Quyết tâm thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công đạt kết quả cao

Cập nhật ngày: 09/02/2023 16:18:01

ĐTO - Giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nội dung quan trọng trong triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội luôn được lãnh đạo tỉnh, các ngành, địa phương,... đặc biệt quan tâm. Tỉnh đã và đang triển khai, thực hiện hiệu quả các chỉ đạo của Trung ương về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài ngay từ các tháng đầu năm; hoàn chỉnh hồ sơ thủ tục phê duyệt các dự án (DA) giai đoạn trung hạn 2021-2025... để kết quả giải ngân vốn đầu tư công tiếp tục được phát huy.


Dự án nâng cấp đường Phạm Hữu Lầu (TP Cao Lãnh)

Tổng số kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 của tỉnh là 6.032,873 tỷ đồng (kể cả vốn năm 2021 kéo dài chuyển sang): vốn được thông báo từ đầu năm 2022 là 5.906,547 tỷ đồng (kể cả 48,3 tỷ đồng vốn vay lại); nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ Chương trình mục tiêu Quốc gia (được thông báo từ giữa năm 2022) là 126,326 tỷ đồng. Theo báo cáo nhanh của Kho bạc Nhà nước Đồng Tháp và các chủ đầu tư, cả năm giải ngân đạt 5.374,662 tỷ đồng/6.032,873 tỷ đồng, đạt 89,09% so với kế hoạch tỉnh giao, cao hơn cùng kỳ năm 2021 là 12,53%. Năm 2022 có tỷ lệ giải ngân cao nhất từ năm 2016 - 2021. Đồng thời, giải ngân đạt 90,62% so với kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ giao.

Nguyên nhân chủ yếu giải ngân chưa đạt kết quả đề ra là các DA sử dụng vốn ODA giải ngân rất thấp làm ảnh hưởng đến tỷ lệ giải ngân chung của tỉnh (số vốn ODA không giải ngân hết là 352,804 tỷ đồng, chiếm 5,85% tổng vốn năm 2022 của tỉnh), do quy trình thực hiện DA sử dụng vốn nước ngoài mất nhiều thời gian và chủ đầu tư chưa chủ động được trong việc triển khai thực hiện, do phải chờ ý kiến của Trung ương và nhà tài trợ trước khi triển khai các bước tiếp theo. Công tác giải phóng mặt bằng (gồm: khảo sát đo đạc, xử lý bản đồ địa chính, thông báo thu hồi đất, trình phê duyệt phương án giá đất, hội đồng thẩm định giá đất... mất khoảng 224 ngày) chiếm rất nhiều thời gian và đang tiếp tục là điểm nghẽn lớn nhất ảnh hưởng đến tỷ lệ giải ngân của tỉnh trong việc thúc đẩy tiến độ triển khai thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn của các DA. Mặt khác, một số địa phương được giao nhiệm vụ giải phóng mặt bằng phối hợp chưa chặt chẽ với các sở, ban, ngành tỉnh làm phát sinh khiếu nại, kéo dài thời gian, ảnh hưởng lớn đến tiến độ chung của DA, đồng thời chưa chủ động đăng ký kế hoạch vốn giải phóng mặt bằng ngay từ đầu năm. Khâu tổ chức thực hiện của một số chủ đầu tư còn thiếu sự quyết liệt, chưa sát sao, chưa chủ động trong việc kiểm tra, kiểm soát để thúc đẩy, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hoặc báo cáo cấp thẩm quyền xem xét, giải quyết.

Tổng số kế hoạch đầu tư công năm 2023 của tỉnh là 5.978,971 tỷ đồng cao hơn 334,096 tỷ đồng so với Thủ tướng Chính phủ giao. Đến nay, đã phân bổ chi tiết 5.100,800 tỷ đồng, đạt 85,31% so với kế hoạch; số vốn còn lại đang rà soát phân bổ đợt 2 là 878,171 tỷ đồng (kể cả phần vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội chưa phân khai là 745 tỷ đồng), chiếm 14,69% (dự kiến trong quý I năm 2023, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ tham mưu UBND tỉnh xem xét, báo cáo HĐND tỉnh xem xét phân khai chi tiết cho các đơn vị liên quan).

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, những tháng đầu năm, các chủ đầu tư tập trung giải ngân nguồn kế hoạch vốn năm 2022 nên chưa kịp thời giải ngân nguồn kế hoạch vốn năm 2023. Đồng thời, một số DA khởi công mới cần phải thực hiện các thủ tục đầu tư (như: thiết kế bản vẽ thi công dự toán, kế hoạch lựa chọn nhà thầu, tổ chức lựa chọn nhà thầu...) nên chưa có khối lượng thực hiện để giải ngân. Một số DA thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia chuẩn bị thủ tục đầu tư chậm nên chưa kịp trình cấp có thẩm quyền thông qua danh mục chi tiết kế hoạch vốn năm 2023. DA thành phần 1 của DA xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu giai đoạn 1 thuộc Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội chưa được phê duyệt DA nên chưa đủ điều kiện giao vốn, dự kiến trong quý I năm 2023 sẽ phê duyệt DA.

Ông Trương Hòa Châu - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị, đối với các chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn năm 2022 đạt dưới 95%, tổ chức rút kinh nghiệm, làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan, trên cơ sở đó phải quyết liệt triển khai các giải pháp để cải thiện tình trạng giải ngân của đơn vị mình trong năm 2023.

Đối với các sở, ban, ngành tỉnh (là chủ đầu tư DA sử dụng vốn đầu tư công) và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, tập trung thực hiện phân bổ và giao chi tiết toàn bộ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2023 đã được cấp có thẩm quyền quyết định, khẩn trương nhập dự toán của các DA trên hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc (TABMIS); khẩn trương ban hành kế hoạch giải ngân và phân công cụ thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị trực tiếp phụ trách, chỉ đạo việc theo dõi tiến độ thực hiện, giải ngân; thường xuyên kiểm tra tiến độ tại thực địa, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với từng DA ngay từ đầu năm, nhất là các DA trọng điểm, công trình quan trọng kết nối, có tác động liên vùng, liên huyện, có ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời chủ động làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị thực hiện DA, nâng cao tính sẵn sàng, tính khả thi cho triển khai các DA, nhất là các DA khởi công mới có vướng đền bù, giải phóng mặt bằng) để khi DA được bố trí vốn sẽ giải ngân được.

T.N

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn