Quốc hội thảo luận Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi):
Tăng vị thế, tính độc lập và chuyên trách của lực lượng PCTN

Cập nhật ngày: 03/11/2012 05:36:12

Chiều 2/11, thảo luận tại tổ về dự án Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi), các ĐBQH đều nhấn mạnh sự cần thiết sửa đổi luật để phù hợp với yêu cầu thực tiễn khi tình trạng tham nhũng ngày càng diễn biến phức tạp.


Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) phát biểu thảo luận tại tổ

Theo tờ trình của Chính phủ, mô hình của Ban chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng (PCTN) với 3 phương án sau khi xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã được Chính phủ thống nhất không đề cập đến trong luật. Quy định Thủ tướng là Trưởng ban chỉ đạo PCTN trung ương cũng đã được bỏ. Tuy nhiên, theo nhiều ĐBQH, trước tình hình hiện nay cần phải có một cơ quan có tính độc lập cao chuyên trách về PCTN.

ĐB Đỗ Văn Đương (TPHCM) cho rằng nên giao cho Viện Kiểm sát thành lập cơ quan điều tra chống tham nhũng giống như mô hình Viện Công tố khá thành công ở một số nước. Bên cạnh đó, để tăng vị thế của cơ quan này, theo ông Đương, người đứng đầu nên là một ủy viên Bộ Chính trị. Có như vậy mới phát huy được hiệu quả trong công tác đấu tranh PCTN.

ĐB Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của QH; ĐB Đỗ Kim Tuyến (Hà Nội), Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (Bộ Công an) cũng đề nghị thành lập Ủy ban độc lập về PCTN trực thuộc QH. Đây cũng là quan điểm của ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) với lập luận rằng: “Rất vô lý khi ở cấp nào cũng có cơ quan PCTN, trong khi QH là cơ quan quyền lực cao nhất lại không có thiết chế này!”.

Kê khai tài sản: không làm hình thức

Một vấn đề quan trọng khác được nhiều ĐBQH là việc sửa đổi, bổ sung quy định về việc công khai kết quả kê khai tài sản, thu nhập ở nơi công tác và nơi cư trú; từng bước mở rộng diện kê khai và phạm vi công khai việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức... Theo ĐB Lê Đông Phong (TPHCM), việc mở rộng diện kê khai tài sản là cần thiết vì trên thực tế bất cứ vị trí nào trong xã hội cũng có thể phát sinh hành vi tham nhũng.

Tuy nhiên, những bản kê khai đó được công khai tới đâu thì cần tính toán thêm, bởi “nếu làm quá tả, bản kê khai tài sản cá nhân lại đi dán khắp nơi thì có thể phát sinh ra những tiêu cực khác”. ĐB Đỗ Văn Đương cũng cảnh báo rằng dù thế nào khi làm luật cũng phải tôn trọng quyền con người: “Quy định không khéo sẽ dẫn đến phức tạp tình hình, kê khai tài sản mà đưa lên mạng là không được”.

Trong khi đó, ĐB Đặng Thuần Phong (Bến Tre) lại lo ngại mở rộng diện kê khai đến tất cả CBCC là đảng viên sẽ dẫn đến hình thức. Theo ông, vấn đề là phải xác minh được mức độ trung thực khi kê khai, phải ban hành được đề án quản lý thu nhập của cán bộ có chức vụ, quyền hạn, tiến tới xóa bỏ cơ chế tiền mặt, phong bì. Từ thực tế tiếp xúc cử tri, ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) nói, dân rất băn khoăn, nhiều đồng chí lãnh đạo rất giàu, nhưng khi kê khai thì tài sản chẳng có gì, chứng tỏ việc kê khai tài sản còn hình thức. Thực tế, việc kê khai này không có tác dụng lớn đối với PCTN.

Theo một số ĐB, vấn đề đặt ra là nghĩa vụ giải trình tài sản chưa được làm rõ. Người giải trình là ai, đối tượng giải trình, quy trình giải trình như thế nào... đều chưa được quy định cụ thể. Cán bộ lương chỉ 10 triệu đồng/tháng nhưng thường xuyên đi chơi golf, spa... thì có phải giải trình không? “Bạn tôi nhiều người giàu lắm, cho con đi du học, sống xa hoa, trong khi lương họ cũng như tôi. Vậy họ có phải giải trình không? Dân hỏi quan chức lấy ở đâu ra mà lắm tiền thế. Kể cả nhiều doanh nghiệp, dân họ nghi ngờ làm giàu bất chính, vậy có phải giải trình không?” - ĐB Bùi Thị An đặt vấn đề.

Bảo vệ người tố cáo tham nhũng và nguồn tin báo chí

Theo ĐB Bùi Thị An (Hà Nội), đại đa số vụ việc phát hiện tham nhũng là do báo chí, người dân, còn lại các cơ quan đoàn thể, cấp ủy phát hiện rất ít: “Vậy người phát hiện tham nhũng phải được bảo vệ thế nào, vì hiện nay cơ chế này chưa rõ ràng khiến người dân e ngại. Thực tế, chỉ khi tin cán bộ người dân mới nói ra sự phát hiện của mình vì họ cho rằng cách tiếp nhận thông tin hiện nay chưa minh bạch. Cơ chế bảo vệ người tố cáo tham nhũng cần rõ ràng hơn”. Bà An cũng thể hiện nỗi lo về cái gọi là “thế giới ngầm”, bởi “thế giới ngầm hiện có trong tất cả các lĩnh vực từ buôn lậu, tiền tệ, khai thác khoáng sản, chạy chức chạy quyền, vì thế chứng cứ để chống tham nhũng là rất khó khăn. Nếu không xóa được thế giới ngầm thì không thể chống tham nhũng được”.

Một vấn đề quan trọng khác được nhiều ĐBQH quan tâm là vai trò, trách nhiệm của báo chí trong PCTN. Theo dự thảo ban đầu, “cơ quan báo chí, phóng viên đưa tin về hành vi tham nhũng có trách nhiệm cung cấp thông tin, tài liệu theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền để phục vụ cho việc xác minh, làm rõ hành vi tham nhũng”.

Tuy nhiên, quy định này gây ra nhiều phản ứng vì cho rằng như vậy sẽ “trói tay” báo chí. Vì thế, tại dự thảo trình QH, quy định này được sửa thành: “Cơ quan báo chí, phóng viên đưa tin về hành vi tham nhũng có trách nhiệm cung cấp nội dung thông tin, tài liệu theo yêu cầu của Viện trưởng Viện KSND hoặc Chánh án TAND cấp tỉnh và tương đương trở lên để phục vụ cho việc xác minh, làm rõ hành vi tham nhũng”.

Theo ĐB Trương Trọng Nghĩa, quy định như vậy là một “bước lùi”, bởi theo luật cũ báo chí chỉ phải cung cấp nguồn tin để phục vụ điều tra xét xử tội phạm nghiêm trọng chứ không phải là trong mọi trường hợp. Hơn nữa, nếu quy định như dự luật sẽ xung đột với Điều 7 Luật Báo chí hiện hành: “Báo chí có quyền và nghĩa vụ không tiết lộ tên người cung cấp thông tin nếu có hại cho người đó, trừ trường hợp có yêu cầu của Viện trưởng Viện KSND hoặc Chánh án TAND cấp tỉnh và tương đương trở lên cần thiết cho việc điều tra, xét xử tội phạm nghiêm trọng”. Chính vì thế, ông Nghĩa cho rằng quy định này cần giữ nguyên như luật hiện hành là báo chí chỉ cung cấp nguồn tin để phục vụ điều tra xét xử tội phạm nghiêm trọng: “Bảo vệ nguồn tin là yếu tố cực kỳ quan trọng để báo chí phát huy vai trò tích cực của mình trong PCTN”.

ĐH (Theo SGGPO)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn