Thủ tướng lên đường dự Hội nghị thượng đỉnh G20 và thăm Nhật Bản

Cập nhật ngày: 27/06/2019 09:46:11

Sáng nay (27/6), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân, cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam rời Hà Nội lên đường tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 và thăm Nhật Bản. Chuyến đi diễn ra theo lời mời của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, từ ngày 27/6 - 1/7/2019. 

Theo lịch trình công tác, từ ngày 27/6-29/6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 tại thành phố Osaka, trong đó trọng tâm Hội nghị sẽ diễn ra ngày 28 và 29/6.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham gia tất cả các phiên họp chính và đóng góp ý kiến cho dự thảo Tuyên bố chung của Hội nghị thượng đỉnh G20. Dự kiến, Thủ tướng sẽ có các hoạt động tiếp xúc song phương trong khuôn khổ Hội nghị này.


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân rời Hà Nội lên đường tới Nhật Bản (ảnh: TTXVN)

Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết, đây là lần thứ 4 Việt Nam tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 với tư cách khách mời danh dự của các nước chủ nhà đăng cai tổ chức, trong đó Canada (năm 2010), Hàn Quốc (năm 2010), Đức (năm 2017) và Nhật Bản (năm 2019). Cùng tham gia với tư cách khách mời còn có Singapore, Thái Lan, Chile, Ai Cập, Senegal, Tây Ban Nha và Hà Lan.

Hội nghị thượng đỉnh G20 năm nay diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng chậm với nhiều rủi ro bất trắc do cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, xung đột thương mại Mỹ - Trung căng thẳng trở lại. Hợp tác và liên kết kinh tế tuy vẫn được thúc đẩy nhưng nhiều thể chế và diễn đàn đa phương gặp khó khăn. Các mạng công nghiệp lần thứ 4 liên tục phát triển mạnh với nhiều vấn đề đặt ra cần tăng cường hợp tác quốc tế để xử lý.

Từ ngày 30/6-1/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm Nhật Bản theo lời mời của Thủ tướng Shinzo Abe. Đây là lần thứ 4 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm Nhật Bản kể từ khi lên nắm quyền Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam vào năm 2016.

Việt Nam - Nhật Bản thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1973, hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Sâu rộng vì Hòa bình và Thịnh vượng ở Châu Á vào tháng 3/2014 nhân chuyến thăm cấp nhà nước tới Nhật Bản của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.

Trong những năm qua, quan hệ Việt Nam - Nhật Bản phát triển tốt đẹp, toàn diện, với sự tin cậy chính trị cao. Hai bên luôn phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương như Liên Hợp Quốc, APEC, ASEM, ASEAN... Cá nhân Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã thăm Việt Nam 4 lần, mời lãnh đạo cấp cao Việt Nam dự các Hội nghị thượng đỉnh G7 và G20.

Nhật Bản là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam, là đối tác cung cấp ODA lớn nhất, đối tác thứ 2 về đầu tư trực tiếp nước ngoài, đối tác lớn thứ 3 về du lịch, và đứng thứ 4 về đối tác thương mại.

Chuyến đi tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 và thăm Nhật Bản của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định chủ trương, đường lối đối ngoại do Đại hội Đảng lần thứ XII đề ra, chủ động tham gia và phát huy vai trò tại các cơ chế đa phương, tạo cơ sở tiếp tục đề cao vai trò và nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác đối ngoại đa phương; đồng thời quảng bá hình ảnh Việt Nam phát triển năng động, là đối tác tin cậy và có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.

Nhóm G20 được thành lập năm 1999. Sau cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ châu Á năm 1997 - 1998, G20 họp thường niên ở cấp Bộ trưởng Tài chính để thảo luận các vấn đề kinh tế- tài chính toàn cầu giữa các nước phát triển và các nền kinh tế mới nổi.

Năm 2008 khi nổ ra khủng hoảng tài chính toàn cầu, tổ chức Hội nghị thượng đỉnh thông qua Tuyên bố chung khẳng định cam kết chính trị ở cấp cao nhất về phối hợp hành động ứng phó với khủng hoảng. 

Quy mô của G20 chiếm 2/3 dân số thế giới, 90% GDP toàn cầu và 80% thương mại quốc tế.

Châu Như Quỳnh (Dân trí)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn