Sẽ giảm dần tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội, tiến tới tiệm cận tuổi nghỉ hưu
Cập nhật ngày: 23/11/2023 17:13:28
Về độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội, trước mắt Chính phủ đề xuất với Quốc hội giảm từ 80 xuống 75 tuổi và sẽ tiếp tục giảm dần, tiến tới tiệm cận tuổi nghỉ hưu.
Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu (Ảnh: THỦY NGUYÊN)
Trên đây là nội dung được Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đề cập khi phát biểu giải trình, làm rõ một số điều đại biểu Quốc hội nêu trong phiên thảo luận về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) sáng 23/11.
Điều chỉnh theo hướng người lao động có quyền rút bảo hiểm xã hội một lần
Bộ trưởng cho biết, về trợ cấp hưu trí xã hội, đây là vấn đề Chính phủ, Ban soạn thảo đã bám sát tinh thần Nghị quyết 28 để thảo luận, cân nhắc và trình với Quốc hội. Đây là tầng đầu tiên trong hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng theo định hướng Nghị quyết 28.
Trợ cấp hưu trí xã hội do ngân sách nhà nước bảo đảm cho người lao động ở các độ tuổi là người cao tuổi, không có lương hưu, không có bảo hiểm xã hội hằng tháng và để có chính sách huy động nguồn lực xã hội bổ sung cho các đối tượng này có mức lương hưu cao hơn.
Việc điều chỉnh giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội, trước mắt kỳ này Chính phủ đề xuất với Quốc hội giảm từ 80 xuống 75, với phương án sẽ tiếp tục giảm dần, tiến tới tiệm cận tuổi nghỉ hưu.
"Việc điều chỉnh sẽ tùy theo tình hình phát triển kinh tế-xã hội và khả năng ngân sách của Nhà nước; điều chỉnh thời điểm nào, mức nào sẽ do Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định", Bộ trưởng nói.
Về vấn đề bảo hiểm xã hội một lần, Bộ trưởng nhấn mạnh đây là vấn đề lớn, quan trọng, nhạy cảm, vừa có tính chất chính trị - xã hội nhưng cũng có tính chất chuyên môn rất cao. Do đó, Ban soạn thảo và Chính phủ sẽ tiếp tục cân nhắc thấu đáo, nghiên cứu, lấy thêm ý kiến của các đối tượng thụ hưởng và người sử dụng lao động.
Theo Bộ trưởng, vừa qua bên cạnh nguyên nhân chính rút bảo hiểm xã hội là khó khăn thì Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội đã tổng kết các nguyên nhân. Để đưa ra phương án bảo hiểm xã hội một lần cần hướng tới hai tới mục tiêu cơ bản.
Thứ nhất là đáp ứng được nhu cầu chính đáng của người tham gia bảo hiểm xã hội vẫn có quyền được rút bảo hiểm xã hội.
Thứ hai là phải phấn đấu để giữ chân người lao động trong hệ thống bảo đảm an sinh xã hội và chăm lo cho người dân khi về già có lương hưu, bảo đảm cuộc sống.
Bộ trưởng nêu rõ, hiện tại khó có thể đưa ra một phương án tối ưu, phương án chỉ có ưu điểm mà sẽ đi theo phương án tiếp tục đề xuất, hoặc chọn phương án nhiều ưu điểm hơn.
Qua thảo luận và ý kiến của người lao động, tổ chức lao động vừa qua góp ý, Bộ trưởng cho rằng việc điều chỉnh hưởng bảo hiểm xã hội sẽ tiếp tục được thực hiện theo hướng người lao động có quyền vấn đề này. Tuy nhiên, sẽ không phân biệt người đóng trước hay đóng sau sau khi luật có hiệu lực.
Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung phát biểu giải trình cuối phiên thảo luận (Ảnh: THỦY NGUYÊN)
Về mặt kỹ thuật, thời gian thực hiện đóng sẽ phù hợp với cách thức quản lý bảo hiểm xã hội hiện nay cũng như thông lệ quốc tế. Đó là ghi nhận theo thời gian và tiền lương làm căn cứ đóng, không phân biệt phần đóng của người lao động và người sử dụng lao động. Tất cả các nước đều theo hướng đó.
Mức đóng bảo hiểm xã hội hiện nay tương đối phù hợp
Về tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội, Bộ trưởng cho biết mức đóng bảo hiểm xã hội của các quốc gia rất khác nhau, thường phù hợp với bối cảnh, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội ở mỗi nước.
Mức đóng hiện nay của nước ta là 27,5% tiền lương tháng và làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội. Về cơ bản, mức này là tương thích với các quốc gia trong khu vực.
Bộ trưởng lấy ví dụ, Trung Quốc hiện nay là 33%, Nhật Bản gần 30%, Malaysia 26,7%, trong khi Bồ Đào Nha - một nước rất tiên tiến về bảo hiểm xã hội cũng đạt tỷ lệ 35%.
"Một số quốc gia có thể thấp hơn chúng ta, như Malaysia 26,7% thấp hơn Việt Nam 0,8%, tuy nhiên họ lại quy định khi người lao động gặp rủi ro, tai nạn hoặc chế độ ốm đau, thai sản thì người sử dụng lao động phải trực tiếp chi trả cho người lao động", Bộ trưởng nói.
Nhấn mạnh đây là những bất cập, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết các quốc gia đang đi theo hướng là phải chuyển trở lại vào cho bảo hiểm xã hội. Vì vậy, mức đóng bảo hiểm xã hội hiện nay của Việt Nam tương đối phù hợp.
Theo VĂN TOẢN (NDO)