Siết chặt quy định về phát triển, quản lý, sử dụng nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ của cá nhân
Cập nhật ngày: 26/10/2023 14:52:08
Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) quy định, nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ của cá nhân có từ 2 tầng trở lên và có quy mô dưới 20 căn hộ để cho thuê phải đáp ứng yêu cầu về quy chuẩn xây dựng theo quy định của Bộ trưởng Xây dựng; phải được thiết kế, thẩm duyệt phòng cháy, chữa cháy và thực hiện các biện pháp quản lý về an toàn phòng cháy, chữa cháy theo quy định của pháp luật.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi). (Ảnh: THỦY NGUYÊN)
Chiều 26/10, trước khi thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật.
Có ý kiến cho rằng, việc quy định cho bán, cho thuê mua, cấp giấy chứng nhận cho các căn hộ trong nhà ở nhiều tầng nhiều hộ tại Điều 57 sẽ gây ra tình trạng xây dựng tràn lan “chung cư mini” tại các đô thị lớn, từ đó phá vỡ quy hoạch phát triển đô thị, gây mất mỹ quan và không bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy, không bảo đảm hạ tầng đồng bộ phục vụ cư dân.
Do đó, đề nghị không cấp giấy chứng nhận cho từng căn hộ và căn hộ loại này chỉ được cho thuê, công tác quản lý vận hành do chủ nhà ở chịu trách nhiệm.
Để khắc phục các tồn tại, hạn chế trong phát triển, quản lý, sử dụng loại hình nhà ở này thời gian qua, trên cơ sở tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, ý kiến của Chính phủ tại Báo cáo số 529/BC-CP ngày 10/10/2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị chỉnh lý lại Điều 57 chặt chẽ hơn theo hướng: nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ của cá nhân có từ 2 tầng trở lên và có quy mô dưới 20 căn hộ để cho thuê phải đáp ứng yêu cầu về quy chuẩn xây dựng theo quy định của Bộ trưởng Xây dựng.
Cùng với đó, phải được thiết kế, thẩm duyệt phòng cháy, chữa cháy và thực hiện các biện pháp quản lý về an toàn phòng cháy, chữa cháy theo quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy.
Trường hợp cá nhân xây dựng nhà ở từ 2 tầng trở lên để bán, cho thuê mua căn hộ, từ 2 tầng và quy mô từ 20 căn hộ trở lên để cho thuê đều phải lập dự án đầu tư và đáp ứng điều kiện làm chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở. Việc đầu tư xây dựng thực hiện theo quy định của pháp luật về xây dựng và quy định khác của pháp luật có liên quan đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở.
Các đại biểu Quốc hội dự phiên thảo luận ở hội trường chiều 26/10 (Ảnh: THỦY NGUYÊN)
Đánh giá kỹ lưỡng việc Tổng Liên đoàn Lao động tham gia đầu tư dự án nhà ở xã hội
Về quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân (khoản 4 Điều 80), Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành cần tăng cường các nguồn lực đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân để nâng cao điều kiện sống, sinh hoạt, làm việc, bảo đảm an sinh xã hội cho công nhân, người lao động là đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội mà Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là tổ chức chính trị-xã hội đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng.
Tuy nhiên, đây là chính sách mới, việc quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tham gia đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân cần phải được đánh giá thận trọng, kỹ lưỡng trên cơ sở yêu cầu thực tiễn, điều kiện về nguồn lực, năng lực thực hiện, quy định chặt chẽ, bảo đảm tính khả thi và sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.
Do vấn đề này còn nhiều ý kiến khác nhau, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội xem xét 2 phương án. Phương án 1: tiếp thu ý kiến của Chính phủ và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam theo hướng quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là cơ quan chủ quản đầu tư dự án nhà ở xã hội để cho thuê để vừa bổ sung nguồn lực đầu tư dự án nhà ở xã hội, góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống cho công nhân, người lao động có thu nhập thấp, thu hút người lao động tham gia tổ chức Công đoàn, vừa giới hạn phạm vi thực hiện dự án nhà ở của chủ thể này để nâng cao tính khả thi. “Đây cũng là phương án đa số ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành”, ông Tùng cho hay.
Tuy nhiên, theo phương án này thì Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cần có giải pháp cân đối nguồn lực để bảo đảm tính khả thi của dự án đầu tư do đây là các dự án nhà ở cho thuê, vốn đầu tư lớn nhưng thời gian thu hồi vốn dài; đồng thời, cần sửa đổi, bổ sung quy định có liên quan của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), tạo cơ sở pháp lý đồng bộ để Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được giao đất, cho thuê đất thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, cho thuê nhà ở xã hội...
Phương án 2: Chưa quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội trong Luật Nhà ở (sửa đổi) vì đây là vấn đề mới, quá trình thí điểm thời gian qua (theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ) còn nhiều vướng mắc, chưa đủ độ “chín” để quy định trong Luật.
Với cơ chế như Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất (sử dụng nguồn vốn tài chính công đoàn, chỉ thực hiện dự án nhà ở xã hội để cho thuê, thu hồi vốn chậm) thì sẽ khó khăn về nguồn lực, khó bảo đảm thực hiện được mục tiêu của chính sách. Vì vậy, đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xây dựng Đề án báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định cho thực hiện thí điểm chính sách Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội trong một thời hạn nhất định, nếu phát huy hiệu quả mới quy định trong Luật.
Theo VĂN TOẢN (NDO)