Sinh viên ra trường thất nghiệp: Trách nhiệm của ai?

Cập nhật ngày: 25/09/2016 08:28:21

ĐTO - Sinh viên đại học ra trường thất nghiệp là chuyện “biết rồi, nói mãi”, nhưng vẫn là chuyện nhức nhối của xã hội.

Ảnh minh họa - Nguồn: Trí thức trẻ

Nhức nhối, bởi lãng phí tiền bạc, thời gian, nguồn nhân lực của gia đình, xã hội; khi nhiều bậc cha mẹ tần tảo, thậm chí ở ống cống, để nuôi con học đại học nhưng tốt nghiệp lại không có việc làm.

Nhức nhối khi không ít sinh viên phải đi học đại học khác, học trung cấp, hoặc làm những công việc thời vụ để có thu nhập qua ngày.

Nhức nhối khi trong những lần tiếp dân, nhiều ý kiến chất vấn: trách nhiệm nhà nước ở đâu khi sinh viên đại học ra trường thất nghiệp.

Nguyên nhân?

Do bằng cấp là thước đo chất xám của một người?

Do bằng cấp là vinh dự của gia đình, tộc họ?

Do bằng cấp là điều kiện để vào cơ quan nhà nước, là con đường tiến thân?

Do bằng cấp thể hiện trình độ với bạn bè...?

Do không có người đỡ đầu để có việc làm?

Và nhiều câu hỏi khác.

Hỏi cũng đã trả lời, nhưng hình như có gì đó chưa ổn.

Việt Nam có truyền thống hiếu học. Lịch sử đã chứng minh chỉ có học mới thoát khỏi nghèo đói, vươn lên từ thân phận đày tớ thành chủ nhân ông của bản thân và dân tộc.

Vượt mọi khó khăn để có tấm bằng đại học cần được động viên, khuyến khích, biểu dương. Nhưng khi Nhà nước đang ổn định và tinh giảm biên chế; doanh nghiệp giảm nhân sự, chọn người tài thì dù có trong tay tấm bằng đại học nhưng không phù hợp yêu cầu ngành nghề, chưa thể hiện trình độ, năng lực thực tế, thậm chí bằng cấp của trường nào... là những rào cản để tìm được việc làm.

Hiện nay, nhiều cha mẹ học sinh phối hợp thầy cô tìm hiểu, phát hiện trình độ, năng khiếu của con; tìm hiểu thông tin về nhu cầu lao động để định hướng ngành nghề cho con từ bậc trung học cơ sở; chấp nhận cho con đi học nghề sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở hoặc học trung cấp nghề sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Có được tấm bằng đại học là nhu cầu chính đáng, là một trong những thước đo trình độ dân trí. Nhưng để có tấm bằng đại học bằng mọi giá để rồi không được làm đúng ngành nghề đào tạo, thất nghiệp, học lại nghề khác... là cảnh báo đối với cha mẹ và học sinh; cũng là kinh nghiệm trong công tác hướng nghiệp của nhà trường, đoàn thể.

Tiếp tục thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, giải pháp để mọi người có cơ hội học tập, nâng cao trình độ. Việt Nam đã và đang là “xã hội học tập”. Tuy nhiên học gì để nâng cao trình độ, có việc làm, thu nhập là lựa chọn của từng người.

Hữu Ý

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn