Thị trấn Cao Lãnh trước và trong những ngày tập kết
Cập nhật ngày: 25/10/2024 15:15:37
Thị trấn Cao Lãnh là quận lỵ của quận Cao Lãnh, tỉnh Sa Đéc (phía ta là tỉnh Long Châu Sa). Thị trấn nằm hai bên bờ sông Cao Lãnh. Bờ phía bắc thuộc xã Mỹ Trà, gồm có chợ Cao Lãnh (hai dãy phố chính và hai nhà lồng chợ), nhà thuỷ điện (nhà đèn và nhà máy nước), nhà dây thép (bưu điện), nhà thương (bệnh viện), trường tiểu học, sân vận động, đền thờ ông bà Đỗ Công Tường, nhà việc (công sở) Mỹ Trà, lầu Mười Chuyển, dãy phố Sáu Thanh, lữ quán An Thành, cầu tàu bến chợ... Bờ phía Nam thuộc xã Hòa An, có dinh Cò Tây, Dinh quận, nhà thầy thuốc Lư, đình thần Hòa An, v.v.. Nối hai bờ sông Cao Lãnh có cây cầu Đúc quay bắc phía trên chợ.
Trong nội ô thị trấn có một số con đường ngắn trải nhựa: Từ cầu Đình Trung tới cầu Đúc, vàm rạch Cái Tôm đi ra bến bắc Cao Lãnh và dọc hai dãy phố chợ, từ lầu Mười Chuyển lên chợ mới Mỹ Ngãi, xuống trường tiểu học tới kinh Thầy Khâm và một số con đường ngắn khác qua các dãy nhà dân cư. Nhà đèn Cao Lãnh phát điện bằng máy dầu, chủ yếu cung cấp điện trong nội ô, thắp sáng từ 18 đến 21 giờ. Đường phố rất ít đèn đường, khi tắt điện thì tối om, các nhà phải đốt đèn dầu.
Cống thoát nước luôn bị nghẹt, do mặt đường nhiều rác, trời mưa lớn nước rút không kịp nên tràn ngập một số con đường. Nhà dân các dãy phố phải thuê người gánh nước dưới sông để dùng, tắm giặt phải xuống sông. Nhiều nhà phố phải sắm thùng chứa tro để đi tiêu, mỗi sáng thuê người gánh đi đổ. Phần đông đi tiêu dưới sông. Một dãy cầu tiêu công cộng phía trên cầu Đúc để mọi người đi tiêu. Bến chợ đầy rác. Nước sông vì vậy rất dơ.
Dinh quận năm 1954 do Bùi Văn Khánh làm quận trưởng, Phạm Văn Nhẹ thơ ký. Lính bạt-ti-dăng đóng trong các dãy trại cạnh Dinh quận và dinh Cò Tây, lầu Mười Chuyển. Đạo Hòa Hảo do Nguyễn Văn Tho làm Đại diện, trụ sở gần lữ quán An Thành. Pháp cắt cứ, gồm đại đội 10 do Phan Tùng Phùng làm đại đội trưởng, chiếm nhà thầy thuốc Lư làm trụ sở, Bùi Văn Kiêu làm đại đội phó, chia các trung đội đóng đồn dọc sông Cao Lãnh bờ Hòa An, Tân Thuận Tây và chiếm các xã Hòa An, Tân Thuận Tây, Tân Thuận Đông. Đại đội 41 do Hồ Nhựt Tảo làm đại đội trưởng, Hương đại đội phó, đóng đồn ở cầu bắc Cao Lãnh, kinh Sáu Mỹ, chiếm và đóng đồn xã Tân Tịch, Tịnh Thới và Doi Me. Đạo Cao Đài, Ban Cai quản do ông Cự (con ông Cả trưởng Thâu) làm đầu tộc đạo, hội quán đóng ở nhà Chín Lữ (Đức Anh Viên, đầu trong dãy phố dưới). Quân đội Cao Đài đóng dài xuống xóm Bún xã Mỹ Trà, có đồn ở rạch Ông Cân. Cai tổng An Tịnh Bùi Tứ Di làm việc cạnh lữ quán An Thành. Bộ máy tề xã Mỹ Trà do xã Hạp làm xã trưởng, làm việc ở công sở Mỹ Trà, phía sau chợ Cao Lãnh.
Giao thông có tàu lô đưa khách và chở hàng từ Cao Lãnh, ghé Doi Me, tới Sa Đéc và ngược lại, mỗi ngày một chuyến. Có bến xe đò đưa khách từ Cao Lãnh đi Sài Gòn, phải qua bắc Cao Lãnh, xuống Sa Đéc, qua bắc Mỹ Thuận, vì lúc đó chưa thông lộ từ Cao Lãnh đến An Thái Trung tới quốc lộ 4 (nay là quốc lộ 1A).
Trước ngày ký Hiệp định đình chiến ở Hội nghị Genève, bộ đội Tiểu đoàn 311 thọc sâu vào vùng địch hậu cạnh thị trấn Cao Lãnh, thuộc ba xã Hòa An, Tân Thuận Đông, Tân Thuận Tây làm võ trang tuyên truyền phát động quần chúng và đánh bật các mũi quân địch tìm diệt quân ta ở vùng nầy, chúng phải tháo chạy thục mạng về thị trấn Cao Lãnh. Phía bên kia cầu Đình Trung, Mỹ Trà xuống An Bình, lên Mỹ Ngãi là vùng ta làm chủ. Những ngày nầy, đồng chí Nguyễn An Tịnh, Bí thư Huyện uỷ Cao Lãnh chỉ đạo các chi bộ Đảng và xã đội các xã Tân Tịch, Tịnh Thới, Hòa An, Tân Thuận Đông, Tân Thuận Tây bí mật luồn về bám xã tuyên truyền phát động quần chúng, tổ chức lực lượng, hưởng ứng chiến dịch Điện Biên Phủ... Ở xã Tịnh Thới, đồng chí Lê Văn Đốc, Bí thư, Lê Nguyễn Trác, Phó Bí thư phụ trách xã đội và công an, cùng Huỳnh Kim Thục tổ chức các cuộc họp dân.
Khi Hiệp định Genève được ban hành, đầu tháng 8 năm 1954, lực lượng võ trang Hòa Hảo rút bỏ hết các đồn bót, kéo về phía Nam sông Tiền, vùng do Liên hiệp Pháp quản lý. Các chi bộ xã hoạt động công khai lãnh đạo nhân dân ban phá đồn Hòa Hảo, Cao Đài, phát động nhân dân chuẩn bị đón bộ đội ta về đây tập kết.
Theo Hiệp định Genève, Liên hiệp Pháp phải rút khỏi vùng Đồng Tháp Mười và Cao Lãnh trước ngày 23 tháng 8 năm 1954, giao vùng nầy cho ta quản lý đến 0 giờ ngày 31 tháng 10 năm 1954. Bọn Pháp, ngoài các lực lượng quân đội còn đưa đi cả người các cơ quan hành chánh quận, xã, cả giáo viên, nhân viên y tế, v.v. và chở đi hết bàn ghế trường tiểu học, chở máy phát điện chính ở nhà đèn, cố tình phá hư một số thiết bị; ở nhà thương (chưa có bác sĩ, chỉ có một y sĩ Đỏ ) chúng lấy hết thuốc men, dụng cụ y tế và chỉ chừa lại một y tá. Nói chung cái gì phá được thì chúng phá, hòng khi ta về quản lý thị trấn sẽ gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn.
Về mặt tâm lý chiến, trước khi rút đi, một số nơi chúng cho xe chạy phát loa kêu gọi đồng bào có con trai, con gái phải đưa đi tản cư, có vòng vàng... phải giấu, vì bộ đội Việt Minh về sẽ bắt thanh niên, hãm hiếp phụ nữ, cướp bóc tài sản... Vì là vùng địch chiếm ít được tiếp xúc với cách mạng, nên có số ít gia đình theo đạo Hòa Hảo lo sợ khi bộ đội ta về đóng quân.
Nhờ các chi bộ xã, thị trấn Cao Lãnh vận động, học tập, tuyên truyền nhân dân trước khi bộ đội ta về tiếp quản vùng Cao Lãnh, các nhà dân có ý thức đón bộ đội ta về ở, lần lượt may và treo cờ đỏ sao vàng. Những ngày đầu, còn một số người e dè, lạnh nhạt tiếp xúc, nhưng khi thấy bộ đội ta hiền lành, vui vẻ, lễ phép với dân, không chửi thề dung tục, khác hẳn lính ngụy trước đây, nên không lâu sau mọi người đều thể hiện cảm tình tốt với cán bộ, chiến sĩ ta.
Ở thị trấn Cao Lãnh, đồng chí Đặng Tâm Quảng, Tỉnh uỷ viên, Bí thư Huyện uỷ Phú Châu được điều động về làm Bí thư thị trấn Cao Lãnh. Vùng thị trấn của ta quản lý phạm vi hai xã Hòa An và Mỹ Trà. Các xã xung quanh còn lại thuộc địa bàn lãnh đạo của Huyện uỷ Cao Lãnh. Đồng chí Đặng Tâm Quảng tổ chức học tập Hiệp định Genève cho cán bộ hai xã nầy, có kế hoạch thực hiện sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ về các công việc ở thị trấn Cao Lãnh.
Uỷ ban Quân quản được thành lập để quản lý vùng thị trấn Cao Lãnh. Ty Thông tin tỉnh Long Châu Sa đưa cán bộ chuyên môn cùng Ban Thông tin huyện Cao Lãnh về hoạt động tại thị trấn Cao Lãnh. Việc đầu tiên các đồng chí xóa bỏ các khẩu hiệu, hình thức tuyên truyền của địch, kẻ vẽ, treo dán khẩu hiệu, bích chương, băng-đơ-rôn của ta, vẽ nhiều bảng căng ngang đường nội dung trích từ Hiệp định Genève và những khẩu hiệu mừng hòa bình... Hệ thống loa truyền thanh trong nội ô thị trấn được phát triển thêm. Ty Thông tin cử hai họa sĩ Lê Vinh và Lê Thế về lo phần trang trí các phòng triển lãm, trưng bày các thành tựu của cách mạng. Đặc biệt là đồng chí Hiệp, cán bộ Ty Thông tin được giao nhiệm vụ kẻ một dòng khẩu hiệu lớn: Nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, dân chủ muôn năm trên vách bồn nước gần cầu Đúc. Người qua lại ai trông thấy cũng tấm tắc khen ngợi. Đoàn Văn công Ngũ Yến của tỉnh Long Châu Sa về hằng đêm dựng sân khấu dã chiến ở sân vận động Cao Lãnh, các xã biểu diễn cải lương. Các vở tuồng Trần Hưng Đạo bình Nguyên, Thoát vòng đau khổ, Cánh tay Vương Tá được nhân dân xem rất đông và hoan nghinh nhiệt liệt. Đoàn quân nhạc Quân khu 8 cũng về biểu diễn ca, múa, nhạc, kịch rất hấp dẫn. Các đội chiếu phim đêm đêm đến chiếu ở sân trường tiểu học và sân chợ các xã. Bộ đội đóng ở đâu đều dạy các em thiếu nhi ở đó các bài hát ca ngợi Đảng, Bác Hồ, ca ngợi hòa bình, các điệu vũ (múa) tập thể.
Thị trấn Cao Lãnh và các xã xung quanh những ngày nầy vui như hội. Nhân dân các tỉnh, ở Sài Gòn kéo về thăm chồng con đi bộ đội về đây đóng quân. Bà con thoải mái đi xem văn công, chiếu phim, triển lãm, tấp nập cả ngày lẫn đêm. Quân dân y tỉnh về tiếp quản nhà thương Cao Lãnh, đưa bác sĩ và nhiều y sĩ, y tá về phục vụ bệnh cho nhân dân. Đặc biệt là mở một phòng khám bệnh, cấy nhau (phi-la-tốp) ngày nào cũng có hằng trăm người tới xin được cấy nhau.
Những ngày nầy, thực sự là một cuộc đổi đời, lột xác ở thị trấn Cao Lãnh. Bộ đội ta chia từng đội làm vệ sinh đường phố, thụt cống rãnh bị nghẹt, quét dọn cỏ rác... làm phong quang, sạch đẹp đường phố. Dãy cầu tiêu dưới sông được dỡ bỏ. Bộ đội vận động nhân dân ăn ở giữ vệ sinh chung, không đi tiêu dưới sông, đào hố tiêu và dọn sạch rác ở bến chợ... Phái đoàn ta đấu tranh buộc Liên hiệp Pháp phải trả lại máy phát điện nhà đèn. Ta tăng giờ phát điện và gắn thêm đèn đường trong nội ô. Đang lúc nghỉ hè nhưng nhân dân yêu cầu chính quyền cách mạng mở lớp cho con em họ được học với thầy cách mạng. Các cấp lãnh đạo trong tỉnh cử một số cán bộ có trình độ văn hóa cao làm giáo viên. Không có bàn ghế, bà con tự đóng hoặc mua thùng gỗ mang vào lớp cho con em học. Các em được học văn hóa, được nghe kể chuyện kháng chiến, được dạy các điệu múa, các bài hát ca ngợi Bác Hồ, mừng hòa bình... Không khí học tập có chất lượng, vui tươi khác hẳn trước đó. Ở các xã đều mở các lớp bình dân học vụ, xóa mù chữ, bà con rất phấn khởi đi học rất đông. Chợ Cao Lãnh nhóm càng đông, mua bán tấp nập, do người các nơi đổ về đông. Thuế hoa chi được miễn, người mua bán rất mừng. Các mặt hàng vải may cờ, may quần áo, tiệm hủ tiếu... rất đắt khách, giá cả ổn định. Mặc dù địch cài lại mật thám và bọn ác ôn hòng ám sát, gây nổ, phá rối trật tự trị an, nhưng nhờ cảnh giác cao, lực lượng giữ gìn trật tự trong nội ô tuần tra ngày đêm, nơi bộ đội đóng quân đều canh gác, đã làm thất bại các âm mưu và thủ đoạn phá hoại của địch. Mỗi tối, theo từng xóm ấp, cán bộ địa phương cùng bộ đội tổ chức các buổi họp dân, tuyên truyền thắng lợi của ta, phổ biến nội dung Hiệp định Genève, trang bị lý lẽ, pháp lý để sau nầy đấu tranh với địch.
Để ghi nhớ công ơn các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc, Tỉnh uỷ Long Châu Sa giao nhiệm vụ cho Tiểu đoàn 311 xây dựng hai công trình Đài Chiến sĩ tại ngã tư đối diện lầu Mười Chuyển và tu bổ ngôi mộ cụ Phó bảng Nguyễn Sanh Huy ở gần miễu Trời Sanh.
Theo chỉ thị Tỉnh uỷ Long Châu Sa, tại các vùng ta tập kết, mặc dù bận rộn nhiều công việc nhưng lãnh đạo các địa phương cùng bộ đội quan tâm làm công tác dân vận, chăm lo công tác xã hội, phục vụ đời sống nhân dân, tu bổ mồ mả liệt sĩ... và đã làm được:
Ở xã Bình Thành đào kinh kháng chiến từ Cái Tre Tân Phú A tới ngọn Nhà Hay, Phong Mỹ dài mười ba cây số. Đào kinh từ Mũi Tàu tới gò Mười Tải dài bảy cây số. Từ gò Mười Tải lên Cà Dâm dài sáu cây số. Từ Mũi Tàu tới ranh Phong Mỹ (đường xuống Cả Mác) dài năm cây số. Từ gò Mười Tải tới trạm 15 dài sáu cây số. Ở Tân Phú A đào kinh Đặng Hòa Hiệp từ Ô Môi qua Cỏ Ống dài bảy cây số. Ở xã Tân Thành đào kinh Kháng Chiến từ ngọn Bắc Viện tới Dứt Gò Suông dài mười hai cây số. Trường học lợp ngói và cây lá được cất ở xã Bình Thành (ba trường), Tân Phú B (bốn trường), Tân Thành (năm trường), Tịnh Thới (một trường) và hầu hết các xã thuộc huyện Cao Lãnh đều có nhà Bảo sanh. Nhà Bảo sanh và trạm cứu thương được cất ở xã Bình Thành, Tân Phú A, Tân Phú B, Tân Thành. Chợ cũ Tân Thuận Tây được tái lập nhóm lại. Các con đường, các cây cầu ở các xã đều được tu sửa hoặc làm mới cho nhân dân đi lại dễ dàng. Chánh quyền cách mạng kịp thời cấp ruộng đất cho nông dân không đất ở các vùng địch tạm chiếm trước kia, làm cho nhân dân vô cùng vui mừng, biết ơn cách mạng.
Công sở Mỹ Trà là nơi tổ chức các phiên họp giữa hai phái đoàn đại diện Quân đội Nhân dân Việt Nam và Liên hiệp Pháp ở khu vực tập kết Đồng Tháp Mười. Khi các phiên họp diễn ra, nhân dân tụ họp bên ngoài rất đông để nghe qua hệ thống loa truyền thanh diễn biến và kết quả mỗi phiên họp.
Thời gian bộ đội tập kết về đây tuy ngắn ngủi nhưng là những ngày thấm đẫm tình nghĩa quân dân. Bộ đội lo cho dân, dân tận tình giúp đỡ bộ đội, góp phần làm chuyển biến lớn nhận thức của người dân vùng tạm chiếm, qua đó người dân hiểu biết hơn về cách mạng, thay đổi cách sống, cách nhìn và phân biệt rõ đâu chánh nghĩa, đâu tà, nắm được những hiểu biết cơ bản để đấu tranh với địch bảo vệ hòa bình, đòi tự do dân chủ, thống nhất đất nước. Trong những ngày tập kết, lãnh đạo từ tỉnh, huyện đến xã, thị trấn tất bật trăm công ngàn việc mới mẻ, vừa lo công tác xã hội lo cho đời sống nhân dân, vừa sắp xếp đội ngũ cán bộ ai ở lại, ai đi tập kết, tiến hành đổi tiền từ giấy bạc Cụ Hồ sang giấy bạc Đông Dương ngân hàng cho người dân.
Bến bắc Cao Lãnh từ ngày 06 tháng 10 năm 1954 bắt đầu những chuyến tàu chuyển bộ đội ta ra miền Bắc. Mỗi lần, có hàng ngàn người đứng dọc hai bên đường tới bến bắc, lưu luyến tiễn đưa con em mình xuống tàu ra Bắc. Những lời chúc, lời nhắn nhủ, những cái vẫy khăn, vẫy nón, những cánh tay giơ cao chìa ra hai ngón, tượng trưng cho hai năm sau sẽ gặp lại.
Sáng ngày 28 tháng 10 năm 1954, lễ bàn giao vùng tập kết diễn ra long trọng, thành cuộc mít tinh có trên năm ngàn người dân tham dự ở công sở Mỹ Trà. Hai bên đã ký biên bản bàn giao. Trong đó, phía Liên hiệp Pháp công nhận những thành tựu mà Quân đội Nhân dân Việt Nam đã làm được trong những ngày tập kết ở Cao Lãnh, hứa sẽ thực hiện đúng những gì đã ký. Và đến 0 giờ ngày 31 tháng 10 năm 1954, quân đội Liên hiệp Pháp chính thức trở lại vùng Đồng Tháp Mười.
Một chương lịch sử mới bắt đầu. Cuộc đấu tranh chánh trị hòa bình của nhân dân ta nhằm bảo vệ hòa bình, đời sống yên ổn, đòi địch nghiêm chỉnh thi hành những điều khoản trong Hiệp định Genève và trong biên bản bàn giao, đòi quan hệ Bắc Nam, đòi hiệp thương, thống nhất đất nước bắt đầu...
Nguyễn Đắc Hiền
(Trích: Hồi ký 100 ngày tập kết chuyển quân tại Cao Lãnh (1954) “Đi vinh quang - Ở anh dũng”, phần I: Cao Lãnh, Long Châu Sa những ngày thi hành Hiệp định Genève. Hồi ký xuất bản ngày 08/10/2014).
Xem toàn văn Hồi ký “Đi vinh quang - Ở anh dũng”