Tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy quyền con người
Cập nhật ngày: 10/12/2012 04:57:21
Đảng và Nhà nước ta luôn coi con người và quyền con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực, là nhân tố quan trọng cho sự phát triển bền vững của đất nước. Những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, toàn quân, toàn dân ta đã bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN, thực hiện thành công công cuộc đổi mới và đã thu được nhiều thành tựu to lớn. Đó là nền tảng cơ bản để thực hiện tốt hơn quyền con người trong thời kỳ phát triển mới.
Hiến pháp 1992, văn bản có hiệu lực pháp lý cao nhất, đảm bảo mọi công dân có quyền bình đẳng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, bình đẳng trước pháp luật; quyền tham gia quản lý công việc của Nhà nước và xã hội; quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; quyền tự do đi lại và cư trú trên đất nước Việt Nam; quyền khiếu nại và tố cáo; quyền lao động, học tập, chăm sóc sức khỏe... không phân biệt giới tính, sắc tộc, tôn giáo.
Sau hơn 25 năm đổi mới, công cuộc phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam đã đạt được những thành tựu rất quan trọng. Các thành phần kinh tế được khuyến khích phát triển, đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế, đặc biệt trong vấn đề tạo việc làm và cải thiện đời sống của người dân. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng cao, không chỉ tạo động lực cho phát triển kinh tế mà còn giảm bớt gánh nặng cho ngân sách nhà nước, tạo điều kiện cho Nhà nước tập trung đầu tư nhiều hơn cho các mục tiêu ưu tiên như giáo dục, y tế, xây dựng cơ sở hạ tầng công cộng, phát triển nguồn nhân lực, xóa đói, giảm nghèo, hỗ trợ các vùng khó khăn...
Từ năm 1986 đến nay, Việt Nam đã ban hành và sửa đổi khoảng 13.000 văn bản luật và dưới luật, trong đó các quyền về dân sự, chính trị được quy định cụ thể và toàn diện hơn. Nội dung các quyền này đã được thể hiện xuyên suốt qua các chương, mục của Hiến pháp và được cụ thể hoá tại nhiều văn bản pháp luật quan trọng. Nguyên tắc bình đẳng, không phân biệt đối xử là nền tảng xuyên suốt các văn bản pháp luật.
Quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và thông tin của người dân Việt Nam luôn được đảm bảo. Báo chí đã trở thành diễn đàn ngôn luận của các tổ chức xã hội, nhân dân, là công cụ quan trọng trong việc bảo vệ lợi ích của xã hội, các quyền tự do của nhân dân và trong công tác kiểm tra, giám sát việc thực thi chính sách và pháp luật của Nhà nước, đặc biệt về quyền con người.
Đời sống tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân luôn được đảm bảo. Hiện nay cả nước có khoảng 20 triệu người theo các tôn giáo khác nhau và 80% người dân có đời sống tín ngưỡng. Nhà nước Việt Nam nhìn nhận tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu chính đáng của con người và không ngừng phấn đấu đảm bảo đời sống tín ngưỡng, tôn giáo cho người dân. Các sinh hoạt tôn giáo, đặc biệt các ngày lễ lớn hàng năm của nhiều tôn giáo được tổ chức trọng thể với hàng trăm nghìn tín đồ tham gia.
Tuy nhiên, những năm qua, các thế lực thù địch vẫn không ngừng lợi dụng các vấn đề dân chủ, nhân quyền, tôn giáo, dân tộc để vu cáo, xuyên tạc, can thiệp vào sự phát triển của đất nước ta. Vì vậy, ngoài việc bảo vệ ngày càng tốt hơn quyền con người, chúng ta phải kiên quyết đấu tranh với các luận điệu, âm mưu thù địch đó. Tăng cường phổ biến các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ta trên lĩnh vực quyền con người; giúp cho đồng bào ta ở trong nước cũng như ở nước ngoài và cộng đồng quốc tế hiểu rõ việc đảm bảo quyền con người là bản chất của chế độ ta; đồng thời góp phần phê phán những nhận thức lệch lạc và đấu tranh với những luận điệu sai trái, thù địch.
Chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam là tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy quyền con người. Việc bảo đảm quyền con người trong tất cả các lĩnh vực dân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội ở nước ta đã đạt những kết quả quan trọng, được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Quyền con người được phát huy và sự tham gia tích cực của người dân vào mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của đất nước là nhân tố quan trọng của thành công trong xây dựng và phát triển đất nước.
Hoan Huyền