Huyện Cao Lãnh

Phát triển sản xuất và nâng cao thu nhập người dân

Cập nhật ngày: 23/04/2014 05:50:32

Năm 2013, Đảng ủy xã Gáo Giồng (huyện Cao Lãnh) lập kế hoạch về xây dựng nông thôn mới (NTM), đồng thời ban hành nghị quyết thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm, trong đó có nội dung phát triển sản xuất và nâng cao thu nhập cho người dân địa phương. Cấp ủy và chính quyền xã Gáo Giồng xác định thế mạnh của địa phương chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, thu nhập của người dân chủ yếu là canh tác lúa. Từ đó, xã chú trọng tuyên truyền, vận động nhân dân xuống giống vụ đông xuân sớm hàng năm để tăng vụ và tăng thu nhập cho người dân.


Cơ giới hóa góp phần giảm thất thoát trong thu hoạch lúa

Xã Gáo Giồng tập trung xây dựng cánh đồng liên kết, là khâu mấu chốt để giải quyết vấn đề sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của nông dân trong xu thế sản xuất hàng hóa hiện nay, tạo điều kiện chia sẽ thông tin và trách nhiệm, ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm để giải quyết vấn đề thị trường, tạo cơ chế phù hợp để thúc đẩy sản xuất phát triển bền vững, ký hợp đồng bao tiêu với sản phẩm với Công ty Bảo vệ Thực vật An Giang năm 2013 là 296,8ha với 138 hộ tham gia. Đây là thành công bước đầu trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, từng bước thay đổi tập quán sản xuất theo kiểu truyền thống, lạc hậu.

Nhiều xã, thị trấn, nhất là các xã điểm xây dựng NTM trên địa bàn huyện Cao Lãnh đã triển khai thực hiện các mô hình sản xuất đạt hiệu quả như: công nghệ sinh thái, sản xuất rau an toàn có gắn hệ thống tưới phun, trồng mè, mô hình thâm canh xoài, sản xuất xoài đạt tiêu chuẩn GlobalGAP, sản xuất chanh an toàn, chăn nuôi gia cầm an toàn sinh học, nuôi tôm càng xanh trên ruộng lúa, nuôi cá mùa lũ. Đặc biệt, thực hiện chủ trương của tỉnh, đến nay đã triển khai thực hiện mô hình cánh đồng liên kết gắn với hợp đồng bao tiêu sản phẩm được 3.639ha, trong năm 2013, Công ty TNHH MTV Lương thực Tân Hồng ký hợp đồng và thực hiện bao tiêu sản phẩm được 920ha, từng bước góp phần tạo đầu ra ổn định cho nhân dân và hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung theo nhu cầu của thị trường. Năm 2013, địa phương có 4 xã đạt tiêu chí 10 về thu nhập.

Thời gian qua, huyện Cao Lãnh đã mở 78 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn (đan lục bình, đan dây cói, sửa kiểng bonsai, đan ghế nhựa, may công nghiệp, điện công nghiệp) với hơn 2.299 lượt lao động tham dự, trong đó năm 2013 mở 24 lớp, với 720 lượt lao động tham dự. Phối hợp với Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp hỗ trợ máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trong 3 năm 2011 - 2013 đã hỗ trợ: 70 máy phun xịt thuốc ở xã Tân Nghĩa, Gáo Giồng, Mỹ Thọ, Bình Thạnh, Mỹ Hội và Bình Hàng Tây; 1 máy cày ở xã Ba Sao; 2 bộ bơm nước ở xã Mỹ Hội; 4 máy dệt chiếu, 2 máy may bìa chiếu, 1 máy quấn chỉ ở xã Bình Thạnh. Đến cuối năm 2013, huyện Cao Lãnh có 4 xã đạt tiêu chí 11 về hộ nghèo.

Huyện Cao Lãnh đã thành lập mới 6 hợp tác xã, 44 tổ hợp tác nâng tổng số toàn huyện đến nay có 24 hợp tác xã và 232 tổ hợp tác, trong đó năm 2013 thành lập 6 hợp tác xã, 17 tổ hợp tác. Kinh tế tập thể đã mang lại hiệu quả thiết thực trong sản xuất, nhân dân có ý thức trong việc tuân thủ theo lịch thời vụ, gieo sạ đồng loạt, tập trung trên từng khu vực đê bao, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhằm tăng năng suất, tăng lợi nhuận và thu nhập cho xã viên, đến nay huyện có 16/17 xã đạt tiêu chí 16 về hình thức tổ chức sản xuất.

Nhìn chung, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, quản lý của các cấp ủy, chính quyền huyện Cao Lãnh về chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM luôn được quan tâm. Qua đó, toàn thể cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân tích cực nhiệt tình tham gia, tạo sự chuyển biến về nhận thức cũng như hành động đối với công cuộc xây dựng NTM nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu thay đổi diện mạo nông thôn gắn với nâng cao đời sống người dân.

Dũng Chinh

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn