Quốc hội thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm

Cập nhật ngày: 28/07/2021 06:13:45

Với tỷ lệ cao các đại biểu tán thành, Quốc hội chính thức thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025.


Ảnh: QUANG HOÀNG

Vào cuối phiên họp chiều 27/7, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025 bằng hệ thống điện tử.

Kết quả có 475/477 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, bằng 95,19%  đại biểu Quốc hội. Như vậy, Quốc hội đã chính thức thông qua Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025.


Kết quả biểu quyết qua màn hình điện tử

Tại Nghị quyết các chỉ tiêu chủ yếu về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025 được đưa ra như sau:

Các chỉ tiêu về kinh tế: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân 5 năm khoảng 6,5 - 7%; GDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt khoảng 4.700 - 5.000 USD; Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt trên 25%; kinh tế số đạt khoảng 20% GDP; Đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng đạt khoảng 45%; Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân trên 6,5%/năm; Tỷ lệ đô thị hóa khoảng 45%; Tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 bình quân 3,7% GDP.

Các chỉ tiêu về xã hội: Tuổi thọ trung bình khoảng 74,5 tuổi, trong đó thời gian sống khoẻ mạnh đạt tối thiểu 67 năm; Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội khoảng 25%; Tỷ lệ lao động qua đào tạo là 70%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt 28 - 30%; Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều) duy trì mức giảm 1 - 1,5%/năm; Có 10 bác sĩ và 30 giường bệnh trên 1 vạn dân; Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 95% dân số; Tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới tối thiểu 80%, trong đó có 10% đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Các chỉ tiêu về môi trường: Tỷ lệ sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh của dân cư thành thị là 95 - 100% và nông thôn là 93 - 95%; Tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 90%; Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 92%; Tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý đạt 100%; Tỷ lệ che phủ rừng không thấp hơn mức 42%.

Tại Nghị quyết cũng đề ra 12 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.

Trước đó, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua mục 1, mục 2 của dự thảo Nghị quyết về mục tiêu tổng quát và các chỉ tiêu chủ yếu; kết quả có 471/477 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (bằng 94.39% tổng số đại biểu Quốc hội).

Quốc hội biểu quyết thông qua mục 3.5 của Dự thảo Nghị quyết về đẩy mạnh xây dựng phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại trong nhóm các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu. Kết quả: 471/472 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (bằng 94.39% đại biểu Quốc hội).

Mục 3.5 đề cập một trong những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm, với nội dung: Đến năm 2025, cơ bản hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông; giai đoạn 1 Cảng hàng không quốc tế Long Thành; đối với một số tuyến đường ven biển cấp thiết từ Quảng Ninh đến Kiên Giang, Chính phủ rà soát, tính toán kỹ việc bố trí vốn đầu tư, có giải pháp phù hợp để bảo đảm tính khả thi và hiệu quả đầu tư. Tiếp tục xây dựng các cảng biển quan trọng theo quy hoạch; sớm đưa các tuyến đường sắt đô thị vào hoạt động; trình cấp có thẩm quyền chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao; tăng cường kết nối giữa các đô thị trong nước và khu vực; đầu tư kết cấu hạ tầng liên kết giữa vùng trung du và miền núi phía Bắc với vùng đồng bằng sông Hồng và Thủ đô Hà Nội; đầu tư, nâng cấp các tuyến giao thông kết nối các tỉnh Tây Nguyên với vùng Đông Nam Bộ, các tỉnh ven biển Nam Trung Bộ, phát triển hạ tầng giao thông kết nối vùng đồng bằng sông Cửu Long với vùng Đông Nam Bộ và Thành phố Hồ Chí Minh. Đẩy mạnh triển khai các dự án theo phương thức đối tác công tư, trước hết là các dự án theo hình thức xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT) để phát triển hạ tầng chiến lược trên nguyên tắc hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người dân. Nâng cấp và hiện đại hoá kết cấu hạ tầng chiến lược, hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tại vùng đồng bằng sông Cửu Long, Duyên hải miền Trung - Tây Nguyên. Xây dựng các công trình thủy lợi, hồ chứa nước trọng yếu ở vùng Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và đồng bằng sông Cửu Long; Quan tâm đầu tư thúc đẩy phát triển hạ tầng năng lượng, hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông; Bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, khuyến khích phát triển lưới điện thông minh, năng lượng tái tạo và sự tham gia mạnh mẽ của khu vực kinh tế ngoài nhà nước. Phấn đấu tỷ lệ tiêu hao năng lượng tính trên GDP bình quân giảm 1-1,5%/năm.

Theo LÊ HÀ - TRỊNH DŨNG (NDĐT)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn