Thành phố Sa Đéc không ngừng phát triển

Cập nhật ngày: 18/10/2013 05:11:19

Sa Đéc - vùng đất được hình thành và phát triển gần 300 năm, có bề dày truyền thống văn hóa, lịch sử, là một trong những trung tâm kinh tế - văn hóa của Nam bộ trong 3 thế kỷ qua...

Từ năm 1757, chúa Nguyễn đã đặt Sa Đéc là lỵ sở của Đông Khẩu Đạo (đơn vị hành chánh lúc bây giờ). Về sau, các vị vua nhà Nguyễn cũng xem Sa Đéc là một địa bàn quan trọng của Nam Kỳ. Đến khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, họ đã đặc biệt chú trọng vùng Sa Đéc.


Một góc đường phố Sa Đéc

Ngày 20/12/1899, Chính phủ Pháp ban hành Nghị định thành lập tỉnh Sa Đéc và có hiệu lực từ ngày 1/1/1900. Tỉnh Sa Đéc (tỉnh lỵ đặt tại Sa Đéc) đã qua các lần giải thể rồi tái lập...

Ngày 9/12/1913, viên quan toàn quyền Đông Dương đã ký Nghị định sát nhập tỉnh Sa Đéc vào tỉnh Vĩnh Long (phạm vi thị xã Sa Đéc ngày nay, khi ấy vẫn là một đô thị sầm uất). Vì vậy mà chính quyền thực dân phải ban hành một Nghị định, ký ngày 1/4/1916 để chia vùng đất là tỉnh Sa Đéc (cũ) thành 3 quận là: Châu Thành (vùng đất thị xã Sa Đéc ngày nay), Cao Lãnh và Lai Vung.

Ngày 29/2/1924, chính quyền thực dân ban hành Nghị định để tách vùng đất Sa Đéc ra khỏi tỉnh Vĩnh Long, thành lập một tỉnh độc lập: tỉnh Sa Đéc.

Sau năm 1954, chính quyền Sài Gòn có sắc lệnh số 22-SL, đề ngày 17/2/1956 do Thủ tướng Ngô Đình Diệm ký để lập tỉnh Phong Thạnh (trên cơ sở tách vùng đất Cao Lãnh ra khỏi tỉnh Sa Đéc). Sau đó, được 8 tháng thì lại ban hành sắc lệnh số 143-SL ngày 22/10/1956, đổi tên tỉnh Phong Thạnh thành tỉnh Kiến Phong cho đến 30/4/1975. Cùng lúc với việc đổi tên tỉnh Kiến Phong, còn có các tỉnh khác được mang tên như: Kiến Hòa (Bến Tre), Kiến Tường (tỉnh lỵ đặt tại Mộc Hóa, nay nhập chung vô tỉnh Tiền Giang). Thời bấy giờ, dân miền Nam gọi 3 tỉnh này là “Tam Kiến”; trong khi ở miền Trung có “Ngũ Quảng” (5 tỉnh có từ Quảng đứng đầu).

Tại Nghị Định số 308-BVV/NC/NĐ, ngày 8/10/1957, chính quyền Sài Gòn cho giải thể tỉnh Sa Đéc, nhập vô tỉnh Vĩnh Long.

Sau đảo chánh Ngô Đình Diệm (1/11/1963), chính quyền Sài Gòn có nhiều biến động liên tục... Ngày 24/9/1966, “Chủ tịch Ủy ban lãnh đạo Quốc gia” ký sắc lệnh số 162-SL/ĐUHC tái lập tỉnh Sa Đéc.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất (30/4/1975), tháng 2/1976 tỉnh Sa Đéc sát nhập tỉnh Kiến Phong thành tỉnh Đồng Tháp.

Đã 113 năm, khi có đơn vị hành chánh tỉnh Sa Đéc thì Sa Đéc luôn là trung tâm tỉnh lỵ, là một đầu mối giao lưu về nhiều mặt, là một đô thị sầm uất của khu vực đồng bằng sông Cửu Long, sinh hoạt đô thị, yếu tố thị dân đã không ngừng được vun bồi và phát triển để vùng đất này ngày càng đậm đà bản sắc văn hóa trong tiến trình đô thị hóa.

Ngày nay, Sa Đéc không ngừng đổi thay, là thành phố trực thuộc tỉnh Đồng Tháp theo tinh thần Nghị quyết số 113/NQ-CP ngày 14/10/2013 của Chính Phủ, do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký. Thành phố Sa Đéc sẽ phấn đấu không ngừng để trở thành một đô thị văn minh, hiện đại và lưu giữ được những giá trị truyền thống, văn hóa, lịch sử, cách mạng.

Nguyễn Nhất Thống

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn