Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trên địa bàn tỉnh:

Tiếp tục đổi mới công tác giám sát, phản biện xã hội

Cập nhật ngày: 01/09/2022 15:59:34

ĐTO - Giám sát, phản biện xã hội là nhiệm vụ rất quan trọng của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) và các tổ chức chính trị - xã hội. Để góp phần khắc phục những khó khăn, vướng mắc hiện nay, nhất là giúp cho cán bộ các cấp nắm rõ hơn về quy trình, cách thức giám sát, phản biện xã hội, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (UBMTTQ) Việt Nam tỉnh vừa tổ chức hội nghị chuyên đề về “Thực trạng và đổi mới công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ các cấp trong tỉnh”.

Đồng chí Đoàn Thị Nghiệp - Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh cho rằng, công tác giám sát, phản biện xã hội của UBMTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong tỉnh có nhiều chuyển biến, tiến bộ và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành nhiều văn bản, trong đó nội dung chủ yếu lãnh đạo, chỉ đạo về việc quán triệt và tổ chức thực hiện Quyết định số 217 và Quyết định số 218 của Bộ Chính trị khóa XI (viết tắt là Quyết định số 217, 218). Đồng thời, Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam tỉnh quan tâm xây dựng kế hoạch giám sát, phản biện xã hội và tổ chức quán triệt, triển khai trong hệ thống Mặt trận các cấp và các tổ chức, cá nhân là thành viên UBMTTQ các cấp trên địa bàn tỉnh được hơn 9.100 cuộc với trên 420.000 lượt người tham dự.

Đáng chú ý, UBMTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn có lựa chọn nội dung, đổi mới phương pháp giám sát, phản biện xã hội như: hiệp thương xây dựng kế hoạch giám sát, phản biện xã hội hằng năm, xác định nội dung trọng tâm, trọng điểm sát vào những nội dung Nhân dân quan tâm, bức xúc; xác định rõ giám sát nào do Mặt trận chủ trì, từng thành viên chủ trì. Bên cạnh đó, phối hợp giám sát giữa MTTQ với các tổ chức chính trị - xã hội, giữa MTTQ với Hội đồng nhân dân và UBND gắn kết hơn, khắc phục sự trùng chéo. Đặc biệt, những vấn đề, vụ việc gây dư luận bức xúc trong Nhân dân đã được UBMTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tập trung giám sát: việc thực hiện Nghị định số 111 của Chính phủ về việc Quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn; việc công khai huy động các nguồn lực đóng góp trong dân; Quản lý và sử dụng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”...

Thông qua hoạt động giám sát, phản biện xã hội của UBMTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, chức năng đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và người dân ngày càng được thể hiện rõ nét, góp phần quan trọng vào sự đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của UBMTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, thúc đẩy thực hiện dân chủ, đồng thuận xã hội, niềm tin vào Đảng, chính quyền của người dân được đánh giá cao. Tuy nhiên, công tác giám sát, phản biện xã hội còn nhiều hạn chế, từ đó, tại hội nghị “Thực trạng và đổi mới công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ các cấp trong tỉnh”, nhiều đại biểu đã tham luận, thảo luận, đề xuất những giải pháp liên quan đến công tác giám sát, phản biện xã hội trong thời gian tới.

Theo đó, các giải pháp tập trung vào nhóm vấn đề về sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng như: công tác quán triệt, triển khai các nghị quyết, quy định về giám sát, phản biện xã hội; việc ban hành các qui định của cấp ủy, chính quyền ban hành các văn bản bảo đảm điều kiện hoạt động giám sát, phản biện xã hội được thuận lợi, thông suốt. Hay, nhóm vấn đề phối hợp và trách nhiệm của các cấp chính quyền trên địa bàn (mức chi cho giám sát, phản biện xã hội của từng cấp thông qua nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh; cung cấp tài liệu, cử người tham gia giám sát, phản biện xã hội; tiếp thu và giải trình, phản hồi kiến nghị qua giám sát, phản biện xã hội, bằng các hình thức nào, đề xuất, kiến nghị). Đánh giá làm rõ ưu điểm, hạn chế, vai trò nỗ lực chủ quan của MTTQ với tư cách là chủ thể trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội; các nội dung nào cần quan tâm hướng dẫn, giải pháp nâng cao chất lượng, giám sát, phản biện xã hội...

Thời gian qua, Ban Thường trực UBMTTQ các cấp trong tỉnh đã tổ chức phản biện xã hội được hơn 5.000 cuộc với 352 văn bản (UBMTTQ Việt Nam tỉnh là 201, cấp huyện 151). Hình thức tổ chức: hội nghị đóng góp ý kiến trực tiếp, góp ý bằng văn bản, tổ chức lấy ý kiến Nhân dân. UBMTTQ Việt Nam tỉnh đã triển khai 63 cuộc giám sát. Các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh chủ trì giám sát 112 cuộc; UBMTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội cấp huyện chủ trì giám sát 176 cuộc... Nhìn chung, UBMTTQ các cấp trong tỉnh đã phát huy các hình thức: giám sát, giám sát theo chuyên đề, giám sát đột xuất. Thông qua các cuộc giám sát đã phát huy được vai trò của các Hội đồng tư vấn, Ban tư vấn, Ủy viên UBMTTQ các cấp.

DŨNG CHINH

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn