Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: "Không để xã hội bức xúc kéo dài"

Cập nhật ngày: 02/07/2018 16:09:27

“Chúng ta không để tình trạng xã hội bức xúc kéo dài, ảnh hưởng đến sự ổn định lâu dài của đất nước, niềm tin của nhân dân, đến thế hệ mai sau. Cần quan tâm lợi ích chính đáng của nhân dân. Đây là yêu cầu cần thiết đối với mọi cấp, mọi ngành”- Thủ tướng khẳng định.

Ngày 2/7, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá tình hình kinh tế - xã hội sáu tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ sáu tháng cuối năm 2018.

Tham dự, có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Phạm Minh Chính, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tổ chức T.Ư; Nguyễn Văn Bình, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Kinh tế T.Ư; Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; các đồng chí Bí thư T.Ư Đảng: Nguyễn Hòa Bình, Chánh án Toà án nhân dân tối cao; Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam; các Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trịnh Đình Dũng; Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh; lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan T.Ư. Tại điểm cầu, có đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh.

Phát biểu ý kiến mở đầu hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của Hội nghị trong việc đánh giá tình hình sau nửa chặng đường năm 2018, nhất là “nhìn nhận yếu kém, tồn tại, nguy cơ đặt ra đối với sự điều hành, quản lý kinh tế - xã hội của đất nước”. Từ đó, Chính phủ có biện pháp cụ thể hiệu quả hơn để xử lý, khắc phục kịp thời trong sáu tháng cuối năm.

Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương không nêu nhiều thành tích mà cái chính là đưa ra giải pháp sát, đúng với tình hình đất nước, các địa phương, các vùng; tập trung thảo luận 18 vấn đề chủ yếu như kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển công nghiệp hỗ trợ, phát triển đô thị, kinh tế tư nhân, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, bảo đảm an sinh, an toàn xã hội và các vấn đề xã hội bức xúc khác…

Nhìn nhận tình hình kinh tế - xã hội sáu tháng qua, Thủ tướng đánh giá khái quát là tình hình tiếp tục phát triển, có nhiều chuyển biến tốt, toàn diện trên các lĩnh vực, nổi bật như GDP sáu tháng tăng 7,08%, cả ba khu vực (công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ) đều tăng cao hơn cùng kỳ.

“Ngân hàng Thế giới dự báo kinh tế Việt Nam tăng trên 6,8%, lạm phát vẫn giữ được 4%. Theo xếp hạng tín nhiệm Fitch, Việt Nam là nước tăng trưởng nhanh nhất tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đó là nhận định của người ta, của định chế tài chính lớn, phân tích khách quan nhưng ta có làm được điều đó không, chính là do quyết tâm của chúng ta, đổi mới sáng tạo của chúng ta trong chỉ đạo, điều hành. Nếu chùn bước, không làm được gì thì không bao giờ đạt con số mà họ nhận định”, Thủ tướng chia sẻ để các bộ, ngành, địa phương cùng suy nghĩ cần làm gì để đóng góp vào sự phát triển đất nước.

Cho biết thời gian qua, xảy ra nhiều vụ kỷ luật, nhiều vụ án, Thủ tướng nêu rõ, “không phải vì thế mà chúng ta chùn bước trong phát triển, trong thực thi công vụ với tư cách là lãnh đạo của ngành, địa phương trong việc thực hiện các mục tiêu kinh tế-xã hội của đất nước”.

“Anh nào chần chừ, không làm việc, không xông pha để làm ra sản phẩm, hoàn thành tốt nhiệm vụ là vấn đề đáng suy nghĩ”, Thủ tướng phát biểu. Thủ tướng nhìn nhận, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, đạt các kết quả trên là sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, người dân, cần phát huy hơn nữa trong thời gian tới.

Về các khó khăn, thách thức hiện nay, trước tiên, Thủ tướng chỉ ra ba vấn đề trong lĩnh vực xã hội: thiên tai, vấn đề an ninh trật tự và các vấn đề bức xúc xã hội khác. Theo đó, Thủ tướng cho rằng, chúng ta có đủ khả năng, đủ điều kiện để lập lại trật tự xã hội, bảo đảm cuộc sống bình yên của người dân, tạo môi trường đầu tư ổn định để đất nước phát triển đúng hướng.

Đối với các vấn đề xã hội bức xúc, Thủ tướng cho biết, thời gian qua có nhiều đại biểu Quốc hội, nhiều ý kiến phản ánh về tình trạng an toàn giao thông, lừa đảo, xâm hại trẻ em, bạo lực học đường, an toàn thực phẩm, vệ sinh trong trường học, bệnh viện, tham nhũng, lợi ích nhóm, đề bạt cán bộ… “Chúng ta không để tình trạng xã hội bức xúc kéo dài, ảnh hưởng đến sự ổn định lâu dài của đất nước, niềm tin của nhân dân, đến thế hệ mai sau. Cần quan tâm lợi ích chính đáng của nhân dân. Đây là yêu cầu cần thiết đối với mọi cấp, mọi ngành”- Thủ tướng khẳng định.

Về những khó khăn, thách thức trong lĩnh vực kinh tế, Thủ tướng điểm ra, đầu tiên là sức ép lạm phát sáu tháng cuối năm khi mà CPI sáu tháng qua tăng mạnh, 0,61%, cao nhất trong bảy năm qua (chủ yếu là nhóm mặt hàng xăng dầu, ăn uống, giao thông, vật liệu xây dựng). Đây là vấn đề cần tập trung thảo luận tại hội nghị và phải có giải pháp cụ thể để kiểm soát lạm phát năm nay không quá 4%. Thủ tướng nhắc lại chủ trương không tăng giá điện trong năm nay, giá dịch vụ y tế thì có đủ điều kiện mới tăng trên tinh thần giữ lạm phát không quá 4%.

HÀ THANH GIANG - Ảnh: TRẦN HẢI (NDĐT)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn