Trách nhiệm xã hội của người làm báo

Cập nhật ngày: 19/06/2015 13:35:35

Còn 2 ngày nữa là tròn 90 năm kỷ niệm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam. Dù là kỷ niệm năm chẳng hay năm lẻ, với những người làm báo chúng tôi, ngày 21/6 là ngày hết sức đặc biệt. Đó là ngày ôn lại những vui, buồn của chuỗi ngày làm báo. Và, đó cũng là ngày chúng tôi nhìn lại để thấy trách nhiệm của người làm báo địa phương đối với bà con nhân dân, với quê hương mình.


Phóng viên trong một lần tác nghiệp

Trách nhiệm xã hội đối với những người làm báo chúng tôi trước tiên là thể hiện qua từng tin, bài. Càng làm báo, chúng tôi càng nhận ra là mỗi bài viết mình định viết là viết cho ai và mục đích viết để làm gì. Trước những thông tin đa chiều như hiện nay nhưng thông tin đến với bạn đọc thì chỉ có “2 chiều” là chiều tích cực hoặc tiêu cực nên chúng tôi biết mình cần phải làm gì. Với lương tâm người cầm bút, chúng tôi vẫn luôn mong muốn được truyền tải những tâm tư, nguyện vọng của bà con nhân dân, thông điệp của chính quyền địa phương, đồng thời luôn mong muốn bài viết của mình luôn tạo dư luận xã hội trong tâm thế yên tâm, tin tưởng hướng về phía trước.

Những lần mở trang Báo Đồng Tháp ra xem, đọc những dòng tin, bài được đăng tải của cộng tác viên, ta thấy ở đó có những dòng tin người nhặt được của rơi trả lại cho người mất, phản ánh sự cố điện, đường hư, giúp nhau trong hoạn nạn,... Có thể đối với nhiều người, đó không phải là tin, bài nóng, nhưng đó chính là những thông tin hết sức ý nghĩa được truyền tải đến bạn đọc, thể hiện được trách nhiệm và lương tâm của những người viết báo đối với đời sống xã hội dù đó không phải là những người làm báo chuyên nghiệp.

Trách nhiệm xã hội của những người làm báo là không vì lợi ích cá nhân mà quên đi lợi ích xã hội. Báo chí là vũ khí sắc bén và được nhiều người ví như “quyền lực thứ tư” nhưng với những người làm báo chúng tôi luôn quan niệm mình hành nghề vì trách nhiệm xã hội, vì lương tâm của người làm báo.

H.NGHĨA

 

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn