Thông qua Quy hoạch tỉnh Đồng Tháp thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
Cập nhật ngày: 23/02/2023 18:12:14
Bản quy hoạch tỉnh Đồng Tháp thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 chú trọng phát triển hài hòa, lấy hạnh phúc và chất lượng cuộc sống của người dân là cốt lõi và mục tiêu của sự phát triển.
Ngày 22/2, Hội đồng thẩm định tổ chức phiên họp thẩm định quy hoạch tỉnh Đồng Tháp thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là phiên họp thứ 26 của Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương chủ trì hội nghị. Ảnh: Đức Trung
Phát biểu tại Hội nghị thẩm định quy hoạch tỉnh Đồng Tháp, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, Phó Chủ tịch Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác quy hoạch. Thứ trưởng cho rằng, công tác quy hoạch là cơ hội tốt để sắp xếp lại không gian phát triển mới, tạo dư địa và động lực phát triển cho tỉnh, giải quyết triệt để được các nút thắt, điểm nghẽn mà giai đoạn trước chưa có cơ hội để thực hiện.
Để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được về phát triển kinh tế gắn với giải quyết tốt các vấn đề xã hội, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, Thứ trưởng chỉ rõ, Đồng Tháp cần xây dựng một bản quy hoạch có chất lượng, trong đó đưa ra được các phương án phát triển phát huy tối đa các tiềm năng, thế mạnh, giải quyết các khó khăn, thách thức, đẩy mạnh thu hút đầu tư có chọn lọc; xác định các trọng tâm, đột phá và đưa ra được các nhiệm vụ quan trọng cần thực hiện để tạo động lực phát triển xứng tầm là một trong những trung tâm động lực của vùng.
Đồng tình với quan điểm của Thứ trưởng, ông Phạm Thiện Nghĩa - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, nhận thức được những tồn tại, hạn chế trên, ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch theo Quyết định số 1195/QĐ-TTg ngày 5/8/2020, tỉnh đã tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác tổ chức lập quy hoạch, phối hợp cùng Liên danh tư vấn tổ chức tham vấn nhiều chủ thể ở nhiều cấp độ khác nhau từ các bộ, ngành Trung ương đến Hội đồng điều phối vùng, 12 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. “Đến thời điểm hiện tại, tỉnh đã thực hiện đầy đủ các quy trình, báo cáo, hội thảo, xin ý kiến các cấp, đồng thời hoàn thiện dự thảo quy hoạch cơ bản đáp ứng yêu cầu theo quy định của Luật Quy hoạch, Nghị định số 37/2019/NĐ-CP”, ông Phạm Thiện Nghĩa chia sẻ.
Ông Phạm Thiện Nghĩa - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, Tỉnh đã tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác tổ chức lập quy hoạch, phối hợp cùng Liên danh tư vấn tổ chức tham vấn nhiều chủ thể ở nhiều cấp độ khác nhau. Ảnh: Đức Trung
Ông Phạm Thiện Nghĩa cho biết, sự giàu có của tỉnh Đồng Tháp có được chính là nhờ vào sự hiện diện của những nguồn tài nguyên quý giá: thiên nhiên, cảnh quan, đa dạng sinh học, nền kinh tế nông nghiệp giàu truyền thống và cuối cùng là một lãnh thổ hấp dẫn cho du lịch sinh thái và nông nghiệp công nghệ cao. Đồng Tháp ít bị ảnh hưởng bởi quá trình công nghiệp hóa sơ khai và ô nhiễm ở giai đoạn trước, đồng thời cũng là tỉnh ít chịu ảnh hưởng bởi thiên tai và các rủi ro của biến đổi khí hậu. Hay nói cách khác, dường như mọi dư địa của quá khứ đều đã sẵn sàng để đón những cơ hội mới”.
“Chúng tôi không xem tài nguyên là vấn đề cốt lõi trong phát triển, mà coi yếu tố con người là vấn đề quan trọng nhất. Bản quy hoạch tỉnh Đồng Tháp chú trọng phát triển hài hòa, lấy hạnh phúc và chất lượng cuộc sống của người dân là cốt lõi và mục tiêu của sự phát triển”, ông Phạm Thiện Nghĩa cho hay.
Cũng tại hội nghị, đại diện UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, quy hoạch tỉnh Đồng Tháp đặt mục tiêu phát triển cân bằng, toàn diện và bền vững đến năm 2030. Nông nghiệp đổi mới là động lực chủ yếu, chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp thuần túy sang tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp đa dạng, đáp ứng nhu cầu thị trường. Phát triển tỉnh dựa trên chuyển đổi xanh và chuyển đổi số. Xem công nghiệp chế biến nông sản, công nghiệp vật liệu xây dựng, phát triển năng lượng tái tạo, chuyển đổi số là các mũi đột phá, hình thành hệ sinh thái công nghiệp bổ trợ (doanh nghiệp, khởi nghiệp, nông dân...) giúp Đồng Tháp chuyển mình từ một tỉnh di cư sang một tỉnh định cư, trở thành một điểm đến của chuỗi giá trị kinh tế nông nghiệp bền vững toàn cầu. Phát huy hiệu quả của chuỗi giá trị nguyên liệu - chế biến - kho vận - thương mại - xuất khẩu và lợi thế thương mại biên giới với Campuchia. Kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đô thị đầu tư đồng bộ, hiện đại. Khoa học, công nghệ, kinh tế tri thức được phát huy; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội thuộc nhóm tiên tiến của cả nước; đời sống vật chất, tinh thần và môi trường sống được nâng cao; mở rộng hợp tác, hội nhập sâu rộng với thế giới; xây dựng thế trận quốc phòng, an ninh vững chắc...
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Đức Trung
Tại hội nghị, các chuyên gia, các thành viên Hội đồng thẩm định đã góp ý cho Quy hoạch tỉnh Đồng Tháp. Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa cho biết, tỉnh sẽ tiếp thu đầy đủ, có báo cáo giải trình cụ thể từng nội dung, gửi xin ý kiến thống nhất của các thành viên Hội đồng thẩm định theo quy định trước khi triển khai các bước tiếp theo. Trên cơ sở kết quả thẩm định của Hội đồng thẩm định, ông Phạm Thiện Nghĩa khẳng định, tỉnh Đồng Tháp sẽ chỉ đạo các cơ quan, đơn vị khẩn trương, nghiêm túc tiếp thu đầy đủ và hoàn thiện các nội dung theo ý kiến của Hội đồng thẩm định.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Trần Quốc Phương đánh giá cao ý kiến của các chuyên gia, thành viên Hội đồng; đánh giá cao tinh thần cầu thị của tỉnh trong việc xây dựng, hoàn thiện quy hoạch.
Phó Chủ tịch Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh công bố kết quả bỏ phiếu, với 100% thành viên Hội đồng thẩm định đồng ý thông qua Quy hoạch với điều kiện chỉnh sửa, bổ sung.
Thứ trưởng đề nghị UBND tỉnh Đồng Tháp chỉ đạo đơn vị tư vấn và các cơ quan có liên quan tổ chức rà soát lại các quy định, chủ trương, xu thế mới trong phát triển kinh tế - xã hội, phát triển vùng, quy hoạch tổng thể Quốc gia, định hướng quy hoạch vùng... để tránh mâu thuẫn, xung đột.
“UBND tỉnh Đồng Tháp hoàn thiện hồ sơ quy hoạch đảm bảo chất lượng, tiến độ trên cơ sở tiếp thu giải trình toàn bộ ý kiến tham gia thẩm định và báo cáo thẩm định theo đúng quy định hiện hành; chịu trách nhiệm về tính chính xác của nội dung, số liệu trong báo cáo quy hoạch và hệ thống bản đồ, cơ sở dữ liệu trong hồ sơ quy hoạch; nghiên cứu tiếp thu đầy đủ các ý kiến của các bộ, ngành, chuyên gia phản biện để hoàn thiện quy hoạch đảm bảo chất lượng, tiến độ, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt”, Thứ trưởng giao nhiệm vụ.
Thành Nam
(lược ghi Theo kinhtevadubao.vn)