HUYỆN TAM NÔNG
Triển khai phương án quy hoạch xây dựng vùng
Cập nhật ngày: 29/08/2022 05:50:55
ĐTO - UBND huyện Tam Nông vừa tổ chức hội nghị triển khai phương án quy hoạch xây dựng vùng huyện gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Quang cảnh hội nghị
Theo phương án, phạm vi quy hoạch toàn bộ địa giới hành chính của huyện, với diện tích tự nhiên 474km2. Định hướng phát triển không gian có cấu trúc 5 vùng chức năng gồm: “Hạt ngọc sinh quyển - Thành phố nổi của đồng bằng sông Cửu Long”, “Vùng đô thị và hành lang kinh tế phía Tây”, “Vùng phát triển dịch vụ trung chuyển và chế biến nông, thủy sản trên nền tảng nông nghiệp công nghệ cao”, “Kinh tế sinh thái và Ramsar”, “Vùng phát triển năng lượng tái tạo và hành lang sinh thái”. Định hướng phát triển dân cư và hệ thống đô thị, lấy thị trấn Tràm Chim làm trọng tâm phát triển đô thị và động lực của vùng với mũi nhọn kinh tế là ngành thương mại và du lịch sinh thái. Định hướng nâng cấp thị trấn thành đô thị loại IV, xã An Long và xã Hòa Bình thành đô thị loại V giai đoạn 2025 - 2030 để phát triển chuỗi đô thị hậu cần công nghiệp và thương mại dịch vụ, xã Phú Hiệp dự kiến đạt đô thị loại V giai đoạn 2030 - 2050 làm trung tâm phát triển vùng nội đồng. Định hướng phát triển công nghiệp và năng lượng tái tạo sẽ hình thành mới 2 cụm công nghiệp Phú Thành A và Hòa Bình, hình thành khu công nghiệp tái tạo giáp ranh huyện Tháp Mười khoảng 2.800ha... Phân vùng nông nghiệp phía Tây kênh Kháng Chiến đến sông Tiền trồng các loại hoa màu và cây công nghiệp. Vùng phía Nam kênh Đồng Tiến trồng cây hoa màu, phía Bắc kênh Đồng Tiến trồng xen canh lúa - hoa màu; mở rộng vùng nuôi trồng thủy sản ven các kênh rạch chính và phát triển mô hình 2 lúa - 1 thủy sản trên phần lớn diện tích canh tác nông nghiệp từ phía Đông kênh Kháng Chiến đến ranh tỉnh Long An và định hướng không gian phát triển xã...
Đa số đại biểu cơ bản thống nhất phương án quy hoạch vùng huyện Tam Nông và có ý kiến đề nghị đơn vị tư vấn điều chỉnh một số vùng cho phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng; bổ sung vào phương án đánh giá tác động môi trường của các xã vùng đệm Vườn Quốc gia Tràm Chim, đưa một phần diện tích đất sản xuất nông nghiệp của xã Phú Thành A vào vùng hành lang kinh tế phía Tây, gắn kết tuyến Tỉnh lộ 845 ở xã Hòa Bình vào trục giao thông liên tỉnh... Đối với trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản nên quy hoạch khu vực phía Bắc kênh Đồng Tiến gồm các xã: An Hòa, An Long, Phú Ninh, Phú Thành A, Phú Thành B và Phú Thọ. Đây là vùng thoát lũ, chỉ sản xuất 2 vụ lúa và được Dự án WB 9 đầu tư cơ sở hạ tầng. Các khu vực còn lại phía Nam kênh Đồng Tiến từ An Hòa đến thị trấn Tràm Chim và xã Phú Cường, Phú Đức, Phú Hiệp điều chỉnh trồng lúa chất lượng cao, theo hướng hữu cơ, áp dụng công nghệ và trồng hoa màu, cây công nghiệp ngắn ngày... Đối với việc phát triển cá tra, giữ nguyên diện tích hiện hữu không mở rộng quy mô, hướng tới tập trung quy hoạch nuôi cá tra ở khu vực xã Tân Công Sính và Phú Cường. Qua đó, phát huy thế mạnh là vùng trung gian giữa vùng kinh tế biên giới thượng nguồn sông Tiền và vùng kinh tế sinh thái nông nghiệp trung tâm Đồng Tháp Mười...
TRẦN TRỌNG TRUNG