Tháp Mười

Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp

Cập nhật ngày: 23/08/2016 06:11:40

ĐTO - Một trong những mục tiêu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện Tháp Mười được các cấp ủy, chính quyền tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện sau Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ IX (nhiệm kỳ 2015 -2020) là đẩy mạnh phát triển công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, nhất là công nghiệp phục vụ nông nghiệp làm tăng giá trị nông sản.

Thời gian qua, lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tiếp tục phát triển, có sự đổi mới, nổi bật là hình thành cơ sở chế biến lúa gạo khép kín gắn với cánh đồng liên kết trên địa bàn tại cụm Công nghiệp - Dịch vụ thương mại Trường Xuân. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn được duy trì, mở rộng qui mô sản xuất, trong đó một số sản phẩm phục vụ cho sản xuất nông nghiệp chất lượng được thị trường chấp nhận. Đặc biệt, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu được tỉnh bình chọn gồm 6 sản phẩm (máy gặt đập liên hợp, xe thu gom lúa trên đồng, máy xạ hàng kết hợp phun xịt thuốc...).

Huyện Tháp Mười cũng tập trung thực hiện nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp phát triển như công tác xúc tiến kêu gọi hợp tác đầu tư và tạo lập môi trường sản xuất, kinh doanh được chú trọng cùng với các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn huyện, nhất là minh bạch các thông tin về thủ tục hành chính, giải quyết nhanh các thủ tục về đầu tư, xây dựng, đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh, xây dựng kết cấu hạ tầng cụm Công nghiệp Thương mại dịch vụ Trường Xuân... nên thu hút nhiều dự án đầu tư, đã có các dự án đi vào hoạt động như: Công ty Lúa gạo Cẩm Nguyên, Công ty TNHH Tỷ Thạc... giá trị sản xuất công nghiệp năm 2015 đạt trên 287 tỷ đồng (tăng hơn 2 lần so với năm 2010).

Mặc dù công nghiệp có chuyển biến nhưng giá trị sản xuất công nghiệp chưa tương xứng với tiềm năng. Do đó, huyện Tháp Mười đã và đang tập trung đẩy mạnh phát triển công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, nhất là công nghiệp phục vụ nông nghiệp làm tăng giá trị nông sản. Bởi địa phương có nhiều điều kiện thuận lợi, nhất là hệ thống giao thông, trong đó một số tuyến giao thông trọng điểm của Trung ương, tỉnh đi ngang địa bàn huyện Tháp Mười. Từ đó, giúp cải thiện năng lực giao thông cũng như rút ngắn thời gian và khoảng cách vận chuyển hàng hóa giữa huyện với các địa phương trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, khi tuyến Quốc lộ N2 - Hồ Chí Minh được đầu tư đưa hoàn chỉnh thì Tháp Mười trở thành cửa ngõ của tỉnh trong việc giao lưu hàng hóa giữa các tỉnh và TP.HCM. Và đây là cơ hội để Tháp Mười phát triển công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội nói chung.

Theo đồng chí Đinh Minh Dũng - Phó Bí thư, Chủ tịch UBND huyện Tháp Mười, trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của huyện giai đoạn 2016-2020, địa phương sẽ tập trung đầu tư cho phát triển công nghiệp, chú trọng công nghiệp chế biến nông sản và công nghiệp sạch, công nghiệp sử dụng nhiều lao động để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động và kinh tế nông thôn; khuyến khích phát triển các ngành nghề công nghiệp chế biến nông sản, công nghiệp hỗ trợ phục vụ sản xuất nông nghiệp. Tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế xây dựng, mở rộng qui mô và nâng cao năng lực sản xuất để mở thêm ngành nghề mới, tận dụng nguyên liệu tại chỗ phục vụ cho sản xuất.

Ngoài ra, Tháp Mười cũng quan tâm xây dựng cơ sở hạ tầng các khu, cụm công nghiệp và xúc tiến kêu gọi đầu tư thu hút đầu tư phát triển tại Cụm công nghiệp Dịch vụ - Thương mại Trường Xuân. Phấn đấu đưa tỷ lệ lấp đầy Cụm công nghiệp Dịch vụ - Thương mại Trường Xuân giai đoạn 2016 - 2020. Thực hiện phát triển quy hoạch các khu công nghiệp: Trường Xuân - Hưng Thạnh và Tân Kiều đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Phấn đấu bình quân hàng năm thu hút ít nhất 2 dự án đầu tư và đưa vào hoạt động ít nhất 1 dự án.

DŨNG CHINH

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn