KỶ NIỆM 40 NĂM THÀNH LẬP TIỂU ĐOÀN ĐỒNG THÁP TÌNH NGUYỆN ĐI CHIẾN ĐẤU BẢO VỆ BIÊN GIỚI PHÍA BẮC (4/1979 - 4/2019)
Tiểu đoàn Đồng Tháp - khi Tổ quốc gọi chúng tôi sẵn sàng
Cập nhật ngày: 20/04/2019 05:29:15
ĐTO - 40 năm trôi qua kể từ ngày cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn Đồng Tháp tình nguyện lên đường tham gia bảo vệ biên giới phía Bắc. Trong ký ức những người lính Tiểu đoàn Đồng Tháp năm xưa, họ vẫn nhớ như in về mùa hè năm ấy, mùa hè năm 1979, khi biên giới Tây Nam còn chưa êm tiếng súng thì biên giới phía Bắc, quân dân ta lại phải chiến đấu kiên cường đánh đuổi quân xâm lược Trung Quốc...
Họp mặt những chiến sĩ Tiểu đoàn Đồng Tháp năm xưa trong một dịp kỷ niệm ngày tiến quân ra Bắc
Trang sử vàng oanh liệt chống ngoại xâm
3 giờ 30 phút ngày 17/2/1979, Trung Quốc nổ súng tấn công biên giới phía Bắc nước ta. Ngay sau đó, quân Trung Quốc đã đồng loạt tổ chức các cuộc tấn công từ nhiều cánh trên toàn tuyến biên giới phía Bắc Việt Nam. Trước hành động xâm lược của quân Trung Quốc, quân và dân Việt Nam đã tổ chức phòng ngự, chiến đấu kiên cường chống trả lại một đội quân đông hơn nhiều lần, trên phòng tuyến biên giới dài gần 600km.
Trong quá trình diễn ra cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc trên biên giới phía Bắc, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng tham mưu đã lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy quân và dân ta phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân địa phương.
Cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Bắc năm 1979 là một trong những trang sử vàng oanh liệt chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Dù chỉ kéo dài hơn 1 tháng nhưng sự khốc liệt và tinh thần anh dũng của quân và dân ta đã viết tiếp lịch sử hào hùng của dân tộc. Thắng lợi của cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc trên biên giới phía Bắc khẳng định sức mạnh của chiến tranh nhân dân Việt Nam, đặc biệt là sức mạnh của lực lượng vũ trang tại chỗ, của chiến tranh nhân dân địa phương và sức mạnh của hậu phương cả nước trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.
Nhằm phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp của cả nước, ngày 4/3/1979, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam ra lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước anh dũng đứng lên bảo vệ Tổ quốc. Cùng ngày, Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng ký sắc lệnh 29-LCT ra lệnh tổng động viên trong cả nước. Hội đồng Chính phủ ban hành Nghị định số 83-CP quy định về việc thực hiện quân sự hóa toàn dân, vũ trang toàn dân.
Đáp lời kêu gọi của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Lệnh Tổng động viên của Chủ tịch nước, nhân dân cả nước hết lòng hết sức chi viện cho cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Bắc. Hàng triệu người chủ yếu là thanh niên ở khắp các tỉnh, thành phố trên toàn quốc đã tình nguyện đăng ký gia nhập lực lượng vũ trang, ra mặt trận lên tuyến trước xây dựng trận địa chống quân thù. Trong lúc này, cùng với đồng bào cả nước, từ miền Nam, tại quê nhà Đồng Tháp, thanh niên khắp các địa phương trong tỉnh đã viết đơn tình nguyện lên biên giới phía Bắc. Tỉnh Đồng Tháp cũng như các tỉnh khác ở đồng bằng sông Cửu Long nhanh chóng thành lập và đưa một tiểu đoàn bộ binh “Bắc tiến”, hòa mình cùng dòng người cả nước ra trận bảo vệ biên cương Tổ quốc.
Khi Tổ quốc gọi chúng tôi sẵn sàng
Được thành lập vào tháng 3/1979, Tiểu đoàn Đồng Tháp với quân số 476 chiến sĩ. Họ là những người lính tình nguyện đến từ khắp nơi trong tỉnh. Chiến sĩ của Tiểu đoàn Đồng Tháp hầu hết tuổi đời còn rất trẻ, có người chưa đầy 19, 20 tuổi, có những người vẫn đang còn ngồi trên ghế nhà trường vội vã “xếp bút nghiên lên đường chiến đấu”. Trong buổi lễ tình nguyện, họ đã ký tên bằng máu trong những lá đơn tình nguyện sẵn sàng lên đường bảo vệ Tổ quốc, “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Tiểu đoàn Đồng Tháp khi đó gồm Tiểu đoàn bộ binh và 4 Đại đội, do đồng chí Trung úy Trần Hoàng Sanh làm Tiểu đoàn trưởng, Chính trị viên là đồng chí Hồ Văn Mảnh. Sau một thời gian làm công tác củng cố, bổ sung hoàn chỉnh biên chế khung Tiểu đoàn Đồng Tháp, những người chiến sĩ tình nguyện trẻ khi ấy nhanh chóng được huấn luyện các nội dung cơ bản tại Tiểu đoàn 5 (đây là Tiểu đoàn huấn luyện tân binh đóng tại xã Dương Hòa, huyện Lấp Vò, nay là xã Tân Dương, huyện Lai Vung).
Một sáng mùa mưa ngày 26/6/1979, anh em chiến sĩ Tiểu đoàn Đồng Tháp bịn rịn chia tay người thân, lên đường hành quân ra miền Bắc. Xuất phát từ Tân Dương bằng phương tiện xe đò, đoàn dừng chân ở Hố Nai (tỉnh Đồng Nai) rồi tiếp tục chặng đường trên xe lửa đến ga Đức Lạc (tỉnh Hà Tĩnh). Sau hành trình 4 ngày 3 đêm hành quân, tại Hà Tĩnh, đoàn được biên chế vào Tiểu đoàn 3, Sư đoàn huấn luyện 441 đóng tại Khe Lan, xã Đức Dũng, huyện Đức Thọ, tỉnh Nghệ Tĩnh (nay là tỉnh Hà Tĩnh). Vì được rèn luyện và có sự chuẩn bị tư tưởng ổn định, nên mặc dù lúc này từ thời bình chuyển sang thời chiến nhưng những người con của quê hương Đồng Tháp đã nhanh chóng thích nghi với hoàn cảnh mới.
Sau những ngày thực hiện công tác bàn giao quân, khi đó Tiểu đoàn Đồng Tháp chỉ còn lại những người lính tân binh tình nguyện, những đồng chí cán bộ khung Tiểu đoàn Đồng Tháp được lệnh hành quân lập tức trở về miền Nam để tiếp tục gìn giữ biên giới Tây Nam. Những chiến sĩ trẻ của Tiểu đoàn Đồng Tháp tham gia công tác huấn luyện tại Khe Lan suốt 5 tháng. Đây cũng là thời điểm thử thách tinh thần, ý chí của những chiến sĩ trẻ miền Nam khi Tổ quốc lâm nguy. Trong môi trường khí hậu miền Trung khắc nghiệt, trong thời điểm đất nước muôn vàn khó khăn, cuộc sống của những người lính càng thêm khó khăn gian khổ. Đây cũng là khoảng thời gian đầy thử thách đối với tinh thần của những người lính trẻ, nhưng đồng đội luôn nhắc nhở nhau phải giữ vững tư tưởng lập trường, ý chí tiến công.
Kết thúc thời gian huấn luyện tại Khe Lan, Tiểu đoàn Đồng Tháp vinh dự được điều động về Sư đoàn 320 anh hùng. Đây là Sư đoàn thuộc Quân đoàn 3 - đơn vị anh hùng đã đi vào lịch sử Việt Nam. Các chiến sĩ Tiểu đoàn Đồng Tháp được bổ sung vào biên chế các Trung đoàn 48, 52, 54, 64 thuộc Sư đoàn 320. Khi đó, Sư đoàn 320 cũng vừa từ chiến trường biên giới Tây Nam chuyển quân thần tốc ra đóng quân tại huyện Đại Từ, tỉnh Bắc Thái (nay là tỉnh Thái Nguyên). Cuộc chuyển quân thần tốc nhằm huy động lực lượng tuyến sau để tăng cường sức mạnh chiến đấu cho tuyến đầu trong cuộc chiến chống quân xâm lược Trung Quốc trong chiến tranh biên giới phía Bắc.
Trong tâm trí những chiến sĩ Tiểu đoàn Đồng Tháp năm xưa, không ai có thể quên bao nhiêu kỷ niệm về khoảng thời gian huấn luyện ở Hà Tĩnh và đóng quân ở Thái Nguyên. Đó là ký ức đẹp dù những người con của vùng quê Nam bộ phải trải qua không ít gian nan thử thách với thời tiết khắc nghiệt, những trận gió Lào nóng bỏng rát da, những cơn gió rét cắt da cắt thịt, những bữa ăn sắn độn nhiều hơn cơm... Kỷ niệm mang theo một thời tuổi trẻ của những người chiến sĩ Tiểu đoàn Đồng Tháp khi đó còn có tình yêu thương của đồng đội, tình quân dân thắm thiết “như cá với nước” ở miền quê Đại Từ, Thái Nguyên... Mặc dù những năm tháng trong quân đội, anh em chiến sĩ tình nguyện của Tiểu đoàn Đồng Tháp tuy chưa phải trực tiếp ra trận đối mặt với kẻ thù, chưa kịp có những chiến công. Nhưng, những người lính với tinh thần luôn sẵn sàng “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” của Tiểu đoàn Đồng Tháp vẫn mang bên mình niềm tự hào đã lập được những “chiến tâm” khi vinh dự có những năm tháng tuổi trẻ trưởng thành trong môi trường quân đội.
Sau 5 năm tại ngũ ở Sư đoàn 320 thuộc Quân đoàn 3, ngày 30/6/1983, 67 chiến sĩ tình nguyện còn lại của Tiểu Đồng Tháp (trong đó có 24 đảng viên) được xuất ngũ.
Trở về quê nhà sau khi xuất ngũ, những cựu chiến binh ấy tiếp tục tham gia công tác trên nhiều lĩnh vực. Đa số những anh bộ đội tình nguyện trẻ trung, hồn nhiên ngày nào nay đã trưởng thành, tiếp tục tham gia công tác trong hệ thống chính trị từ cấp tỉnh đến xã, phường. Có đồng chí là Tỉnh ủy viên; trưởng, phó ngành cấp tỉnh; Bí thư, Chủ tịch cấp huyện; Đại tá trong quân đội... Nhưng cũng có đồng đội kém may mắn hơn, vẫn gặp nhiều trắc trở, khó khăn trong cuộc sống. Tuy mỗi người một hoàn cảnh, điều kiện khác nhau nhưng họ luôn gắn kết, trân quý đồng đội của mình năm xưa, những chiến sĩ tình nguyện đại diện cho lớp thanh niên Đồng Tháp sẵn sàng lên đường bảo vệ khi Tổ quốc lâm nguy. Với truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ” được trui rèn trong môi trường quân đội, họ luôn tự nhắc mình quyết tâm phát huy hơn nữa, chung tay xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, nguyện mãi xứng đáng là người con xứ sở Đất Sen hồng.
40 năm trôi qua kể từ ngày những chàng trai trẻ năm xưa lên đường ra tiền tuyến, mỗi năm, cứ dịp tháng tư về, những người cựu chiến binh Tiểu đoàn Đồng Tháp năm nào lại có dịp họp mặt, đồng đội cùng nhau ôn lại kỷ niệm một thời tuổi trẻ của những người con Đồng Tháp đầy nhiệt huyết, luôn mang trong tim tình yêu thiêng liêng dành trọn cho Tổ quốc thân yêu.
Thanh Hiền
Tài liệu tham khảo: Lịch sử Việt Nam (Nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội, 2007); Tư tưởng Hồ Chí Minh (Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, 2010); Giáo trình lịch sử Việt Nam từ 1975 đến nay (Nhà xuất bản Đại học sư phạm Hà Nội, 2008); Những bông hoa tháng Hai (Nhà xuất bản Văn hóa - Văn nghệ TP.HCM, 2019); Bài viết “Lạng Sơn 0km, ngày 7/3/1979” - Giáo sư Nguyễn Ngọc Trân (2019).