Tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Cập nhật ngày: 19/10/2024 05:23:12
ĐTO - Thời gian qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã triển khai, quán triệt và thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Công an TP Cao Lãnh ra quân tuần tra, kiểm soát các tuyến đường trong nội ô thành phố(Ảnh: Phước Thanh)
Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã cụ thể hóa và ban hành các văn bản như: Kết luận 204-KL/TU ngày 27/9/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tiếp tục tăng cường lãnh đạo nhiệm vụ quốc phòng, an ninh giai đoạn 2021 - 2025; Chương trình số 15-CTr/TU ngày 28/6/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chương trình hành động thực hiện công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp giai đoạn 2021 - 2025; Quyết định số 113-QĐ/TU ngày 4/3/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thành lập Tổ công tác về rà soát và vận động thực hiện các chính sách, xử lý các vụ việc kéo dài khi triển khai thực hiện công trình, dự án trên địa bàn tỉnh; đồng thời thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh, hoạt động bước đầu đi vào nền nếp và phát huy hiệu quả.
Công tác phối hợp giữa các lực lượng trong phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật đi vào nền nếp. Triển khai nhiều đề án về xây dựng lực lượng Công an và tăng cường lực lượng Công an chính quy cho cơ sở: Đề án bố trí Công an chính quy đảm nhiệm các chức danh Công an xã; Đề án đẩy mạnh xây dựng lực lượng Công an Đồng Tháp thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới... góp phần giữ vững ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tội phạm, tệ nạn, tai nạn giao thông được kiềm chế; bảo đảm an toàn các mục tiêu, công trình trọng điểm, sự kiện chính trị quan trọng trên địa bàn tỉnh.
Hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đạt nhiều kết quả tích cực, đã tiếp nhận và xử lý 100% tin tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, giải quyết tin báo đạt 93,36%; bảo đảm an ninh, an toàn cơ sở giam giữ, bảo vệ phiên tòa phục vụ tốt yêu cầu điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án, chất lượng hoạt động kiểm sát, thực hành quyền công tố được nâng lên; công tác xét xử có chuyển biến tốt, bảo đảm xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, hạn chế việc xảy ra oan sai, số vụ án bị hủy, sửa, các vấn đề nổi cộm, phức tạp, bức xúc về an ninh Quốc gia, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.
Công tác tiếp dân, đối thoại, giải quyết đơn và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân được các cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy quan tâm, thực hiện. Qua đó Tỉnh ủy đã tiếp nhận và xử lý 1.559 đơn, thư của các tổ chức, cá nhân gửi đến.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã chủ trì tiếp dân định kỳ theo quy định và chỉ đạo giải quyết nhiều vụ việc phức tạp, kéo dài, đạt hiệu quả; kịp thời xử lý đơn, thư phản ánh cán bộ, đảng viên có biểu hiện tiêu cực, vụ lợi, góp phần thực hiện tốt công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Trong thời gian tới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm Kết luận số 10-KL/TW ngày 26/12/2016 của Bộ Chính trị; Thông báo số 12-TB/TW ngày 6/4/2022 của Bộ Chính trị về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và các văn bản có liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; nhất là các quy định về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ, trong hoạt động kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án và công tác quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công, đất đai, tài nguyên khoáng sản.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, tập trung vào những lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, những vấn đề nổi cộm, gây bức xúc trong xã hội như: Lĩnh vực quản lý và sử dụng đất đai, kinh tế - tài chính, ngân hàng, đấu giá, hành chính, tư pháp, y tế; giải quyết khiếu nại, tố cáo... xử lý nghiêm về Đảng, hành chính, hình sự đối với các tổ chức, cá nhân có vi phạm và trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, tiêu cực trong cơ quan, đơn vị, lĩnh vực quản lý.
Thực hiện nghiêm các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, nhất là kiểm soát chặt chẽ tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, các hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp; nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng và người đứng đầu trong công tác tự kiểm tra để phát hiện, xử lý tham nhũng trong nội bộ.
Phát huy vai trò giám sát của cơ quan dân cử; giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, tạo điều kiện khuyến khích đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân phát hiện, tố giác các hành vi tham nhũng, tiêu cực.
Phú Nghĩa