Sức bật mạnh mẽ của một đô thị vùng biên

Cập nhật ngày: 28/04/2014 04:13:46

5 năm qua, thị xã Hồng Ngự (TXHN) đã phát huy lợi thế của một đô thị, khai thác tốt các nguồn lực cho phát triển thương mại - dịch vụ, gắn với phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, xứng tầm là một trong những đô thị phát triển năng động của tỉnh, đồng thời, giữ vững vị trí, vai trò là trung tâm kinh tế, văn hoá, giao lưu thương mại của vùng và biên giới.


Một góc của đô thị vùng biên thị xã Hồng Ngự

Kết quả thực hiện chỉ tiêu tăng trưởng GDP của TXHN đều tăng cao hơn mức mà Nghị quyết đã đề ra. GDP bình quân hàng năm tăng 14,79%. Tổng sản phẩm nội địa theo giá hiện hành đạt 252,75 tỷ đồng, bình quân hàng năm tăng 152,15%; trong đó nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 5,62%, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (TTCN) tăng 13,60%, thương mại - dịch vụ tăng 17,58%. Giá trị sản xuất ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trong 5 năm (2009-2013) theo giá hiện hành đạt 160,539 tỷ đồng, bình quân hàng năm tăng 20%. Quy mô giá trị sản xuất năm 2013 gấp 3 lần so với năm 2009. Số cơ sở sản xuất đến năm 2013 là 761 cơ sở, tạo việc làm cho 2.845 lao động. Năm 2013, tổng doanh thu thương mại - dịch vụ đạt 2.564 tỷ đồng.

Trên cơ sở tiếp tục chuyển đổi cơ cấu kinh tế, bảo đảm duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định và bền vững của toàn ngành nông lâm ngư nghiệp, sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả gắn với yêu cầu của thị trường, tạo ra vùng sản xuất tập trung chuyên canh có năng suất và chất lượng cao thông qua ứng dụng khoa học, công nghệ mới vào sản xuất, bảo quản và chế biến. Trong 5 năm qua, TXHN đã tập trung triển khai được 22 đề án quy hoạch; hoàn thành các đồ án quy hoạch chi tiết 1/2000 của 3 phường và 4 xã và 15 đồ án quy hoạch chi tiết 1/500 các cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, các khu tái định cư trên địa bàn thị xã.

Để thực hiện quản lý quy hoạch, TXHN đã ban hành Quy chế Quản lý đô thị vào năm 2010. Trên cơ sở đó, công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch của thị xã từng bước đi vào nề nếp, việc xây dựng, sửa chữa nhà không phép trên địa bàn ngày càng giảm; tổ chức triển khai có hiệu quả các quy chế quản lý đô thị, quản lý các công trình công cộng đến các tổ địa bàn dân cư; thực hiện vận động giáo dục nhân dân làm tốt vệ sinh môi trường, hình thành nếp sống văn minh đô thị. TXHN đã đầu tư 64 công trình, trong đó có 16 công trình giao thông với 95,69km đường bê tông nhựa, 49,57km đường láng nhựa, 23 công trình trường học được xây dựng mới với 451 phòng học, 7 công trình y tế, 18 công trình phúc lợi, trang trí hệ thống đèn mỹ thuật trên các trục đường chính. Tổng kinh phí đầu tư trên địa bàn TXHN đạt 1.224 tỷ đồng.

Những năm qua, ngành giáo dục đã được Thị ủy, UBND thị xã đầu tư xây dựng hệ thống trường lớp, trang thiết bị phục vụ cho việc dạy và học theo hướng kiên cố hóa và chuẩn quốc gia. Các phường, xã đều có trường mẫu giáo, mầm non, tiểu học; 7/7 phường, xã có trường THCS và trên địa bàn thị xã có 2 trường THPT đáp ứng yêu cầu học tập của con em tại địa phương. Đến nay, toàn ngành giáo dục có 99,56% giáo viên, cán bộ quản lý đạt chuẩn trình độ; 51% giáo viên, cán bộ quản lý trên chuẩn (mầm non 100% đạt chuẩn, 27% trên chuẩn; tiểu học 99,7% đạt chuẩn, 73,6% trên chuẩn; THCS 99% đạt chuẩn, 49% trên chuẩn). Năm 2012, huyện hoàn thành phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi.

Việc chăm lo cho các đối tượng chính sách, thực hiện các chính sách xã hội và chương trình giảm nghèo, giải quyết việc làm đã được các ngành chức năng cũng như các tổ chức đoàn thể quan tâm thực hiện. Hiện nay, thị xã có 1.260 đối tượng chính sách, trong đó có 29 Bà mẹ Việt Nam Anh Hùng (có 4 Bà mẹ còn sống), 5 anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; trợ cấp ưu đãi hàng tháng và trợ cấp 1 lần theo QĐ 290/QĐ-CP là 298 người. Huyện đã xây dựng và sửa chữa được 225 căn nhà tình nghĩa với tổng số tiền gần 6 tỷ đồng; xây dựng và sửa chữa 499 căn nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo với kinh phí là 7,187 tỷ đồng.

Hiện 7/7 phường, xã có trạm y tế đạt chuẩn quốc gia, đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế trên địa bàn thị xã và các phường, xã được bổ sung. Tổng số bác sỹ trên địa bàn thị xã là 91 người, bình quân 10 bác sỹ trên 1 vạn dân; có 7 bác sỹ làm việc tại các trạm y tế, phường, xã. Hệ thống khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền tại thị xã được đầu tư, thành lập từ tuyến thị xã đến các phường, xã, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân.

Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) trên địa bàn TXHN thường xuyên được đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ và tư tưởng, đạo đức, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của địa phương. Thời gian qua, đã cử 2.888 CBCCVC tham dự các lớp đào tạo, bồi dưỡng, trong đó đào tạo: 776 CBCCVC (trung cấp: 247, cao đẳng: 119, đại học: 407, thạc sỹ: 3. Chất lượng đội ngũ CBCCVC khối hành chính, sự nghiệp cơ bản đã đủ chuẩn theo quy định, riêng CBCC khối xã, phường trình độ đủ chuẩn đạt tỷ lệ trên 80%.

Những thành tựu đạt được trong 5 năm qua là kết quả nỗ lực, phấn đấu của đội ngũ CBCCVC, chiến sĩ lực lượng vũ trang; là sức mạnh của sự đoàn kết thống nhất trong Đảng bộ và sự đồng thuận của nhân dân TXHN. Hướng tới, Đảng bộ TXHN sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội mà Nghị quyết Đại hội lần thứ nhất đã đề ra, nhất là trong giai đoạn nước rút của năm 2014, 2015, đồng thời thực hiện thắng lợi chủ đề năm 2014: “Xây dựng đô thị xanh, sạch, đẹp, văn minh”.

Dũng Chinh

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn