Thực hiện đầy đủ các hoạt động chuẩn bị cho kỳ họp Quốc hội

Cập nhật ngày: 18/05/2023 05:13:24

ĐTO - Hướng tới kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, phóng viên Báo Đồng Tháp có cuộc trao đổi với ông Trần Văn Sáu - Ủy viên Ủy ban Xã hội của Quốc hội, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Đồng Tháp về công tác chuẩn bị cho kỳ họp.


Ông Trần Văn Sáu - Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp

Phóng viên (PV): Xin ông cho biết những vấn đề quan trọng được đặt ra trong chương trình nghị sự của Quốc hội tại kỳ họp này?

Ông Trần Văn Sáu: Kỳ họp thứ 5, Quốc hội dự kiến khai mạc vào ngày 22/5/2023 và bế mạc ngày 23/6/2023. Kỳ họp tiến hành theo 2 đợt: đợt 1 từ ngày 22/5 - 10/6, đợt 2 từ ngày 19/6 - 23/6. Quốc hội sẽ tập trung xem xét các nội dung quan trọng như sau: Đối với công tác lập pháp, Quốc hội sẽ thông qua 8 dự án luật, 2 nghị quyết; cho ý kiến đối với 8 dự án luật khác, trong đó có một số dự án luật quan trọng cần được tập trung thảo luận như: Luật Hợp tác xã, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Luật Nhà ở, Luật Giá và Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn, công tác nhân sự, chất vấn và trả lời chất vấn...

Bên cạnh đó, Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021; xem xét báo cáo về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022. Đồng thời, Quốc hội còn giám sát tối cao việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng và tiến hành chất vấn một số Bộ trưởng về những vấn đề mà đại biểu Quốc hội, cử tri quan tâm kiến nghị...

PV: Thưa ông, để chuẩn bị cho kỳ họp sắp tới, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp tập trung những hoạt động nào? Ngoài tham gia kỳ họp, Đoàn ĐBQH tỉnh có những hoạt động gì khác?

Ông Trần Văn Sáu: Để chuẩn bị kỳ họp thứ 5, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp đã tổ chức giám sát các chuyên đề phục vụ cho kỳ họp, tổ chức lấy ý kiến góp ý của các ngành có liên quan và Nhân dân đối với các dự án luật. Cùng với đó, Đoàn ĐBQH đã tổ chức tiếp xúc cử tri tại các địa phương trong tỉnh và tiếp xúc cử tri chuyên đề để lắng nghe, ghi nhận tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của cử tri gửi đến đến Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương. Qua đó, Đoàn ĐBQH tỉnh đã ghi nhận được nhiều thông tin, làm cơ sở để ĐBQH tham gia góp ý các dự án luật, thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, nhất là những vấn đề cử tri quan tâm kiến nghị, các nội dung góp ý có liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của Nhân dân...

Ngoài ra, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp dự kiến sẽ đăng ký làm việc với Chính phủ, các Bộ, ngành về nội dung kiến nghị của cử tri và của tỉnh về các dự án trọng điểm phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và của vùng.

PV: Xin ông cho biết kỳ vọng của cử tri Đồng Tháp gửi gắm đến Quốc hội trong kỳ họp lần này?

Ông Trần Văn Sáu: Thông qua các buổi tiếp xúc cử tri tại các địa phương trong tỉnh và hội nghị góp ý về nội dung, chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đối với lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp đã lắng nghe, ghi nhận những tâm tư, nguyện vọng và kiến nghị của cử tri gửi tới kỳ họp Quốc hội lần này.

Qua các buổi tiếp xúc, cử tri và Nhân dân đánh giá cao sự lãnh đạo, chỉ đạo cương quyết của Trung ương trong việc đẩy mạnh điều tra, xử lý các vụ việc tham nhũng, tiêu cực, tuy nhiên, cử tri kiến nghị cần có giải pháp tiếp tục nâng cao chất lượng xét xử, giải quyết các vụ án, nhất là án tham nhũng. Cử tri mong muốn Chính phủ, các Bộ, ngành tiếp tục chủ động phương án phòng, chống thiên tai, biến đổi khí hậu nhằm hạn chế tối đa thiệt hại đến sản xuất và đời sống của người dân; tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh, nhất là dịch Covid-19, không để dịch bùng phát trở lại. Đồng thời, tiếp tục thực hiện có hiệu quả chính sách an sinh xã hội, nâng mức hỗ trợ cho các đối tượng bảo trợ xã hội, giải quyết việc làm cho người dân; tăng cường công tác quản lý thông tin, ngăn chặn xử lý kịp thời các thông tin xấu, sai sự thật; cần có chính sách, giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn trong sản xuất nông nghiệp cho nông dân; tình hình khan hiếm cát san lấp các công trình.

Cử tri cũng tham gia đóng góp nhiều ý kiến đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và kiến nghị với Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương tiếp tục triển khai có hiệu quả các dự án đầu tư thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; kiến nghị Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Ban Quản lý dự án đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ mở đường dân sinh, đường nước tưới tiêu để phục vụ việc đi lại, sản xuất của người dân. Cùng với đó, UBND tỉnh Đồng Tháp kiến nghị Chính phủ có cơ chế đầu tư công nhà máy xử lý rác thải hoàn chỉnh, sau đó tổ chức đấu thầu giao cho tư nhân quản lý khai thác, góp phần đảm bảo vệ sinh môi trường và đạt tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới. Tỉnh kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm bố trí kinh phí đầu tư xây dựng hạ tầng các vùng sản xuất cá tra giống, tập trung trên địa bàn các huyện: Cao Lãnh, Tân Hồng, Lấp Vò, Châu Thành và thành phố Hồng Ngự với diện tích gần 500 ha và nhiều ý kiến góp ý quan trọng khác...

Tất cả những kiến nghị, đề xuất của cử tri và UBND tỉnh đối với Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương, Đoàn ĐBQH tỉnh tiếp thu, ghi nhận đầy đủ để chuyển tải những nguyện vọng của cử tri gửi gắm đến kỳ họp Quốc hội lần này.

PV: Xin cảm ơn ông!

NGUYỄN LONG (thực hiện)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn



Tin cùng chuyên mục
Các tin khác