Thanh tra đường bộ không xử lý vi phạm trên đường
Cập nhật ngày: 21/05/2024 09:53:30
Đây là một trong những ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đường bộ được lấy ý kiến tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, diễn ra vào sáng 21-5.
Ngày 21/5, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì phiên họp thảo luận toàn thể tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đường bộ.
Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường sáng 21/5 (Ảnh: QUANG PHÚC)
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đường bộ. Trong đó, về giao thông thông minh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, đây là nội dung mới và có sự thay đổi, phát triển nhanh chóng. Vì vậy, đề nghị chỉ quy định những nguyên tắc chung và giao Chính phủ quy định chi tiết.
Về ý kiến đề nghị cân nhắc quy định “công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư được thực hiện theo quy mô quy hoạch”, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, quy định này phù hợp với thực tiễn, giúp tiết kiệm tổng chi phí đầu tư, xây dựng đường cao tốc và thuận tiện cho hoạt động đầu tư, xây dựng hạ tầng kỹ thuật của đường cao tốc.
Đại biểu Quốc hội dự phiên họp sáng 21/5 (Ảnh: QUANG PHÚC)
Đồng thời việc thu hồi đất, bồi thường, tái định cư do cấp quyết định chủ trương đầu tư quyết định, phải được xác định trong quyết định chủ trương đầu tư phù hợp với pháp luật về đất đai và chỉ được thực hiện khi đã có dự án, không thực hiện khi chỉ mới được quy hoạch mà chưa lập dự án.
Đối với ý kiến đề nghị Thanh tra đường bộ được dừng phương tiện để xử lý, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, dự thảo Luật Đường bộ quy định theo hướng Thanh tra đường bộ thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, không thực hiện kiểm tra, xử lý vi phạm trên đường, chỉ xử lý trách nhiệm thông qua các điểm giao thông “tĩnh”, qua cơ sở dữ liệu. Việc tuần tra, xử lý trên đường do lực lượng Cảnh sát giao thông thực hiện.
Sau phần báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đường bộ, đại biểu Quốc hội sẽ thảo luận cho ý kiến về những nội dung còn ý kiến khác nhau (Ảnh: QUANG PHÚC)
Điều này, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội là để đảm bảo thống nhất, tránh chồng chéo chức năng, nhiệm vụ giữa lực lượng Cảnh sát giao thông và lực lượng Thanh tra đường bộ; tránh phiền hà cho người tham gia giao thông khi có nhiều lực lượng có thẩm quyền xử lý vi phạm trên đường bộ.
Dự thảo Luật Đường bộ được trình tại kỳ họp thứ 7 lần này có 86 điều, giảm 6 điều so với dự thảo mà Chính phủ trình trước đó. Dự thảo luật đã được tiếp thu tối đa ý kiến đại biểu Quốc hội. Nếu được thông qua, Luật Đường bộ sẽ có hiệu lực từ ngày 1/10/2024.
|
Theo VĂN MINH (SGGP)