩm an toàn đạt tiêu chuẩn VietGAP, đồng thời được Cục sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận nhãn hiệu “Cá Điêu hồng Bình Thạnh”; đến nay có 459 lồng, bè của 65 hộ cam kết sản xuất theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm.
Với hiệu quả từ các mô hình sản xuất, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, đào tạo nghề, giải quyết việc làm,... đã góp phần cải thiện thu nhập của người dân trên địa bàn huyện Cao Lãnh từ 18,72 triệu đồng/người/năm vào năm 2011 lên 51,717 triệu đồng/người/năm vào năm 2020 (không tính thị trấn Mỹ Thọ), tăng 2,76 lần so với năm 2011.
NGỌC TÂM