Phiên chất vấn về kết quả thực hiện công tác xã hội hóa đầu tư nước sạch nông thôn

Cập nhật ngày: 15/11/2023 13:22:02

ĐTO - Thường trực Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh tổ chức phiên chất vấn về kết quả thực hiện công tác xã hội hóa đầu tư nước sạch nông thôn vào ngày 15/11. Hai Phó Chủ tịch HĐND tỉnh là bà Nguyễn Thị Kim Tuyến, ông Kiều Thế Lâm chủ trì phiên chất vấn.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phước Thiện cùng lãnh đạo các sở, ngành tỉnh tham gia phiên giải trình. Đến dự có ông Trần Văn Sáu – Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh.


Đại biểu Đoàn Duy Thùy Ngạn - Trưởng Ban Văn hóa – Xã hội nêu vấn đề chất vấn

Trong phần chất vấn và trả lời chất vấn, về nhóm vấn đề tình hình chuyển đổi nước ngầm sang nước mặt, lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, sở đã rà soát, tham mưu và UBND tỉnh ban hành Công văn số 94 ngày 11/9/2023 về tiếp tục thực hiện chuyển đổi nguồn nước theo kế hoạch của UBND tỉnh, đồng thời có hướng giải quyết cho các trường hợp đặc biệt.

Căn cứ 2 tiêu chí cơ bản là chủ đầu tư nhà máy cấp nước phải sử dụng nước mặt và cấp nước đủ số lượng, chất lượng cho người dân sử dụng, với 3 hình thức cơ bản: Chủ đầu tư Trạm cấp nước sử dụng nước dưới đất có đủ năng lực thực hiện chuyển đổi qua đầu tư Nhà máy nước mặt thay thế hoặc thỏa thuận đấu nối nước sạch đồng hồ tổng từ đơn vị cấp nước xung quanh sử dụng nguồn nước mặt; trường hợp không đủ năng lực thì phải chuyển giao Trạm cấp nước dưới đất cho đơn vị khác có năng lực đầu tư nhà máy cấp nước mặt.

         
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hồ Thanh Phương giải trình các vấn đề đại biểu chất vấn

Đối với những trường hợp không đảm bảo khả năng chuyển đổi khai thác nước dưới đất sang nước mặt đến hết năm 2023 theo lộ trình, UBND các huyện, thành phố rà soát, tổng hợp, đánh giá nguyên nhân chủ quan, khách quan đối với từng trường hợp cụ thể… làm cơ sở trình UBND tỉnh xem xét, cho ý kiến.

Về kết quả thực hiện cung cấp nước sạch nông thôn so với chỉ tiêu đã đề ra tại nghị quyết của HĐND tỉnh, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phước Thiện, năm 2021, tỉnh đề ra là tỷ lệ hộ dân cư nông thôn sử dụng nước sạch đạt 86%, kết quả đạt 86,36%; năm 2022, đề ra tỷ lệ 88%, kết quả đạt 88,97%; năm 2023, đề ra tỷ lệ 94%, kết quả rà soát đến 6 tháng đầu năm 2023 đạt 90,27%, ước thực hiện cả năm đạt 94%.

Năm 2024, đề ra tỷ lệ đạt 96,2%; năm 2025, đề ra tỷ lệ đạt 98,1%. Để đảm bảo thực hiện chỉ tiêu nước sạch đến năm 2025, UBND tỉnh ban hành kế hoạch để thực hiện các mục tiêu. Trong đó, đảm bảo công tác cung cấp nước sạch từ nguồn nước mặt đạt chất lượng, lưu lượng và cột áp để đảm bảo sức khỏe của người dân, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; bảo vệ nguồn nước ngầm, chuyển nước ngầm thành nguồn nước dự trữ và hạn chế hiện tượng sụt lún nền đất do khai thác nước ngầm quá mức.


Ông Nguyễn Phước Thiện – Phó Chủ tịch UBND tỉnh thông tin làm rõ thêm các vấn đề đại biểu chất vấn

Cùng với đó, cung cấp nước sạch không phân biệt khu vực đô thị và nông thôn, không phụ thuộc vào địa giới hành chính; phấn đấu toàn tỉnh luôn được sử dụng nước sạch đạt chuẩn chất lượng theo quy định. Đồng thời, hướng đến giám sát chất lượng nước một cách liên tục và công khai kết quả giám sát chất lượng nước; khuyến khích áp dụng các công nghệ xử lý nước hiện đại, đáp ứng chất lượng nước theo quy định và tiết kiệm diện tích đất; khuyến khích xã hội hóa đầu tư, phát triển cấp nước và quản lý hoạt động cấp nước.

Đối với nhóm vấn đề chất vấn về giá nước sạch sinh hoạt ở nông thôn, các mức tính giá nước sạch có đảm bảo sự công bằng giữa các nhà đầu tư, hài hoà giữa lợi ích của nhà đầu tư và quyền lợi của người dân tiêu dùng, theo lãnh đạo các sở, ngành có liên quan, hiện chưa có sự đồng bộ về giá nước sạch sinh hoạt giữa nông thôn và thành thị trên địa bàn tỉnh.


Lãnh đạo các sở, ngành tham gia giải trình thêm các vấn đề liên quan chủ đề phiên chất vấn

Thực hiện chủ trương chuyển đổi từ nước ngầm sang nước mặt của tỉnh, hiện nay, Dowasen đã mua lại một số trạm nước ngầm ở khu vực nông thôn, thực hiện cấp nước sâu vào khu vực nông thôn nên có sự chênh lệch giá tiêu thụ nước sạch do Dowasen cung cấp và đơn vị cấp nước nông thôn.

Để khắc phục sự chênh lệch này, thời gian tới, UBND tỉnh giao Sở Tài chính phối hợp các ngành chức năng yêu cầu Dowasen lập phương án giá để tính toán lại mức giá tại khu vực nông thôn cho phù hợp, đồng nhất với các đơn vị cấp nước khác, dự kiến điều chỉnh trong năm 2024.

Thực hiện chính sách tiếp cận vốn đầu tư hệ thống cấp nước theo Nghị quyết số 380 ngày 8/12/2020 của HĐND tỉnh, các cơ chế về chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư cấp nước sạch nông thôn trên địa bàn tỉnh được phổ biến rộng rãi và áp dụng triển khai thực hiện tốt. Các dự án cấp nước đều được ưu tiên ưu đãi về thuế, tiền thuê đất và được Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh hỗ trợ cho vay (hiện nay Quỹ đã hỗ trợ cho vay 15 dự án, với số tiền khoảng 50 tỷ đồng).


Bà Nguyễn Thị Kim Tuyến - Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh kết luận tại phiên chất vấn

Phát biểu kết luận tại phiên chất vấn, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Kim Tuyến đề nghị UBND tỉnh sớm rà soát lại kế hoạch, lộ trình chuyển đổi nguồn nước dưới đất qua nước mặt đối với các trạm cấp nước, nhà máy cấp nước để tính toán lại lộ trình cho kế hoạch mới trong thời gian tới; khắc phục vấn đề chậm xã hội hóa đầu tư nước sạch nông thôn. Bên cạnh đó, các ngành cần tập trung quan tâm nhiều hơn nữa đến chất lượng nguồn nước để đảm bảo, nâng cao chất lượng nước sinh hoạt cho Nhân dân; về giá nước, cần có sự phù hợp quyền lợi giữa nhà đầu tư và người dân.

THANH TRÚC

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn