Thủ tướng: “Phải có kỷ luật “sắt” trong thực hiện Chính phủ điện tử"

Cập nhật ngày: 20/09/2018 22:41:16

Theo Thủ tướng, phải áp dụng kỷ luật “sắt” trong tổ chức thực hiện Chính phủ điện tử, tránh tình trạng công việc bị đẩy qua đẩy lại.

Sáng 20/9, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử, chủ trì phiên họp lần thứ nhất Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử. Phiên họp diễn ra không lâu sau khi Thủ tướng ký Quyết định thành lập Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử vào cuối tháng 8 vừa rồi.

Cùng dự có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử, các thành viên Ủy ban. 


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp

Phát biểu khai mạc tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, việc thành lập Ủy ban với sự tham gia của Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng thể hiện quyết tâm chính trị rất cao để triển khai Chính phủ điện tử. Với việc Ủy ban có đại diện của 4 doanh nghiệp công nghệ thông tin lớn, Thủ tướng tướng cho rằng, điều này cho thấy tinh thần hợp tác công-tư trong xây dựng Chính phủ điện tử. 

Gợi ý các nội dung thảo luận tại phiên họp, Thủ tướng nêu vấn đề, phải chăng rào cản của xây dựng Chính phủ điện tử chính là những người làm việc trong cơ quan hành chính, sự thiếu quyết tâm của người đứng đầu, sự né tránh của cán bộ công chức để không phải minh bạch công khai? Thủ tướng cũng yêu cầu các thành viên Ủy ban thảo luận về chỉ tiêu cần đạt được trong từng giai đoạn; xây dựng khung kiến trúc Chính phủ điện tử với các yếu tố nền tảng cần thiết; đảm bảo nguồn lực ưu tiên, kể cả tài chính, phục vụ cho triển khai Chính phủ điện tử...

Theo báo cáo của Văn phòng Chính phủ, xếp hạng Chính phủ điện tử của Liên hợp quốc năm 2018 cho thấy, Việt Nam đứng thứ 88/193 quốc gia, vùng lãnh thổ và đứng thứ 6/11 nước trong khu vực ASEAN. Thực hiện Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử (phiên bản 1.0) năm 2015, đến nay cả nước đã có trên 50 bộ, ngành, địa phương nghiên cứu và xây dựng Kiến trúc Chính phủ/Chính quyền điện tử và đến nay đã xây dựng và vận hành Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.  

Thế nhưng, vẫn còn khá nhiều tồn tại, trong đó hệ thống nền tảng kết nối, liên thông, tích hợp chia sẻ dữ liệu triển khai chậm. Một số cơ sở dữ liệu quốc gia là nền tảng xây dựng Chính phủ điện tử như dân cư, đất đai quốc gia, tài chính còn chậm triển khai dẫn đến việc chia sẻ, dùng chung các hệ thống thông tin chưa được thực hiện.

Đặc biệt, việc triển khai Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư “dậm chân tại chỗ”. Dịch vụ công trực tuyến được thiết kế riêng lẻ, rời rạc, chưa thân thiện, chưa lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm. Mặc dù số lượng dịch vụ công mức 3, mức 4 triển khai tại các bộ, ngành, địa phương ngày càng tăng, tuy nhiên số lượng hồ sơ trực tuyến theo từng dịch vụ rất thấp, thậm chí nhiều dịch vụ không phát sinh hồ sơ trực tuyến.  

Báo cáo tại phiên họp, quyền Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Bộ đang hoàn thiện việc chỉnh sửa Kiến trúc Chính phủ điện tử để trình Chính phủ thông qua trong năm 2018 trên tinh thần cụ thể hóa để các bộ, ngành đều dễ triển khai. Trong bối cảnh nguồn lực Nhà nước còn hạn hẹp, quyền Bộ trưởng đề nghị huy động nguồn lực ngoài ngân sách để xây dựng Chính phủ điện tử, nhất là nguồn lực doanh nghiệp thông qua sử dụng hình thức hợp tác công - tư, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư và thu phí một số dịch vụ công.

"Về nguồn lực cho Chính phủ điện tử, có thể huy động doanh nghiệp đầu tư; Quỹ viễn thông công ích mà Bộ Thông tin và Truyền thông đang quản lý hiện có khoảng 5.000 tỷ, cuối năm nay sẽ tăng lên khoảng 6.000 tỷ; đầu tư từ ngân sách; hỗ trợ của doanh nghiệp bưu chính viễn thông và công nghệ thông tin trong giai đoạn đầu. Ví dụ hạ tầng viễn thông, hạ tầng công nghệ thông tin, giai đoạn đầu doanh nghiệp hỗ trợ chưa tính tiền; đầu tư phát triển phần mềm cho Chính phủ điện tử. Doanh nghiệp bỏ tiền đầu tư, dựng lên một phần mềm, ứng dụng chạy được, sau khi chạy tốt rồi thì lúc đó mới tính chuyện thuê, mua để bù lại cho họ", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng thông tin thêm.

Sau khi nghe các thành viên Ủy ban có ý kiến, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kết luận phiên họp. Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các địa phương phải chịu trách nhiệm về việc triển khai nhiệm vụ xây dựng Chính phủ điện tử tại đơn vị mình quản lý.

"Hôm nay chúng ta họp phiên đầu tiên này, chúng ta muốn thể hiện một tinh thần, một quyết tâm chính trị cao và quyết liệt tháo gỡ những vướng mắc để tiến tới xây dựng thành công Chính phủ điện tử ở Việt Nam, nâng hạng Chính phủ điện tử ở Việt Nam để phục vụ nhân dân, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc tốt nhất. Chính vì vậy các đồng chí lưu ý là phải biết cách tổ chức công việc, phân công công việc, đôn đốc triển khai công việc một cách hợp lý", Thủ tướng nêu rõ và nhấn mạnh cần phải có một kỷ luật sắt trong tổ chức thực hiện, không để kéo dài, đổ qua đổ lại trong công việc làm ảnh hưởng đến tiến độ trong quá trình xây dựng Chính phủ điện tử. 

Nêu ví dụ về việc ngay trong một bộ đã có tình trạng chồng chéo về xây dựng dữ liệu, Thủ tướng yêu cầu việc xây dựng Chính phủ điện tử phải có đầu mối thống nhất, không để tình trạng “người người, nhà nhà” làm dự án công nghệ thông tin, từ đó tiết kiệm nguồn lực quốc gia.

Trong quá trình triển khai Chính phủ điện tử, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý phải kế thừa, phát triển các chương trình ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ quyết liệt hơn, liên tục hơn. Phát huy hơn nữa vai trò người đứng đầu các cấp hành chính. Phải gắn kết chặt chẽ đồng bồ giữa cải cách hành chính với đổi mới lề lối phương thức làm việc, xác định ứng dụng công nghệ thông tin là công cụ hữu hiệu hỗ trợ đẩy mạnh cải cách hành chính, trong đó lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm.

Thủ tướng yêu cầu phải lấy sự hài lòng của tổ chức cá nhân làm thước đo của việc phát triển Chính phủ điện tử, tránh tình trạng “trên nóng dưới lạnh”. 


Thủ tướng chứng kiến ký kết các thỏa thuận hợp tác

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì phối hợp với Văn phòng Chính phủ trong tháng 10/2018 khẩn trương xây dựng Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam phiên bản 2.0 phù hợp với xu hướng phát triển Chính phủ điện tử trên thế giới và bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành. Bộ cũng chủ trì sửa đổi Nghị định 102/2009 và Quyết định số 80/2014 của Thủ tướng Chính phủ, hoàn thành vào tháng 11 năm nay. 

Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử giao bộ chủ quản cơ sở dữ liệu quốc gia đẩy nhanh tiến độ xây dựng hoàn thiện dữ liệu quốc gia dân cư, bảo hiểm, tài chính, đất đai, đăng ký doanh nghiệp, công bố các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật để tích hợp chia sẻ dữ liệu với các hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương. Trong đó, trước mắt ưu tiên hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. 

Với tinh thần xã hội hóa nguồn lực, Thủ tướng tán thành với các bộ, ngành, đồng thời giao Bộ Tài chính nghiên cứu huy động các nguồn đầu tư để triển khai Chính phủ điện tử, trong đó có cả doanh nghiệp và các nguồn từ các tổ chức quốc tế. 

Tại phiên họp, Thủ tướng chứng kiến ký kết các thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực Chính phủ điện tử giữa Văn phòng Chính phủ với Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam; Quy chế phối hợp giữa Văn phòng Chính phủ với Bộ Thông tin và Truyền thông và Ban Cơ yếu Chính phủ.

Vũ Dũng/VOV

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn