Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội kiến Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình
Cập nhật ngày: 05/11/2018 06:18:23
Ngày 4/11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu Đoàn cấp cao Việt Nam đã đến sân bay Hồng Kiều, Thượng Hải, bắt đầu chương trình tham dự Hội chợ nhập khẩu quốc tế Trung Quốc (CIIE 2018) lần thứ nhất trong hai ngày 4 và 5/11.
Ảnh: THỐNG NHẤT (TTXVN)
Lễ đón Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn được tổ chức trang trọng tại Sân bay quốc tế Hồng Kiều với dàn tiêu binh chỉnh tề đứng hai bên thảm đỏ. Về phía Trung Quốc có Phó Thị trưởng thành phố Thượng Hải, Đại sứ chỉ định của Trung Quốc tại Việt Nam Hùng Ba. Về phía Việt Nam có Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Đặng Minh Khôi, Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Thượng Hải Ninh Thành Công.
* Cùng ngày, tại thành phố Thượng Hải, Trung Quốc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc có cuộc hội kiến với Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chuyển lời thăm hỏi và cảm ơn của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tới Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gửi điện chúc mừng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được bầu giữ chức vụ Chủ tịch nước; chúc mừng những thành tựu của Trung Quốc đạt được trong 40 năm cải cách mở cửa; bày tỏ tin tưởng, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc do đồng chí Tập Cận Bình là hạt nhân, nhân dân Trung Quốc sẽ sớm xây dựng Trung Quốc trở thành đất nước hiện đại xã hội chủ nghĩa giàu mạnh, dân chủ, văn minh, hài hòa và tươi đẹp.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ hoan nghênh các sáng kiến của Trung Quốc đóng góp cho hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực và trên thế giới; hoan nghênh việc triển khai sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) theo hướng thúc đẩy hợp tác cùng có lợi, hỗ trợ các nước đang phát triển trong xây dựng kết cấu hạ tầng và kết nối BRI với triển khai khuôn khổ hợp tác “Hai hành lang, một vành đai” tại Việt Nam; khẳng định Việt Nam ủng hộ hợp tác Mê Công - Lan Thương gắn với khuôn khổ hợp tác tiểu vùng Mê Công mở rộng (GMS) vì quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn nước và phát triển bền vững của các nước.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, trên cơ sở thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, Việt Nam luôn coi trọng phát triển quan hệ hữu nghị, ổn định, lành mạnh và bền vững với Trung Quốc, coi đây là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị hai bên duy trì các chuyến thăm và tiếp xúc cấp cao, tăng cường tin cậy chính trị; thúc đẩy các cơ chế hợp tác quan trọng giữa hai Đảng, hai nước; phát huy hơn nữa tiềm năng của mỗi nước, thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác có tiến triển thực chất. Thủ tướng bày tỏ tin tưởng Hội chợ nhập khẩu quốc tế Trung Quốc sẽ mở ra những kênh hợp tác, phân phối mới thuận lợi, tập trung thúc đẩy thương mại chính ngạch, xây dựng thương hiệu để ngày càng có nhiều sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam được tiêu thụ tại thị trường Trung Quốc. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Trung Quốc mở cửa, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam vào Trung Quốc; có chính sách và biện pháp thiết thực để giảm mức nhập siêu lớn hiện nay của Việt Nam, hướng tới thương mại song phương tăng trưởng ổn định, bền vững. Thủ tướng cũng bày tỏ hoan nghênh các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam.
Về vấn đề trên biển, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh những kết quả tích cực của các cơ chế đàm phán và hợp tác trong lĩnh vực ít nhạy cảm trên biển giữa hai nước, cũng như những tiến triển bước đầu trong đàm phán thực chất Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc vừa qua; đồng thời đề nghị hai bên tôn trọng lợi ích chính đáng của nhau; thực hiện nghiêm túc nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước, thỏa thuận về các nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc; kiên trì giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông và khu vực.
Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhiệt liệt hoan nghênh Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam tham dự Hội chợ nhập khẩu quốc tế Trung Quốc lần thứ nhất; khẳng định điều này thể hiện sự coi trọng của Chính phủ Việt Nam đối với quan hệ Trung - Việt, đóng góp quan trọng vào sự thành công của hội chợ; nhấn mạnh Đảng, Nhà nước Trung Quốc coi trọng quan hệ với Việt Nam, nhất trí cùng Việt Nam duy trì tiếp xúc cấp cao, tăng cường tin cậy chính trị, thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác thực chất, mở rộng giao lưu nhân dân, củng cố quan hệ hữu nghị truyền thống, cùng duy trì hòa bình, ổn định trên biển, tạo môi trường thuận lợi cho quan hệ hai nước phát triển.
Về hợp tác kinh tế - thương mại, Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh, Trung Quốc không theo đuổi xuất siêu với Việt Nam, sẽ tăng cường nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam để thương mại hai nước phát triển theo hướng cân bằng, bền vững. Thời gian qua, Trung Quốc đã tiến hành nhiều biện pháp mở rộng nhập khẩu từ Việt Nam. Trong năm 2017, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc tăng 36,8%; trong thời gian tới, Trung Quốc sẽ tiếp tục thúc đẩy xu thế này.
* Chiều 4/11, tại thành phố Thượng Hải, nhân dịp dự Hội chợ nhập khẩu quốc tế Trung Quốc (CIIE 2018) lần thứ nhất, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì buổi tọa đàm với một số tập đoàn hàng đầu của Trung Quốc trong các lĩnh vực nông sản, tài chính, ngân hàng, xây dựng, giao thông, năng lượng và phân phối. Cùng dự có lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương và tập đoàn, doanh nghiệp Việt Nam.
Phát biểu tại tọa đàm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, sự phát triển tốt đẹp của mối quan hệ Việt Nam và Trung Quốc đã tạo nền tảng cho phát triển kinh tế - thương mại song phương Việt Nam - Trung Quốc đạt nhiều thành quả tích cực. Việt Nam duy trì được vị trí đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN. Thủ tướng cho biết, Việt Nam là nước xuất khẩu nông sản lớn thứ 15 trên thế giới và đứng thứ hai trong các nước ASEAN. Nhiều nông sản của Việt Nam giữ vị trí tốp đầu trên thế giới như lúa gạo, hồ tiêu, cà-phê, điều, cá ba sa, tôm,… Nhiều chuỗi cung ứng trái cây như thanh long, xoài, nhãn, vải, chôm chôm, bưởi, dưa hấu… thực hành theo quy trình nông nghiệp sạch, thông minh được xuất khẩu đi nhiều quốc gia có tiêu chuẩn nhập khẩu nghiêm ngặt. Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, mặc dù Trung Quốc là thị trường tiêu thụ nông sản lớn nhất của Việt Nam với nhiều mặt hàng được người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng, song các mặt hàng nông sản của Việt Nam hiện mới được biết đến và tiêu thụ rộng rãi ở các địa phương phía nam mà chưa thâm nhập được sâu vào thị trường nội địa Trung Quốc. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn các doanh nghiệp Trung Quốc hợp tác nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam, hướng tới cân bằng cán cân thương mại song phương và mong các doanh nghiệp hai bên kết nối hợp tác để hai bên cùng thắng. Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp đóng góp những ý tưởng, khuyến nghị đối với sự phát triển của Việt Nam và để phát huy tiềm năng, thế mạnh của mỗi bên.
Đánh giá cao tiềm năng thị trường Việt Nam, các doanh nghiệp Trung Quốc đều thể hiện mong muốn sẽ tiếp tục đầu tư và mở rộng đầu tư vào Việt Nam. Nhiều ý kiến đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc cải thiện môi trường đầu tư thông thoáng, qua đó dòng vốn đầu tư vào Việt Nam ngày càng tăng. Các doanh nghiệp Trung Quốc cam kết hỗ trợ để sản phẩm Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào thị trường Trung Quốc. Các doanh nghiệp Trung Quốc cho biết sẽ tăng cường đầu tư vào nhiều lĩnh vực tại Việt Nam như nông nghiệp sạch; thực phẩm; trong đó ngoài thương mại, chuyển giao kỹ thuật, hai bên có thể tính đến hợp tác đầu tư xây dựng hạ tầng tại Việt Nam.
* Cùng ngày, tại Thượng Hải, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có buổi gặp mặt và trao đổi cùng lãnh đạo một số tập đoàn lớn của Trung Quốc hoạt động trong các lĩnh vực tài chính, xây dựng và phát triển hạ tầng. Tại buổi tiếp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ ấn tượng trước những thành tựu trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và đầu tư của các tập đoàn này tại Trung Quốc và trên thế giới.
Lãnh đạo các tập đoàn Trung Quốc đánh giá cao những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, đồng thời khẳng định sẽ tiếp tục đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam trong các lĩnh vực tài chính, bảo hiểm, ngân hàng, đầu tư, năng lượng, hạ tầng giao thông. Các tập đoàn cũng bày tỏ mong muốn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ và các cơ quan hữu quan của Việt Nam quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để tham gia vào các dự án lớn tại Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh và đánh giá cao kế hoạch đầu tư và mở rộng đầu tư của Tập đoàn Tài chính Bình An và Tập đoàn Greenland vào thị trường Việt Nam. Thủ tướng tán thành với các lĩnh vực mà các tập đoàn quan tâm và mong muốn triển khai đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam như: nông nghiệp, thực phẩm, tài chính và phát triển hạ tầng giao thông, xây dựng đường cao tốc. Thủ tướng giao lãnh đạo các bộ, ngành tiếp thu đề xuất của các doanh nghiệp tại buổi tiếp và có buổi làm việc cụ thể, triển khai ý tưởng đầu tư, kinh doanh này. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn các doanh nghiệp Trung Quốc đẩy mạnh hơn nữa xuất khẩu nông - thủy - hải sản của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Chính phủ sẽ tạo mọi điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các nhà đầu tư Trung Quốc, đầu tư vào Việt Nam thành công.
Theo NDĐT