Tiếp tục quan tâm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Cập nhật ngày: 20/08/2023 05:49:30

ĐTO - Các cấp ủy, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến xã, phường, thị trấn lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai cụ thể hóa các nội dung Nghị quyết số 03 ngày 31/12/2021 của Tỉnh ủy khóa XI về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (viết tắt Nghị quyết số 03) bằng nhiều hình thức phù hợp. Qua đó, tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là nguồn nhân lực ngoài xã hội về nâng cao năng lực, tay nghề, kỹ năng nghề nghiệp, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động trong và ngoài nước. Đặc biệt, các cơ quan thông tin báo chí trong tỉnh đã tập trung truyền thông về yêu cầu của nguồn nhân lực, trong đó có nguồn nhân lực chất lượng cao đối với phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện tác động của cuộc Cách mạng khoa học kỹ thuật lần thứ tư; kết quả nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh.


Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT năm 2023 của học sinh trên địa bàn tỉnh đạt 99,35%

Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 03, các địa phương trong tỉnh rà soát, quy hoạch, sắp xếp các cơ sở giáo dục phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho việc học tập của người dân. Hệ thống cơ sở giáo dục trong tỉnh từng bước được hoàn thiện phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng nhu cầu phát triển nguồn nhân lực của địa phương. Hiện, toàn tỉnh có 592 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên công lập (bình quân 4,14 cơ sở/địa phương cấp xã); 13 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông tư thục; 29 cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp (2 trường Cao đẳng, 3 trường Trung cấp, 8 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp; 12 Trung tâm Dịch vụ nghề nghiệp, 4 doanh nghiệp) và 1 cơ sở giáo dục đại học (Trường Đại học Đồng Tháp).

Tỉnh triển khai thực hiện kế hoạch phát triển giáo dục với mục tiêu đến năm 2025, chất lượng giáo dục của tỉnh xếp trong nhóm 3 khu vực đồng bằng sông Cửu Long và nhóm 15 cả nước. Đồng thời đang triển khai xây dựng Đề án phát triển giáo dục đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Đề án sắp xếp lại các cơ sở giáo dục THPT trên địa bàn TP Hồng Ngự, nhằm từng bước hình thành trường THPT chất lượng cao, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khu vực biên giới; rà soát thực hiện đặt hàng đào tạo giáo viên theo Nghị định số 116 ngày 25/9/2020 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm (giáo viên các môn khó tuyển dụng: Tin học, tiếng Anh, năng khiếu).

Đồng chí Phạm Thiện Nghĩa - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết: “Đến nay, nhiều chỉ tiêu về giáo dục tỉnh Đồng Tháp đã vượt mặt bằng chung của khu vực đồng bằng sông Cửu Long và tiệm cận mặt bằng chung của cả nước. Năm học 2021 - 2022, mặc dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tỉnh đã linh hoạt tổ chức hình thức dạy học phù hợp, chất lượng giáo dục toàn diện được giữ vững, tương đương năm học trước. Nổi bật, kết quả thi học sinh giỏi xếp trong nhóm 3 các địa phương khu vực đồng bằng sông Cửu Long; điểm trung bình các môn thi tốt nghiệp THPT cao hơn mặt bằng chung của khu vực đồng bằng sông Cửu Long và cả nước (Đồng Tháp đạt 6,429 điểm, khu vực đồng bằng sông Cửu Long là 6,323 điểm, cả nước là 6,355 điểm)”.

Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tăng cường công tác bảo đảm chất lượng đào tạo theo hướng mở, linh hoạt, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Trường Đại học Đồng Tháp có 16 chương đào tạo đạt kiểm định chất lượng, Trường Cao đẳng Cộng đồng Đồng Tháp đạt chuẩn kiểm định chương trình đào tạo. Ngoài ra, Trường Cao đẳng Y tế Đồng Tháp phấn đấu đến năm 2025 đạt chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp, là trường chất lượng cao nằm trong nhóm dẫn đầu các trường Cao đẳng Y tế khu vực Tây Nam Bộ. Giai đoạn 2021 - 2022, các cơ sở giáo dục ghề nghiệp (không tính Trường Đại học Đồng Tháp) và doanh nghiệp tuyển sinh đào tạo 33.580/30.000 học viên. Trong đó, trình độ cao đẳng là 3.011 học viên, trình độ trung cấp 5.324 học viên, trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng 25.245 học viên; riêng đào tạo nghề cho lao động tại các doanh nghiệp là 1.335 học viên.

Thời gian tới, tỉnh phân tích những việc làm được và hạn chế trong thực hiện Nghị quyết số 03, nhất là đề ra các giải pháp khắc phục những hạn chế phù hợp với thực tiễn địa phương. Tiếp tục triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trên địa bàn theo đúng lộ trình quy định của Trung ương. Đồng thời thực hiện có hiệu quả kế hoạch phát triển giáo dục tỉnh đến năm 2025; Đề án phát triển giáo dục tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 phù hợp với quy hoạch tỉnh Đồng Tháp thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng như Đề án chuyển đổi số ngành giáo dục tỉnh...

DŨNG CHINH

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn