Tích cực thi đua vì sự phát triển Đất Sen hồng

Cập nhật ngày: 05/03/2024 15:52:31

http://baodongthap.com.vn/database/video/20240305035417dt2-8.mp3

 

ĐTO - Các cấp, ngành, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp và người dân trên địa bàn tỉnh thực hiện Chỉ thị số 19 ngày 16/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phát động thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và Kế hoạch 5 năm (2021 - 2025) theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội Đất Sen hồng.


Đồng chí Phan Văn Thắng - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh (bên trái) tặng quà, chúc Tết Nguyên đán Giáp Thìn Công ty CP Nhật Huy Khang International (Ảnh M.Đ)

Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt khá cao

Theo đó, kinh tế phục hồi nhanh và khá toàn diện sau dịch Covid-19. Quy mô nền kinh tế đạt trên 109.408 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 5,66%. Trong đó, lĩnh vực trồng trọt tăng trưởng khá tốt, giá trị sản xuất đạt hơn 30.120 tỷ đồng (tăng 3,96%). Diện tích sản xuất tăng, cơ cấu giống dịch chuyển sang nhóm lúa chất lượng cao và nếp, cùng với thị trường tiêu thụ ổn định, giá bán khá cao nên ngành hàng lúa gạo tăng so với năm trước. Các sản phẩm OCOP ngày càng đa dạng về mẫu mã, bao bì và nâng cao về chất lượng với 139 sản phẩm mới (đạt sao OCOP). Lũy kế đến cuối năm 2023, toàn tỉnh có 453 sản phẩm OCOP, trong đó có 366 sản phẩm 3 sao, 86 sản phẩm 4 sao, 1 sản phẩm 5 sao.


Ông Phạm Thiện Nghĩa - Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng Thi đua khen thưởng tỉnh (bìa phải) gặp gỡ doanh nghiệp trên địa bàn TP Sa Đéc (Ảnh: CTV)

Theo đồng chí Phạm Thiện Nghĩa - Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng Thi đua khen thưởng tỉnh, giá trị sản xuất công nghiệp năm qua đạt 69.767 tỷ đồng (tăng 6,38%) so với cùng kỳ năm 2022. Ngành công nghiệp phục hồi và phát triển khá tốt với động lực chính là ngành công nghiệp chế biến gắn với vùng nguyên liệu của tỉnh và của vùng. Hầu hết các sản phẩm công nghiệp chủ yếu sản xuất ổn định và có tăng trưởng so với năm 2022 như: thủy sản chế biến tăng 8,52%; gạo xay xát, lau bóng tăng 35,28%; thuốc viên các loại tăng 12,18%. Các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục được quan tâm kêu gọi đầu tư đạt tỷ lệ lấp đầy khoảng 86%; thu hút được 62 dự án của 45 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 15.395 tỷ đồng, tạo việc làm cho khoảng 16.200 lao động.

Hoạt động thương mại và dịch vụ đáp ứng tốt nhu cầu mua sắm của người dân. Nhiều chương trình kết nối cung cầu, giao thương, quảng bá sản phẩm được tổ chức, tiếp tục thúc đẩy phân phối hàng hóa của tỉnh vào hệ thống siêu thị lớn trong nước và giao dịch thông qua các sàn thương mại điện tử uy tín (Voso, Postmart, Lazada, Shopee, Sendo). Sức mua hàng hóa, tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ năm 2023 đạt 126.196 tỷ đồng (tăng 13,63%) so với cùng kỳ năm 2022.

Chất lượng giáo dục các cấp học được bảo đảm, việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong dạy học, quản lý đạt được kết quả bước đầu. Các chỉ tiêu văn hóa, môi trường đạt kết quả tốt, tổ chức thành công nhiều sự kiện, giúp hoạt động du lịch khôi phục nhanh, góp phần quảng bá hình ảnh, con người Đồng Tháp đến bạn bè trong nước và quốc tế. Các chính sách an sinh xã hội, chăm lo người có công, gia đình chính sách được quan tâm thực hiện, số người được giải quyết việc làm gia tăng đáng kể.


Du khách tham quan, trải nghiệm tại cơ sở sản xuất, kinh doanh hoa, kiểng thuộc khóm Tân An, phường An Hòa, TP Sa Đéc (Ảnh: N.T)

Phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu năm 2024

Đồng chí Phạm Thiện Nghĩa - Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng Thi đua khen thưởng tỉnh, cho biết: “Mục tiêu tổng quát trong phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 của tỉnh đề ra là bảo đảm môi trường kinh doanh bình đẳng, thuận lợi cho các thành phần kinh tế phát triển. Khai thác tiềm năng, lợi thế thúc đẩy tăng trưởng cao, đi đôi với tái cơ cấu kinh tế, tạo được chuyển biến thực chất, rõ nét mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững, nâng cao tính tự chủ, khả năng thích ứng và sức chống chịu của nền kinh tế. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, thúc đẩy chuyển đổi số trên các lĩnh vực. Sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường, nâng cao khả năng thích ứng biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, chăm sóc sức khỏe, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho Nhân dân. Bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội...”.

Cụ thể: thực hiện hiệu quả Kết luận số 250 ngày 9/12/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tiếp tục thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) gắn với Tái cơ cấu ngành nông nghiệp và công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2025, hướng đến xây dựng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh. Triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp tổng thể tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong đó tập trung tái cơ cấu các ngành hàng chủ lực (lúa gạo, cá tra, hoa kiểng, xoài, sen) và chuyển đổi số ngành nông nghiệp. Năm 2024, tỉnh duy trì tổng sản lượng lúa khoảng 3,32 triệu tấn, trái cây đạt 370.794 tấn, mở rộng diện tích hoa kiểng với quy mô 4.233ha, sen đạt 1.800ha.

Tỉnh quan tâm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở. Tập trung cải cách hành chính, cung cấp các dịch vụ công, xây dựng chính quyền điện tử nhằm rút ngắn thời gian và chi phí cho người dân, doanh nghiệp. Đảm bảo duy trì vị trí thuộc nhóm “rất tốt” trên bảng xếp hạng cả nước về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Quán triệt chủ trương “Đồng hành cùng doanh nghiệp”, tăng cường đối thoại với doanh nghiệp thông qua mạng xã hội, hộp thư điện tử, mô hình “Cà phê doanh nghiệp”, họp mặt, tiếp nhận và xử lý phản ánh qua Tổng đài 1022...

Phát triển doanh nghiệp và thúc đẩy khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 tăng cả về số lượng và chất lượng. Tỉnh khuyến khích các tổ chức kinh tế đầu tư vào hoạt động khoa học và công nghệ. Hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực quản trị, kỹ năng nghiên cứu, chuyển đổi số, phân tích thị trường, đào tạo nhân lực, tiếp cận vốn (Quỹ Đầu tư và Phát triển, Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp và khởi nghiệp). Phấn đấu trong năm 2024 có ít nhất 600 doanh nghiệp thành lập mới, nâng tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh lên gần 5.600 doanh nghiệp.

Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học trên cơ sở bám sát nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, ưu tiên các đề tài, dự án phục vụ các chương trình, đề án trọng tâm của tỉnh. Nhất là chuyển giao công nghệ và ứng dụng các thành tựu của cuộc “Cách mạng công nghiệp 4.0” phục vụ phát triển kinh tế, xã hội trên mọi lĩnh vực. Đồng thời tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn sản xuất kinh doanh do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Phát huy năng lực và hiệu quả của sàn giao dịch việc làm; đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng và hỗ trợ định hướng nghề nghiệp người lao động sau khi về nước. Năm 2024, giải quyết việc làm cho 30.000 lao động, trong đó có ít nhất 1.500 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng. Phát triển nhanh, bền vững đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội hướng đến gia tăng nhanh diện bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp. Năm 2024, phấn đấu giảm 0,4% tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giai đoạn 2022 - 2025 (đến cuối năm 2024 còn 1,12% hộ nghèo).

Năm 2023, xây dựng NTM tiếp tục được thực hiện tốt, hoàn thành các chỉ tiêu, tiêu chí đề ra. Tỉnh có thêm 6 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, 16 xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao và 3 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM (huyện Lấp Vò, Lai Vung, Châu Thành) và 1 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười). Lũy kế đến cuối năm 2023, toàn tỉnh có 115 xã đạt chuẩn NTM và 34 xã đạt chuẩn xã NTM nâng cao, 3 thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM (TP Sa Đéc, TP Cao Lãnh, TP Hồng Ngự), 5 huyện đạt chuẩn NTM (các huyện Tháp Mười, Cao Lãnh đã đạt chuẩn; riêng các huyện: Lấp Vò, Lai Vung, Châu Thành đang trong quá trình đánh giá, phấn đấu đạt kế hoạch đề ra).

DŨNG CHINH

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn