Thủ tướng Phạm Minh Chính: Năm 2023, phấn đấu đạt tăng trưởng GDP trên 5%
Cập nhật ngày: 08/11/2023 10:49:23
Sáng nay 8/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã báo cáo giải trình, làm rõ các vấn đề và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về một số vấn đề đại biểu (ĐB) Quốc hội, đồng bào cử tri cả nước quan tâm.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên họp sáng 8/11 (Ảnh: QUANG PHÚC)
Thủ tướng Chính phủ cho biết, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục xu hướng tích cực, tháng sau cao hơn tháng trước, đạt được những kết quả quan trọng trên các lĩnh vực. Lạm phát tiếp tục được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng CPI bình quân 10 tháng tăng 3,2%; khu vực công nghiệp phục hồi tích cực, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 10 tăng 5,5% so với tháng trước, tăng 4,1% so với cùng kỳ. Các khu vực nông nghiệp, dịch vụ tiếp tục tăng trưởng tốt, xuất khẩu nông sản 10 tháng đạt 43,08 tỷ USD, vừa đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia, vừa xuất khẩu 7,12 triệu tấn gạo, trị giá 3,97 tỷ USD. Trong đó, lạm phát 10 tháng tăng 3,2%, kim ngạch xuất, nhập khẩu 10 tháng đạt khoảng 558 tỷ USD...
Tuy nhiên, kinh tế xã hội còn hạn chế, bất cập; sản xuất kinh doanh tiếp tục gặp khó khăn; thị trường lao động, việc làm trong một số lĩnh vực suy giảm; tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên còn cao; thiên tai, bão lũ, sạt lở đất tiếp tục ảnh hưởng lớn đến khu vực miền Trung…
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh sẽ tập trung thúc đẩy các động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu); thực hiện các chính sách hỗ trợ tăng tổng cầu, nhất là các chính sách tài khóa, tiền tệ; tăng khả năng tiếp cận tín dụng, đất đai, mở rộng thị trường, đa dạng sản phẩm, chuỗi cung ứng; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; thu hút vốn đầu tư xã hội, đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài; thúc đẩy phát triển mạnh công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo.
Cùng với đó, Chính phủ đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước và thúc đẩy xuất khẩu, tận dụng tốt cơ hội thị trường vào dịp cuối năm, lễ, tết; bảo đảm ổn định giá cả, thị trường, nhất là những mặt hàng thiết yếu; theo dõi sát, nắm chắc diễn biến tình hình, phản ứng chính sách kịp thời, linh hoạt, hiệu quả với những vấn đề mới phát sinh; nỗ lực phấn đấu đạt mức cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch năm 2023, trong đó tăng trưởng GDP đạt trên 5%, tạo đà cho việc thực hiện kế hoạch năm 2024.
Thủ tướng Phạm Minh Chính báo cáo giải trình tại phiên họp sáng 8/11 (Ảnh: QUANG PHÚC)
Về hoàn thiện các cơ chế chính sách pháp luật, Thủ tướng nhấn mạnh việc tiếp tục rà soát, giải quyết vướng mắc pháp lý, nhất là về định giá đất, nhà ở, đất đai, bất động sản, quy hoạch, đấu thầu, đầu tư, xây dựng…; rà soát, đơn giản hóa điều kiện, quy định kinh doanh, quy trình thủ tục về thẩm định, phê duyệt các dự án đầu tư, xây dựng; các thủ tục hành chính liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp…
Thủ tướng khẳng định quan điểm kiên quyết đảm bảo giữ vững an ninh năng lượng quốc gia..
Thủ tướng cũng báo cáo Quốc hội có 5 chỉ tiêu dự kiến không đạt, trong đó có chỉ tiêu tăng trưởng GDP, GDP bình quân đầu người, tốc độ tăng năng suất lao động…
Thủ tướng Phạm Minh Chính tại phiên chất vấn sáng 8/11 (Ảnh: QUANG PHÚC)
Chưa phát huy hết tiềm năng du lịch Việt Nam
Là ĐB đầu tiên chất vấn Thủ tướng, ĐB Nguyễn Ngọc Sơn (Hải Dương) chất vấn rằng, du lịch là một trong 3 ngành kinh tế mũi nhọn, nhưng ngành du lịch Việt Nam có nhiều tồn tại, hạn chế, chưa phát huy hết tiềm năng. Định hướng, giải pháp, chính sách của Chính phủ để phát triển ngành du lịch là gì?
Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (Hải Dương) chất vấn sáng 8-11 (Ảnh: QUANG PHÚC)
Trả lời, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, tài nguyên du lịch của Việt Nam rất phong phú cả về truyền thống lịch sử, văn hóa, cảnh quan, môi trường, nhất là lợi thế về chiều dài bờ biển; con người Việt Nam thân thiện, hiếu khách.. Nhưng Thủ tướng cũng thừa nhận, chúng ta chưa phát huy hết tiềm năng du lịch.
Nguyên nhân thì có nhiều, cả về vấn đề quy hoạch, thể chế chính sách, con người, nguồn lực đầu tư… đối với ngành kinh tế có tính hội nhập quốc tế cao như du lịch.
Về giải pháp, Thủ tướng cho rằng, cần thể chế hóa, cụ thể hóa chủ trương của Đảng về phát triển ngành kinh tế mũi nhọn; cần triển khai có hiệu quả chủ trương của Đảng, đường lối chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Cùng với đó phải phát triển có trọng tâm, trọng điểm trong đầu tư hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực. Mặt khác, phải có sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp các ngành trong phát triển.
Thủ tướng Phạm Minh Chính trả lời chất vấn sáng 8/11 (Ảnh: QUANG PHÚC)
Trước đó, báo cáo Quốc hội tại phiên khai mạc sáng 23/10, Chính phủ cho biết tăng trưởng GDP đạt 4,24%, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 3,16% sau 9 tháng đầu năm. Thị trường tiền tệ, ngoại hối cơ bản ổn định, mặt bằng lãi suất giảm. Xuất nhập khẩu tăng dần qua các tháng, 9 tháng xuất siêu gần 22 tỷ USD.
Tuy vậy, Chính phủ thừa nhận, kinh tế chịu tác động từ yếu tố bất lợi bên ngoài, hạn chế bên trong kéo dài nhiều năm. Sức cạnh tranh, chống chịu của nền kinh tế còn hạn chế. Chính phủ sẽ tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Các giải pháp đưa ra sẽ thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng, gồm: đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu.
Về dự án giao thông, báo cáo Chính phủ cho biết trong 9 tháng qua, Việt Nam đã đưa vào sử dụng gần 660km cao tốc, nâng tổng chiều dài các tuyến cao tốc toàn quốc lên 1.822km. Các tuyến hoàn thành năm 2023 là Cao Bồ - Mai Sơn, Mai Sơn - Quốc lộ 45, Cam Lộ - La Sơn, Trung Lương - Mỹ Thuận, Vân Đồn - Móng Cái, Phan Thiết - Dầu Giây, Nha Trang - Cam Lâm, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu.
Nhiều dự án lớn được khởi công gồm 12 đoạn cao tốc Bắc Nam; 3 dự án trục Đông Tây; nhà ga hành khách T3 sân bay Tân Sơn Nhất; sân bay Long Thành. Dự kiến 5 cao tốc được khởi công cuối năm nay là đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa; Rạch Sỏi - Bến Nhất; Gò Quao - Vĩnh Thuận; Chợ Chu - ngã ba Trung Sơn; Hòa Liên - Túy Loan; hoàn thành tuyến Mỹ Thuận - Cần Thơ trong đó có cầu Mỹ Thuận 2.
Năm 2024, Chính phủ phấn đấu hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền xem xét đề án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.
Chính phủ cũng cho biết sẽ đẩy nhanh tiến độ xây dựng một số tuyến đường sắt quan trọng quốc gia và triển khai kết luận của Bộ Chính trị về phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; thúc đẩy các dự án đường bộ cao tốc, đảm bảo hoàn thành mục tiêu toàn quốc có 3.000km năm 2025.
Chính phủ cũng sẽ thực hiện cải cách chính sách tiền lương đối với khu vực công theo Nghị quyết số 27 của Trung ương từ ngày 1-7-2024. Từ năm 2025 trở đi, tiền lương tiếp tục điều chỉnh, tăng bình quân 7%/năm đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, cho đến khi mức lương thấp nhất bằng hoặc cao hơn mức lương thấp nhất vùng của khu vực doanh nghiệp. Chính phủ cũng sẽ tiếp tục điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng, chính sách tiền lương đối với khu vực doanh nghiệp.
Theo PHAN THẢO (NDO)