Quốc hội bầu Phó Chủ tịch nước, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao
Cập nhật ngày: 26/07/2021 20:10:15
Trong phiên làm việc chiều 26/7, Quốc hội khóa XV đã bầu đồng chí Võ Thị Ánh Xuân giữ chức Phó Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021-2026; bầu đồng chí Nguyễn Hòa Bình giữ chức Chánh án Tòa án nhân dân (TAND) tối cao nhiệm kỳ 2021-20216; bầu đồng chí Lê Minh Trí giữ chức Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) tối cao nhiệm kỳ 2021-2026.
Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân và Viện trưởng Viện KSND tối cao Lê Minh Trí (Từ trái sang).
Sau khi nghe Báo cáo kết quả thảo luận tại Đoàn, nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội về dự kiến nhân sự để bầu Phó Chủ tịch nước, Chánh án TAND tối cao và Viện trưởng Viện KSND tối cao, Quốc hội đã thảo luận, biểu quyết thông qua danh sách để bầu Phó Chủ tịch nước, Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng Viện KSND tối cao bằng hệ thống biểu quyết điện tử; bầu Phó Chủ tịch nước, Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng Viện KSND tối cao bằng hình thức bỏ phiếu kín.
Sau khi Ban kiểm phiếu công bố kết quả kiểm phiếu, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường đã trình bày các dự thảo Nghị quyết bầu Phó Chủ tịch nước, Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng Viện KSND tối cao.
Với kết quả 483/483 đại biểu có mặt tán thành (bằng 100% đại biểu có mặt và bằng 96,79% tổng số đại biểu), Quốc hội đã thông qua Nghị quyết bầu đồng chí Võ Thị Ánh Xuân, Ủy viên Trung ương Đảng khóa XIII, Phó Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2016-2021, giữ chức Phó Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2021-2026.
Đồng thời, bầu đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng khóa XIII, Chánh án TAND tối cao nhiệm kỳ 2016-2021, đại biểu Quốc hội khóa XV, giữ chức Chánh án TAND tối cao nhiệm kỳ 2021-2026 với 480/480 đại biểu có mặt tán thành (bằng 100% đại biểu có mặt tán thành va bằng 96,19% tổng số đại biểu); bầu đồng chí Lê Minh Trí, Ủy viên Trung ương Đảng khóa XIII, Viện trưởng Viện trưởng Viện KSND tối cao nhiệm kỳ 2016-2021, đại biểu Quốc khóa XV, giữ chức Viện trưởng Viện KSND tối cao nhiệm kỳ 2021-2026 với 480/480 đại biểu có mặt tán thành (bằng 100% đại biểu có mặt tán thành và bằng 96,19% tổng số đại biểu).
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các Phó Chủ tịch Quốc hội cùng với các đồng chí vừa được bầu giữ chức Phó Chủ tịch nước, Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao
Đồng chí Nguyễn Hòa Bình đã thực hiện nghi lễ tuyên thệ nhậm chức. “Dưới cờ đỏ sao vàng thiêng liêng của Tổ quốc, trước Quốc hội và đồng bào cử tri cả nước, tôi, Chánh án TAND tối cao nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tuyên thệ: Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó”, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình trang trọng tuyên thệ.
Thay mặt Quốc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ghi nhận lời tuyên thệ của Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình; gửi tới Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình bó hoa tươi thắm và lời chúc mừng tốt đẹp nhất. Tiếp theo đó, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình đã có bài phát biểu nhậm chức trước Quốc hội.
Trong bài phát biểu, đồng chí Nguyễn Hòa Bình nêu rõ: Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng, sự giám sát chặt chẽ của Quốc hội, sự phối hợp của Chính phủ, sự ủng hộ của nhân dân, hệ thống TAND đã đề cao trách nhiệm, không ngừng đổi mới, triển khai nhiều giải pháp đột phá, hoàn thành tốt nhiệm vụ Hiến pháp giao phó.
Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình phát biểu nhậm chức
Trên cương vị người đứng đầu cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp của Nhà nước, đồng chí Nguyễn Hòa Bình khẳng định sẽ khắc ghi lời tuyên thệ trước Quốc hội, không ngừng rèn luyện, nêu gương, cùng tập thể lãnh đạo và Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao phát huy truyền thống, đoàn kết một lòng, tận tâm, tận lực phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; tuân thủ sự lãnh đạo của Đảng, nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp, pháp luật, thực hiện đầy đủ các nguyên tắc tư pháp tiên tiến.
Đồng thời, khắc phục các hạn chế, thiếu sót, xây dựng TAND trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp, đẩy mạnh hơn nữa công tác cải cách tư pháp với nhiều giải pháp đổi mới, sáng tạo để nền tư pháp nước nhà ngày càng phát triển, người dân được thụ hưởng công bằng, cảm nhận được lẽ phải, sự nghiêm minh, nhân văn trong mỗi phán quyết về tư pháp.
Theo LINH PHAN, Ảnh: DUY LINH (NDĐT)