Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ môi trường

Cập nhật ngày: 31/01/2023 05:53:07

ĐTO - Theo đánh giá của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, những năm qua, công tác bảo vệ môi trường (BVMT) trên địa bàn tỉnh được các cấp ủy quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, là 1 trong 3 trụ cột phát triển bền vững. Nhận thức của các cấp ủy về công tác BVMT được nâng lên, nhiều phong trào BVMT được quan tâm xây dựng, thu hút sự tham gia trực tiếp của Nhân dân, không phát sinh những điểm nóng về ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về BVMT ở một vài đơn vị, địa phương chưa sâu rộng; việc tổ chức thực hiện và duy trì các phong trào BVMT thiếu đồng bộ và thiếu tính bền vững. Tình trạng ô nhiễm môi trường cục bộ ở từng lúc, từng nơi vẫn còn diễn ra, nhất là hoạt động sản xuất nông nghiệp; cảnh quan môi trường trong xây dựng nông thôn mới chưa tạo được điểm nhấn, đặc trưng riêng của tỉnh nhà.


Tuyến đường Rạch Cưỡi (ấp Tân Thuận B, xã Tân Mỹ, huyện Lấp Vò) được người dân trồng cây xanh ven đường và thực hiện “Tuyến đường không rác”

Để tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác BVMT và thực hiện chỉ tiêu môi trường trong xây dựng nông thôn mới thời gian tới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy; Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Đảng đoàn Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh, Ban Thường vụ Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh và Ban cán sự đảng UBND tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, vận động với nhiều hình thức đa dạng, thiết thực, phù hợp với đặc thù của từng địa phương, đơn vị; xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và lâu dài; là nghĩa vụ của mỗi người, mỗi cấp, mỗi cơ quan, đơn vị để xây dựng tỉnh Đồng Tháp ngày càng “xanh - sạch - đẹp”. Thường xuyên đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về BVMT theo hướng đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với từng đối tượng, làm chuyển biến nhận thức rõ nét trong hệ thống chính trị, theo phương châm “Trong trước, ngoài sau”, tạo hiệu ứng lan tỏa ra toàn thể cộng đồng dân cư và toàn xã hội.

Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện BVMT trên cơ sở phát huy các kết quả đạt được, từng cấp ủy phải xác định mục tiêu, nhiệm vụ BVMT và tích hợp vào chương trình hành động hàng năm, chỉ đạo thực hiện, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng tổ chức và cá nhân. Chỉ đạo đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về BVMT đối với tổ chức đảng và đảng viên; chỉ đạo UBND các cấp tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.

Tiếp tục đa dạng hóa các mô hình Nhân dân tự quản trong công tác BVMT, sự tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội; thành lập nhóm, tổ, đội, câu lạc bộ để huy động, tập hợp Nhân dân tham gia BVMT, thông qua mô hình, từng bước làm thay đổi nhận thức và điều chỉnh hành vi của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và Nhân dân. Định kỳ, tổ chức đánh giá, lựa chọn mô hình hiệu quả, phù hợp để triển khai nhân rộng tạo thành các phong trào ở các địa phương, đơn vị.

Có lộ trình giảm nhanh và tiến đến mục tiêu chấm dứt các hành vi xả rác thải sinh hoạt không đúng quy định của hộ gia đình, cá nhân tại khu đô thị, khu dân cư nông thôn. Rác thải nhựa trong nông nghiệp, sản xuất, dịch vụ và tiêu dùng phải được thu gom và xử lý đúng quy định của pháp luật; các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phải thực hiện cam kết không vi phạm pháp luật về BVMT trong quá trình hoạt động. Tổ chức vận động Nhân dân tham gia vào các mô hình BVMT; tích cực trồng cây xanh trên các tuyến đường giao thông, tạo cảnh quan môi trường trong xây dựng nông thôn mới “xanh - sạch - đẹp”.

Huy động và bố trí nguồn lực đầu tư hệ thống xử lý chất thải tập trung, nâng cấp, cải thiện các khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt không đảm bảo các tiêu chí về môi trường; xử lý nghiêm các cơ sở gây ô nhiễm môi trường theo quy định của pháp luật, không để vấn đề ô nhiễm môi trường trở thành bức xúc trong Nhân dân. Tăng cường trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, tổ chức và địa phương theo phân cấp quản lý trong công tác BVMT; lấy kết quả thực hiện công tác BVMT của địa phương, đơn vị để đánh giá năng lực cán bộ, mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các tổ chức. Cụ thể hóa triển khai thực hiện phù hợp với điều kiện, tình hình của cơ quan, đơn vị, địa phương.

NP

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn