Quốc hội bất bình vì tham nhũng

Cập nhật ngày: 27/10/2012 04:28:07

Chiều 26/10, Quốc hội thảo luận ở tổ về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; về công tác của Viện trưởng Viện KSND tối cao, Chánh án TAND tối cao; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2012. Đa phần đại biểu (ĐB) Quốc hội bức xúc với công tác PCTN hiện nay; nhiều ý kiến nhấn mạnh phải hết sức cảnh giác tội phạm kinh tế, nhất là tội phạm ngân hàng.


Các đại biểu thảo luận bên lề kỳ họp

Vì sao tội phạm gia tăng?

Các ĐB Quốc hội nhận định, năm 2012 do kinh tế khó khăn nên tội phạm gia tăng, đặc biệt là tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng phát triển, tội phạm công nghệ cao lừa đảo, gây rối trật tự an ninh. Tình hình tội phạm ngày càng trẻ hóa tiếp tục đáng báo động. Hàng loạt vụ tham nhũng tiêu cực ở tổng công ty, tập đoàn nhà nước rất nghiêm trọng, gây giảm sút lòng tin của nhân dân. “Tỷ lệ tăng của tội phạm còn nhanh hơn tỷ lệ tăng dân số. Do đâu? Do công tác phòng ngừa chưa tốt. Bộ ngành chỉ chạy theo chỉ tiêu kinh tế, ít coi trọng phòng ngừa tội phạm, coi đó là việc của công an, còn công an lại chạy theo giải quyết vụ việc, vụ án” - ĐB Đỗ Văn Đương (TPHCM) bức xúc.

ĐB Đương cho rằng, cần phải dự báo, tăng cường công tác phòng ngừa theo hướng thành lập trung tâm phòng ngừa tội phạm quốc gia. “Các bộ ngành phải có báo cáo về tình hình tội phạm trong ngành mình để Chính phủ có bức tranh toàn cảnh, từ đó hoạch định chính sách phòng chống tội phạm hiệu quả” - ĐB Đương đề xuất. Đa số các ý kiến cũng cho rằng để phòng chống tội phạm hiệu quả, giải pháp quan trọng nhất là tăng cường công tác phòng ngừa tội phạm.


Đại biểu Đỗ Văn Đương (TPHCM)

Riêng về công tác PCTN, đây là lĩnh vực mà các ĐB thể hiện bức xúc nhiều nhất. Nhiều ĐB cho rằng, báo cáo về kết quả PCTN năm 2012 của Chính phủ chưa đúng như thực tế diễn ra. Số vụ án tham nhũng nhiều nhưng phát hiện, xử lý còn ít. ĐB Đỗ Văn Đương cho rằng có hiện tượng hành chính hóa, nội bộ hóa để giảm án tham nhũng. “Số vụ án tham nhũng nhiều nhưng khởi tố kiểu đầu voi đuôi chuột. Thất thoát nhiều nhưng khi kết luận lại không có tham ô. Thu hồi tài sản chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng rất thấp, chỉ vài phần trăm, vậy đi đâu hết? Nếu chỉ phát hiện, xử tù mấy năm rồi tha thì không răn đe được tham nhũng. Phải tăng cường thu hồi tài sản tham nhũng”.

Các ĐB cũng cho rằng, còn rất nhiều sơ hở trong quản lý nhà nước khiến tham nhũng vẫn tiếp tục gia tăng. Các cơ quan chuyên trách PCTN tuy được kiện toàn nhưng rất nhiều địa phương không phát hiện được vụ tham nhũng nào, có chăng phát hiện chỉ đến cấp xã, huyện với những vụ vụn vặt vài ba triệu đồng; còn dạng tham nhũng thông qua việc ra các quyết định, chính sách trái luật để đối tượng khác lợi dụng, trục lợi thì chưa làm rõ được bao nhiêu. Nhiều ĐB cho rằng, báo cáo về PCTN của Chính phủ chưa chỉ ra đúng những nguyên nhân dẫn đến tội phạm tham nhũng để giải quyết đột phá trong các năm tới. Theo ĐB Lê Đông Phong (TPHCM), nếu chưa phân tích đầy đủ về các nguyên nhân tham nhũng sẽ không chỉ rõ được trách nhiệm cũng như giải pháp khắc phục.

Cần một nghị quyết riêng về xử lý tội phạm kinh tế

ĐB Lê Đông Phong phát biểu, hiện nay đang phát sinh nhiều loại tội phạm kinh tế, trong đó có tội phạm ngân hàng. “Tôi cho nguyên nhân chính là từ quá trình điều hành, quản lý nhà nước. Ví dụ, vụ Nguyễn Đức Kiên, là hành vi tội phạm kéo dài, khác với các loại tội phạm xã hội bộc phát khác. Tội phạm kinh tế thường kéo dài, đến khi phát hiện gây hậu quả thì mới có cơ sở để định tội. Cần phân tích, mổ xẻ một cách sâu sắc hơn loại tội phạm này” - ĐB Phong đề nghị. Theo ông, nhiều loại tội phạm khác cũng xuất phát từ đây như tham nhũng, sai phạm thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng... Trong quá trình tái cơ cấu, có rất nhiều cơ hội để tội phạm kinh tế nảy sinh, đề nghị phải hết sức chú ý.

ĐB Huỳnh Ngọc Ánh (TPHCM) nói, công tác phòng ngừa tội phạm, trong đó có tội phạm về kinh tế là có vấn đề. “Tại sao số vụ án về kinh tế được phát hiện ít ỏi thế, trong khi thực tế diễn ra rất nhiều: buôn gian bán lận, hàng giả, hàng nhái... Nếu không nhận định đúng tình hình rất khó chuyển biến. Tội phạm ngân hàng chẳng hạn, tại sao có cả hệ thống an ninh ngân hàng mà không phát hiện ra. Hay phát hiện mà không xử lý? Tại sao Vinashin mua một cái ụ nổi nhiều tiền thế mà cảnh sát kinh tế không phát hiện ra?” - ĐB Ánh bức xúc.

Các giải pháp phòng ngừa tội phạm, PCTN mà Chính phủ đưa ra theo ông Ánh cũng giống như các năm. Vì vậy, phải có giải pháp để giám sát, xử lý loại tội phạm về kinh tế, về ngân hàng. Khi có hiện tượng nổi lên thì cơ quan chức năng phải vào cuộc, không nên để như hiện nay, gần như người dân phải tự điều chỉnh với nhau. ĐB Ánh đề nghị phải có một nghị quyết riêng về xử lý tội phạm kinh tế, đừng để đến khi xảy ra các vụ án như Vinashin, Vinalines thì mới lo giải quyết hậu quả.

ĐB Võ Kim Cự (đoàn Hà Tĩnh) cho rằng, hiện số lượng được hưởng án treo còn lớn, do đó cần xem xét lại tiêu chí để cho hưởng án treo để đảm bảo tính chất răn đe. Cùng chung ý kiến, ĐB Phạm Trường Dân (Quảng Nam) nói một trong những nguyên nhân của tình hình tội phạm nhiều là do xử lý tội phạm còn quá nhẹ, án treo nhiều. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền chưa được sâu rộng, trong xã hội còn tồn tại nhiều hành vi, hành động thể hiện sự coi thường kỷ cương phép nước. Đây là vấn đề cần sớm được xem xét để ngăn ngừa tình trạng tội phạm ngày càng gia tăng.

ĐH (Theo Thảo-Giang-SGGPO)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn