Tinh gọn bộ máy, biên chế, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Cập nhật ngày: 08/01/2018 07:08:38

Tinh gọn bộ máy nhà nước, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu đổi mới và phát triển đất nước là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, được xã hội đồng thuận cao. Nỗ lực của các cấp, ngành, địa phương đã thể hiện nhiều cách làm sáng tạo, nghiêm túc, tuy nhiên kết quả chưa tương xứng. “Chiếc bánh ngân sách” sau nhiều năm vẫn dành phần lớn tỷ trọng chi trả hành chính, dẫn đến thiếu chi cho đầu tư phát triển, khó cải cách chế độ tiền lương. Chức năng, nhiệm vụ của nhiều cơ quan chồng chéo làm hạn chế hiệu lực sử dụng nguồn lực...


Cán bộ Bộ phận tiếp nhận thủ tục hành chính UBND quận Hà Đông (Hà Nội) hướng dẫn người dân hoàn thiện hồ sơ, cách thức đánh giá chất lượng phục vụ của cán bộ, công chức. Ảnh: DUY LINH

Bài 1: Quyết tâm cao, hiệu quả thấp

Theo báo cáo của Chính phủ, giai đoạn từ năm 2011 đến tháng 4-2015, thời điểm Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 39, biên chế công chức, viên chức từ Trung ương đến địa phương tăng hơn 117 nghìn người. Sau khi triển khai thực hiện tinh giản biên chế, việc quản lý công chức, viên chức trong cơ quan, tổ chức, đơn vị chặt chẽ hơn, nhưng tỷ lệ giảm rất thấp, với khu vực hành chính nhà nước giảm 0,83%, các đơn vị sự nghiệp là 0,54%...; cơ cấu biên chế tăng, giảm chưa hợp lý.

Trên có gì, dưới có vậy

Một trong những lý do biên chế có giảm nhưng chưa đạt yêu cầu được lý giải là vì "trên sao, dưới vậy". Nghĩa là, vị trí, chức năng, nhiệm vụ được xác định theo tuyến thẳng, cấp trên có vị trí nào, cấp dưới gần như có vị trí tương ứng. Khi bộ máy cán bộ, công chức cấp xã, huyện chia nhỏ đơn vị hành chính, một mặt đáp ứng yêu cầu về phát triển kinh tế - xã hội, nhưng đồng thời tăng nhiều biên chế.

Tại xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh (TP Hồ Chí Minh), Bí thư Ðảng ủy Nguyễn Thanh Việt cho biết, xã có 16 ấp với hơn 110 nghìn dân. Có ấp gần 30 tổ nhân dân, số người hưởng lương và phụ cấp hằng tháng ở mỗi ấp là hơn 40 người, chưa kể các lực lượng khác như dân quân thường trực, công an viên, cộng tác viên dân số kế hoạch hóa gia đình, y tế cộng đồng…. Tính cả xã có tới 900 người hưởng lương và phụ cấp hằng tháng. Sắp tới, nếu thực hiện tách một số ấp, tổ đông dân, số người hưởng lương và trợ cấp sẽ còn tăng, bộ máy từ ấp đến xã càng phình to.

Bí thư huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè (TP Hồ Chí Minh) Nguyễn Văn Lưu cũng cho rằng, xuất phát từ lối tư duy cấp trên có gì ở dưới có đó cho nên bộ máy rất cồng kềnh. Bên cạnh đó, sự chồng chéo về chức năng nhiệm vụ giữa một số ban, phòng cấp huyện cũng cần được xem xét sắp xếp lại. Chẳng hạn như Ban Tổ chức Huyện ủy và Phòng Nội vụ hiện nay đều có chức năng quản lý cán bộ, công chức, chỉ khác về đối tượng quản lý.

Ðồng tình với ý kiến cho rằng, sự bố trí biên chế dàn trải vừa khó tinh giản, vừa khai thác không hiệu quả năng suất lao động, đồng thời tồn tại bất hợp lý giữa các đơn vị hành chính tương đồng nhưng quy mô không giống nhau, đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn Nguyễn Lâm Thành nêu thí dụ, nhiều đơn vị xã miền núi chỉ có ít dân, yêu cầu công việc quản lý kinh tế - xã hội không nhiều, trong khi các địa bàn khác, dân số lớn hơn rất nhiều, số biên chế vẫn theo mức chung, dẫn đến tình trạng nơi thừa, nơi thiếu... Vì vậy, với một số đơn vị hành chính cấp xã cần thực hiện tinh giản theo hướng sử dụng cán bộ linh hoạt, một người có thể đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ, kiêm nhiệm những nhiệm vụ không đòi hỏi chuyên môn sâu.

Một lý do khác là việc sắp xếp, kiện toàn cơ cấu tổ chức các cơ quan, đơn vị từ bộ, ngành trung ương tới địa phương theo hướng chuyên ngành, chuyên sâu, đặc thù... cũng khiến tổ chức bộ máy cồng kềnh, nhiều tầng nấc trung gian, thu gọn ở trên lại phình ra ở dưới. Báo cáo của Chính phủ về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2016 cho thấy, tại các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ chỉ giảm được một tổng cục nhưng lại tăng 38 cục, vụ và tương đương, bảy đơn vị sự nghiệp công lập. Số ban và tương đương, số đơn vị công lập của các cơ quan thuộc Chính phủ đều tăng. Khu vực cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện đều có xu hướng gia tăng đầu mối, với 34 cơ quan chuyên môn cấp tỉnh và 198 phòng chuyên môn cấp huyện...

Ðội ngũ đông mà không mạnh

Chỉ tính riêng cấp xã, năm 2016 có hơn 234 nghìn người chuyên trách và hơn 200 nghìn người không chuyên trách, chưa kể 837 nghìn người không chuyên trách ở cấp thôn và tổ dân phố. Hiện tại, tổng số người hưởng lương trong bộ máy của hệ thống chính trị là gần bốn triệu người. Ðây là con số không nhỏ, gây bội chi ngân sách nhà nước. Trong đội ngũ đông đảo ấy có bao nhiêu phần trăm không đủ phẩm chất, trình độ, năng lực thực thi công vụ, vẫn là câu hỏi chưa có giải đáp thỏa đáng. Một số địa phương, đơn vị vẫn tinh giản theo kiểu cơ học, không căn cứ trên thực tế công việc đặt ra, do đó chưa tinh giản được đúng đối tượng, chưa đưa ra giải pháp tinh giản người yếu kém phẩm chất, năng lực, trình độ, mà chủ yếu tập trung ở nhóm về hưu trước tuổi, tỷ lệ này chiếm tới 90% trong tổng số người thuộc diện tinh giản biên chế.

Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè Nguyễn Văn Lưu cho rằng, để xác định đúng người cần tinh giản phụ thuộc vào khâu đánh giá cán bộ. Ðây vẫn luôn là khâu khó. Kinh nghiệm từ huyện Nhà Bè, trước hết cấp ủy, lãnh đạo đơn vị, nhất là người đứng đầu mạnh dạn, công tâm, đánh giá xác đáng dựa trên kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị, mối quan hệ công tác... Huyện Nhà Bè có bộ tiêu chí đánh giá riêng, có bảng điểm soi vào từng vị trí công tác chấm điểm cán bộ, công chức, có định lượng rõ ràng, thực hiện sáu tháng một lần. Mới đây, có hai đồng chí lãnh đạo cấp huyện, khi xem xét thấy đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ hai năm liền, đã không được bổ nhiệm lại.

Ðể khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, căn cứ chỉ đạo của Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh, Ban Tổ chức Thành ủy đang hoàn thiện bộ tiêu chí đánh giá cán bộ cho từng chức danh cụ thể, làm cơ sở xem xét đánh giá, phân loại cán bộ hằng năm đúng thực chất; phục vụ yêu cầu giới thiệu ứng cử, tái ứng cử, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, quy hoạch, điều động, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật cán bộ; đồng thời tham mưu Ban Thường vụ Thành ủy quy định về điều chuyển, thay thế cán bộ lãnh đạo, quản lý có nhiều dư luận, uy tín giảm sút, không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Qua tìm hiểu thực tế tại một số địa phương, có sự vênh về số lượng biên chế, hợp đồng lao động khá lớn giữa một số đơn vị có cùng chức năng, nhiệm vụ và điều kiện tương đồng. So với đề án vị trí việc làm được phê duyệt, có đơn vị thiếu, đơn vị thừa. Nhiều cơ quan, tổ chức sử dụng vượt biên chế, nhưng có bộ, ngành lại không sử dụng hết biên chế so với chỉ tiêu được giao. Ở đây đặt ra vấn đề về sự áp đặt trong giao chỉ tiêu mà không dựa trên nhu cầu thực tế. Có tình trạng lợi dụng sơ hở của văn bản trong tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là số lượng cấp phó trưởng phòng tăng rất cao ở cả trung ương và địa phương... Nhiều người mà không phân định rõ trách nhiệm, dẫn đến tình trạng đùn đẩy, hiệu quả thực thi công vụ không rõ ràng, chất lượng kém. Ngân sách phải cõng cả bộ máy cồng kềnh mà công việc vẫn không "chạy". Không ít địa phương, nhất là cấp xã, thu ngân sách không đủ chi trả lương và phụ cấp cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, Nhà nước phải thường xuyên bù thêm như ở xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh (TP Hồ Chí Minh) là thí dụ. Năm 2016, xã này thu ngân sách được hơn năm tỷ đồng, nhưng chi cho hành chính hết hơn 18 tỷ đồng; như vậy, Nhà nước phải bù khoảng 13 tỷ đồng. Trong khi đó, mức lương và phụ cấp chi trả hằng tháng như hiện nay cho cán bộ cấp xã, thôn, ấp… cũng khó động viên tinh thần làm việc hết sức mình.

Những con số nêu trên cho thấy sự bức thiết trong tinh gọn bộ máy hành chính nhà nước. Kinh nghiệm từ Bà Rịa - Vũng Tàu, tinh giản biên chế là xem xét cả quá trình, phải làm từ gốc trong công tác cán bộ song song với quản lý chặt biên chế; luôn sử dụng số lượng biên chế thấp hơn được giao. Ðơn vị nào đang hoạt động tốt, không nhất thiết phải tăng cho đủ. Theo Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Trương Thanh Phong, trên cơ sở 2.333 chỉ tiêu biên chế hành chính được giao năm 2016, HÐND tỉnh đã ra nghị quyết giao biên chế công chức cho 23 cơ quan hành chính cấp tỉnh, 20 cơ quan hành chính thuộc sở và tám UBND huyện, với tổng là 2.323 chỉ tiêu, để dư 10 biên chế dự phòng. Năm 2017, toàn tỉnh cũng chỉ bố trí sử dụng 2.180 chỉ tiêu so với 2.297 chỉ tiêu được giao.

Xác định đúng đối tượng để tinh giản và quản lý biên chế hiệu quả cần thực hiện đồng bộ ở các cấp, ngành, cấp trên làm gương cho cấp dưới, với tinh thần chủ động, quyết liệt của người đứng đầu. Nếu người đứng đầu không minh bạch, công tâm trong từng khâu, không đánh giá cán bộ, công chức nghiêm túc thì rất khó tinh giản biên chế đúng đối tượng. Khi tiêu chí đánh giá cán bộ, công chức chưa được lượng hóa, còn thiên về định tính thì việc đánh giá cán bộ còn bất cập. Việc đưa ra khỏi đội ngũ những người hai năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ hay việc sắp xếp, bố trí cơ cấu theo hướng vị trí chuyên môn, nghiệp vụ chiếm tỷ lệ ít nhất 65% như Nghị quyết T.Ư 6, khóa XII đề ra, vẫn sẽ là vấn đề nan giải.

Theo báo cáo của Chính phủ, hiện nay có 11 địa phương sử dụng vượt 7.951 biên chế so với số biên chế công chức được Bộ Nội vụ giao. Ðó là: Hà Nội, Hồ Chí Minh, Ðà Nẵng, Hải Dương, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Bình Thuận, Bình Dương, Bình Phước, Ðồng Nai, Long An.

(Còn nữa)

Tiểu Phương, Minh Anh và Anh Tuấn (NDĐT)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn