Quốc hội thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi): Cho phép Hà Nội cắt điện, nước với công trình vi phạm

Cập nhật ngày: 28/06/2024 12:13:38

Sáng 28/6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi) với 462 đại biểu biểu quyết tán thành (chiếm 95,06%).


Quốc hội thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi)

Về tổ chức chính quyền ở Hà Nội, Luật đã bảo đảm tổ chức chính quyền Thủ đô theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Cụ thể, Luật quy định chính quyền địa phương ở TP Hà Nội, huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc thành phố, xã, thị trấn là cấp chính quyền địa phương gồm HĐND và UBND; chính quyền địa phương ở phường tại Hà Nội là UBND phường. Như vậy, Luật đã luật hóa quy định không tổ chức HĐND cấp phường được quy định trong Nghị quyết số 97/2019/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội.

Đối với biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, thành phố quy định mức tiền phạt cao hơn nhưng không quá 2 lần mức tiền phạt chung do Chính phủ quy định và không vượt quá mức phạt tối đa theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính đối với một số hành vi vi phạm hành chính tương ứng trong một số lĩnh vực. Trong trường hợp thật cần thiết để bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn TP Hà Nội, Chủ tịch UBND các cấp được áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước đối với một số công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh.

Bao gồm: công trình xây dựng sai quy hoạch, công trình xây dựng không có giấy phép xây dựng đối với công trình theo quy định phải có giấy phép hoặc xây dựng sai với nội dung quy định trong giấy phép xây dựng; công trình xây dựng sai với thiết kế xây dựng được phê duyệt đối với trường hợp được miễn giấy phép xây dựng.

Công trình xây dựng trên đất bị lấn, chiếm theo quy định của pháp luật về đất đai. Công trình xây dựng thuộc diện phải thẩm duyệt về thiết kế phòng cháy, chữa cháy mà tổ chức thi công khi chưa có giấy chứng nhận hoặc văn bản thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy, chữa cháy.


Quốc hội sáng 28/6

Công trình thi công không đúng theo thiết kế về phòng cháy, chữa cháy đã được thẩm duyệt. Công trình xây dựng, cơ sở sản xuất kinh doanh chưa được nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy đã đưa vào hoạt động.

Cơ sở kinh doanh dịch vụ vũ trường, kinh doanh dịch vụ karaoke không bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy, chữa cháy. Công trình phải phá dỡ đã có quyết định di dời khẩn cấp.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cho biết, về cải tạo, chỉnh trang đô thị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho rà soát các trường hợp cần thực hiện dự án cải tạo, chỉnh trang đô thị để bảo đảm không trùng lặp; bỏ quy định giao UBND thành phố tổ chức bán nhà ở cũ; giao HĐND quy định chi tiết điều kiện, trình tự, thủ tục thực hiện dự án cải tạo, chỉnh trang đô thị trên địa bàn thành phố.


Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)

Về thử nghiệm có kiểm soát, dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý theo hướng: không cho phép thử nghiệm trong lĩnh vực ảnh hưởng trực tiếp đến quốc phòng, an ninh quốc gia, lĩnh vực về biến đổi, chỉnh sửa gene người; đưa ra nguyên tắc giới hạn các nhóm quy định của pháp luật mà tổ chức, doanh nghiệp thực hiện thử nghiệm có kiểm soát có thể được phép không áp dụng.

Trên cơ sở đó, HĐND thành phố sẽ quyết định phạm vi không áp dụng các quy định của pháp luật phù hợp với từng dự án cụ thể cũng như yêu cầu, mục đích thử nghiệm; quy định cụ thể hơn việc miễn trách nhiệm dân sự đối với thiệt hại gây ra cho Nhà nước, loại trừ trách nhiệm hành chính, trách nhiệm hình sự đối với tổ chức, doanh nghiệp thử nghiệm, cá nhân thực hiện thử nghiệm trong trường hợp đã tuân thủ đúng và đầy đủ nội dung quy định và hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền.

Theo PHAN THẢO (SGGP)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn